Thứ Sáu, 9/06/2023, 10:55
28 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Quy hoạch nhiều, thực hiện chẳng bao nhiêu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quy hoạch nhiều, thực hiện chẳng bao nhiêu

Ngọc Lan

Sản xuất máy nông nghiệp tại Công ty Vinappro. Ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam hiện chỉ mới đạt trình độ gia công, lắp ráp và chế tạo các loại máy công cụ, máy canh tác… cỡ nhỏ. Ảnh: Văn Khánh.

(TBKTSG) – Trong vòng tám năm, ngành cơ khí đã có một chiến lược phát triển chung và tám quy hoạch phát triển chuyên ngành (tính đến năm 2015 hoặc 2025). Nhưng thực tế ngành công nghiệp này, đến nay vẫn dừng ở trình độ gia công, lắp ráp hoặc chế tạo các thiết bị, máy móc cỡ nhỏ, giá trị gia tăng rất thấp.

Hiệu quả thấp

Tám năm trước (tháng 12-2002), Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020. Một ban chỉ đạo chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm ra đời sau đó, do một phó thủ tướng đứng đầu. Đồng thời, Nhà nước có cơ chế hỗ trợ về lãi suất và thời hạn vay vốn lưu động cho các nhà sản xuất thiết bị cơ khí, các công trình chế tạo thiết bị toàn bộ cần vốn lớn, chu kỳ sản xuất dài và các dự án sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm.

Sau đó, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã phê duyệt liền tám đề án quy hoạch: phát triển công nghiệp sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp; ngành thiết bị điện; các ngành công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế tạo thiết bị chế biến nông-lâm-sản… Cùng với đó là các quy hoạch phát triển ngành này ở Hà Nội và TPHCM. Kể cả quy hoạch ngành ô tô, xe gắn máy, tàu thủy cũng đã ra đời.

Cơ chế vay vốn hỗ trợ các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm (tín dụng ưu đãi đặc biệt với lãi suất 3%/năm trong vòng 12 năm, hai năm đầu không phải trả lãi và chỉ trả nợ gốc từ năm thứ 5 trở đi) cũng được ban hành từ tám năm trước. Nhưng thực tế ngành này đã phát triển thế nào, cho đến năm 2010 là năm cuối cùng trong thời hạn quy hoạch?

Mục tiêu của Chính phủ là nhằm đến năm 2010, ngành cơ khí đáp ứng được 45-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí cả nước, trong đó xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng. Nhưng báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương thừa nhận, ngành công nghiệp cơ khí nước ta hiện mới đạt trình độ gia công, lắp ráp và chế tạo các loại máy công cụ, máy động lực, máy canh tác và chế biến nông sản cỡ nhỏ.

Ngay cả với xe gắn máy được đánh giá là tiến bộ nhất của ngành trong vòng năm năm trở lại đây với việc xuất khẩu 150.000 xe/năm và tỷ lệ nội địa hóa do trong nước sản xuất khoảng 80% thì chủ yếu là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bộ Công Thương dẫn nguồn Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan tính được đến tháng 10-2009, tỷ lệ giá trị sản xuất cơ khí trong nước/trên tổng giá trị ngành cơ khí là 34,9%. Năm 2000, nó đã từng đạt mức cao nhất trong vòng 11 năm qua là 39,5%, sau đó giảm dần hoặc lên xuống thất thường dưới mốc này.

Đặc biệt năm 2008, tỷ lệ này giảm xuống dưới mức 30%. Trong khi đó, tỷ lệ giá trị toàn ngành cơ khí chiếm 64,9% trong tổng giá trị toàn ngành công nghiệp. Điều này nói lên rằng nếu giá trị ngành cơ khí tăng thêm được điểm phần trăm nào sẽ đẩy nhanh sự phát triển của ngành công nghiệp trong nước đến đó.

Để “lực đỡ” không biến thành “lực cản”

Phải thừa nhận rằng đầu tư vào ngành cơ khí đòi hỏi vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài, tỷ suất lợi nhuận không cao lại là ngành công nghiệp đòi hỏi tính phức tạp về kỹ thuật và độ chính xác cao nên ít hấp dẫn các doanh nghiệp hơn so với đầu tư vào các ngành nghề kinh doanh khác.

Hơn nữa, xuất phát điểm của ngành cơ khí là thấp so với các ngành công nghiệp khác nên các tổ chức tín dụng cũng thường “nâng lên, đặt xuống” một cách hết sức cẩn trọng trước những lời đề nghị vay vốn của các doanh nghiệp ngành này.

Một chủ doanh nghiệp cơ khí dân doanh nói với TBKTSG rằng, gần 20 năm gắn bó với ngành sản xuất cơ khí nhưng ông tin là còn rất xa trong tương lai, ngành cơ khí Việt Nam mới tiếp cận được với sự phát triển của ngành cơ khí (chế tạo) trên thế giới, hiện đang ở giai đoạn cao của tự động hóa và chính xác. Vì hiện tại, các doanh nghiệp cơ khí lớn ở Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước mà sức ì của cơ chế bao cấp, bảo hộ khiến họ “ngủ quên” hoặc rất chậm đổi mới trong nhiều năm qua dẫn đến khả năng cạnh tranh để phát triển là rất yếu.

Hơn nữa, ngành cơ khí Việt Nam hiện vẫn chưa có các cơ sở kỹ thuật tiên tiến để đủ khả năng thiết kế chế tạo máy, thiết bị công nghệ cao do việc đầu tư phân tán, nhỏ lẻ lại rất khép kín trong các doanh nghiệp đặc biệt trong các tổng công ty lớn và tập đoàn nên rất khó phối hợp. Điều này khiến chi phí sản xuất cao và khả năng cạnh tranh thấp hơn nữa. “Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển cụ thể của các dự án đầu tư thuộc tám nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm còn chậm, chưa xác định chính xác các dự án then chốt cần đầu tư nên hiệu quả thấp là vậy”, ông này nói.

Ví dụ như ngành công nghiệp đóng tàu. Dù được Nhà nước hỗ trợ rất lớn, nhưng tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã không lựa chọn một ngành sản xuất mũi nhọn, chủ lực trong chuỗi giá trị của chiếc tàu mà đầu tư hầu hết vào các công đoạn sản xuất, cơ sở hạ tầng rải khắp từ Hải Phòng – Quảng Ninh đến miền Trung, miền Nam, Cà Mau, rồi tham vọng sản xuất hầu hết các thiết bị phụ trợ cho ngành đóng tàu, sản xuất thép đóng tàu, nội thất, xây dựng các khu công nghiệp đóng tàu khép kín từ Nam chí Bắc… Tuy nhiên, do đầu tư quá nhiều mà dàn trải nên đến nay hiệu quả chưa thấy đâu. Hiện nay các nguyên liệu giá trị sản xuất ra con tàu đều đi nhập từ nước ngoài về để lắp ráp.

Việt Nam đã là thành viên của WTO, nên các chính sách hỗ trợ, bảo hộ, cơ chế chỉ định thầu sẽ không còn được duy trì lâu dài nữa. Theo lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất cơ khí, việc ban hành các chính sách và lộ trình cụ thể phù hợp với quá trình hội nhập, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất hoặc nhà thầu (hay tổ hợp nhà thầu) trong nước tự vươn lên mới là cần thiết.

Ví như Luật Đấu thầu sửa đổi, đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, chỉ định thầu hoặc đấu thầu trong nước, doanh nghiệp nước ngoài tham gia dưới danh nghĩa liên danh hoặc thầu phụ. Ngay cả cơ chế hỗ trợ phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm từ năm 2009-2015 phải được Chính phủ chỉ đạo một cách quyết liệt, dứt điểm và đảm bảo tính trọng điểm ở các dự án đầu tư. Có như thế, bàn tay hỗ trợ của Nhà nước mà ngành cơ khí cần mới phát huy tác dụng. Còn nếu không, sự hỗ trợ đó có thể mang đến tác dụng ngược là trở thành các lực cản vô hình ngăn trở sự chủ động cạnh tranh phát triển của ngành công nghiệp này.

Muốn được bảo hộ nhiều

“Đầu tư phát triển công nghiệp cơ khí không thể không có bàn tay của Nhà nước tác động và tạo đơn hàng để các tập đoàn, tổng công ty cơ khí có kế hoạch dài hạn trong đầu tư và phát triển”, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, nhiều lần phát biểu tại các cuộc hội thảo như vậy. Ông mong muốn Nhà nước có thật nhiều chính sách tác động và hỗ trợ để ngành công nghiệp này phát triển, tham gia vào các dự án năng lượng lớn, muốn được chỉ định thầu, muốn có được cơ chế tạo vốn riêng, lãi suất thấp… Mục đích cuối cùng là một khi ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo phát triển thì sẽ giảm được tình trạng nhập siêu (chủ yếu là nguyên vật liệu và thiết bị máy móc) vốn đang là những mặt hàng chiếm 70% kim ngạch nhập khẩu cả nước hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới