Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quỹ Phan Châu Trinh vinh danh nhà văn hóa Phan Khôi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quỹ Phan Châu Trinh vinh danh nhà văn hóa Phan Khôi

Bảo Uyên

Quỹ Phan Châu Trinh vinh danh nhà văn hóa Phan Khôi
Ông Phan Trản, con trai nhà văn hóa Phan Khôi (trái) nhận quyết định tôn vinh cha mình là "Danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại" – Ảnh: L.Đ

(TBKTSG Online) – Trong khuôn khổ lễ trao giải Văn hóa Phan Châu Trinh lần X – 2017 tổ chức vào đêm 24-3 tại TPHCM, Quản lý Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã công bố quyết định tôn vinh nhà văn hóa Phan Khôi là “Danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại”.

Trong diễn từ vinh danh, nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng khoa học Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã lược thuật cuộc đời và những cống hiến của Phan Khôi cho nền văn hóa nước nhà: “Phan Khôi là một tác giả hết sức đa dạng, một nhà phê bình văn học uyên thâm và sắc sảo, một nhà nghiên cứu văn học sâu sắc, một nhà thơ tài hoa, một tác giả văn tự sự hấp dẫn, một tác giả xuất sắc của các thể loại tiểu phẩm, hoạt kê, châm biếm, một dịch giả tài năng, một nhà ngôn ngữ học tinh tế, cuối cùng là một nhà báo kiệt xuất”.

Phan Khôi là người thứ 5 được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tôn vinh là “Danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại”, trước đó là Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Châu Trinh, Phan Bội châu.

Như những năm trước, giải Văn hóa Phan Châu Trinh năm nay trao cho bốn hạng mục.

Cụ thể: Giải "Vì sự nghiệp văn hóa – Giáo dục" trao cho Giáo sư Cao Huy Thuần vì những đóng góp to lớn và sâu sắc cho sự nghiệp văn hóa và giáo dục Việt Nam; Giải "Nghiên cứu" trao cho Giáo sư Trần Đình Sử vì những đóng góp to lớn và lâu dài trong lĩnh vực nghiên cứu văn học và Giáo sư Trịnh Văn Thảo (hiện ở Pháp) vì những đóng góp đặc sắc trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa và lịch sử Việt Nam cận và hiện đại; Giải "Dịch thuật" thuộc về nữ dịch giả Nguyễn Hồng Nhung với những công trình dịch thuật công phu và đặc sắc về văn học và triết học Hungary, đặc biệt là tác phẩm “Câu chuyện vô hình và đảo” và bộ sách "Minh triết thiêng liêng" của Hamvas Béla, một trong những nhà văn, nhà triết học vĩ đại nhất của châu Âu thế kỷ XX và trong nền văn hóa Hungary; Giải "Việt Nam học" được trao cho nhà Việt Nam học người Canada, Alexander Woodside vì những công trình nghiên cứu uyên bác và đặc sắc về lịch sử Việt Nam.

Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh mang tên nhà văn hóa lỗi lạc Phan Châu Trinh (1872-1926). Quỹ này được thành lập với sứ mệnh "Góp phần phục hưng, du nhập, khởi phát, gìn giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa nhằm phục vụ công cuộc canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21". Quỹ trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, do một nhóm các trí thức tâm huyết với văn hóa của nước nhà thành lập.

Việc trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh hàng năm là một trong những hoạt động văn hóa quan trọng của quỹ nhằm vinh danh các cá nhân xuất sắc đã và đang có những nỗ lực không mệt mỏi cho sự nghiệp canh tân văn hóa và giáo dục Việt Nam.

Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh là một trong những hoạt động văn hóa quan trọng thường niên của quỹ, bao gồm 4 hạng mục giải thưởng: Giải Vì sự nghiệp Văn hóa – Giáo dục, Giải Nghiên cứu, Giải Dịch thuật, Giải Việt Nam học. 

Năm 2017 cũng là năm đánh dấu 10 năm hoạt động của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh.

Hội đồng Khoa học Quỹ bao gồm 11 thành viên: Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc – Chủ tịch, GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn – Phó chủ tịch; các ủy viên gồm: Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, GS.TS Huỳnh Như Phương, GS.TS Nguyễn Văn Trọng, GS.TS Lê Ngọc Trà, GS.TS Nguyễn Kim Sơn, PGS.TS Trần Hữu Quang, Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, TS. Vũ Thành Tự Anh, TS. Nguyễn Đức Thành.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới