Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN đạt hơn 100.000 tỉ đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN đạt hơn 100.000 tỉ đồng

Hồng Phúc

Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN đạt hơn 100.000 tỉ đồng
Đại diện chính phủ, Bộ Tài chính tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập của SCIC, ngày 19-10-2015, tại Hà Nội – Ảnh: SCIC cung cấp

(TBKTSG Online) – Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trung ương, do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý đã đạt hơn 100.000 tỉ đồng.

Theo số liệu từ báo cáo kết quả 10 năm hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) công bố hôm nay 20-10, tính đến 30-9-2015, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp do SCIC quản lý đã đạt hơn 100.000 tỉ đồng.

Con số này đã tăng gấp hơn hai lần so với thời điểm 30-6-2012, khi quỹ đạt số dư hơn 45.000 tỉ đồng. Và váo thời điểm đó, giá trị quỹ cũng đã tăng gấp bốn lần so với số dư khi SCIC nhận bàn giao vào tháng 9-2008.

Thời gian qua, số dư và việc sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trung ương cụ thể như thế nào không được công khai, song theo các chuyên gia, đây là số tiền lớn, có thể hỗ trợ rất nhiều đối với tình hình khó khăn của ngân sách nhà nước cũng như các khoản chi tiêu của chính phủ.

Theo quyết định của chính phủ, SCIC được giao là đơn vị giữ quỹ này, cũng như quản lý việc thực hiện thu, chi theo quy định của pháp luật và quyết định của cấp có thẩm quyền. SCIC phải định kỳ báo cáo tình hình quản lý, sử dụng quỹ này để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn thu, chi của Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp

Nguồn thu:

1. Nguồn thu từ cổ phần hoá doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo quy định của pháp luật về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

2. Nguồn thu từ các hình thức sắp xếp chuyển đổi khác như giao, bán, giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

3. Các khoản thu sau cổ phần hoá bao gồm:

a) Tiền bán phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác do các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo sự phân công, phân cấp của Thủ tướng Chính phủ (sau khi trừ các chi phí liên quan theo quy định).

b) Các khoản tiền thu hồi giá trị cổ phần Nhà nước cấp cho người lao động để hưởng cổ tức (nếu số cổ phần này chưa bàn giao cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước); cổ phần bán trả chậm cho người lao động nghèo trong doanh nghiệp độc lập thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện cổ phần hoá theo các chính sách về cổ phần hoá trước thời điểm có hiệu lực của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ.

c) Khoản tiền người lao động dôi dư đã nhận trợ cấp từ Quỹ hoàn trả lại khi được tái tuyển dụng theo quy định của pháp luật.

4. Khoản lợi nhuận được chia, cổ tức của phần vốn nhà nước góp tại các doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi do các bộ, cơ quan ngang bộ, uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ.

5. Thu từ lợi nhuận sau thuế và khoản chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ của các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước đã được chủ sở hữu phê duyệt; điều hoà Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

6. Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

Nội dung chi:

1. Hỗ trợ các nông, lâm trường quốc doanh, doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu để giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư và xử lý các vấn đề về tài chính theo quy định của pháp luật.

2. Hỗ trợ kinh phí cho các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ – công ty con không đủ nguồn để giải quyết chính sách cho người lao động dôi dư khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu các đơn vị thành viên theo quy định của pháp luật.

3. Bổ sung vốn điều lệ cho các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật.

4. Đầu tư bổ sung vốn để duy trì hoặc tăng tỷ lệ phần vốn nhà nước đang tham gia tại các doanh nghiệp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính và cơ quan được giao thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

5. Đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

6. Các khoản chi khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

(Nguồn: SCIC)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới