Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quyền bảo hộ cho các ‘sáng chế’ của AI sẽ thuộc về ai?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quyền bảo hộ cho các ‘sáng chế’ của AI sẽ thuộc về ai?

Lê Thị Thiên Hương (*)

(TBKTSG) – Các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới đang đua tranh nhau lao vào con đường nghiên cứu và đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) lên một tầm cao mới, nhưng quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến hoạt động sáng chế này lại đang khiến cho các công ty này phải lo lắng vì các “sáng chế” do AI tạo ra không được bảo hộ chỉ vì nó không phải là con người.

4 triệu, 25GB, 97% những con số biết nói của trí tuệ nhân tạo

Ai đang dạy cho trí tuệ nhân tạo?

AI đã không còn là một khái niệm xa lạ, các ứng dụng của AI đang dần len lỏi vào mọi lĩnh vực trong đời sống, từ sản xuất, kinh doanh đến giải trí mà nhiều khi làm chúng ta phải ngỡ ngàng. Từ xe tự điều hành của Tesla, hệ thống gợi ý sản phẩm của Amazon, hay chương trình dự đoán các startup thành công nhất của Goodson…

Cho dù AI đang là lĩnh vực nóng bỏng trong thế giới công nghệ, nhưng trong thế giới pháp lý, AI lại gặp phải những cản trở đáng kể. Cụ thể là, trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các sáng tạo do AI tạo ra hầu như chưa được công nhận các quyền sở hữu phù hợp, đặc biệt là trong lĩnh vực quyền sáng chế.

Ví dụ cụ thể đưa ra ở đây là quyết định của Cục Sáng chế và thương hiệu Mỹ (USPTO) từ chối cấp bằng sáng chế (patent) cho hai phát minh do hệ thống trí thông minh nhân tạo Dabus tạo ra, bao gồm hệ thống khóa đan xen các container cho phép máy dịch chuyển hàng dễ hơn, và hệ thống đèn cảnh báo tự động khi nhịp thở có dấu hiệu bất thường.

Người tạo ra Dabus, nhà vật lý học và nhà nghiên cứu AI Stephen Thaler là người nộp đơn xin cấp bằng, nhưng ông lại quyết định không đứng tên là nhà sáng chế trong đơn vì ông không hề hỗ trợ Dabus trong việc phát minh ra hai sáng chế này.

Chính vì thế, việc bảo vệ quyền sở hữu hai sáng chế này của Dabus đang đi vào ngõ cụt. Theo USPTO, bởi vì luật Mỹ dùng cụm từ “bất cứ người nào” (whoever) khi nói về khái niệm “nhà sáng chế”, nên chỉ có con người được coi là nhà sáng chế. Những sáng tạo do máy móc làm ra, vì thế, không thể được cấp bằng.

Quyết định này không phải là quá gây bất ngờ cho giới chuyên môn, vì hiện nay, hầu hết các Cục sáng chế quốc gia trên thế giới đều không công nhận quyền sở hữu trí tuệ của AI. Ở Anh, đơn đăng ký cấp sở hữu cho sáng chế của Dabus cũng bị Cục Sở hữu trí tuệ Anh (UKIPO) từ chối.

Theo UKIPO, Cục không bác bỏ sự thực là Dabus sáng chế ra hai phát minh nói trên, nhưng theo luật của Anh, Dabus là một “cỗ máy” chứ không phải là một “người”, vì thế không thể nào đứng tên là nhà sáng chế.

Hơn nữa, một vấn đề pháp lý rắc rối khác đặt ra: vì Dabus là một cỗ máy, nên không thể chứng minh được làm cách nào quyền sở hữu bằng sáng chế được chuyển giao từ máy sang tên người nộp đơn là ông Thaler (theo luật định, khi người nộp đơn xin cấp bằng không phải là nhà sáng chế, thì cần có bằng chứng quyền sở hữu sáng chế được chuyển giao từ nhà sáng chế sang nhà sở hữu sáng chế, người có quyền nộp đơn cấp bằng sáng chế).

Cục Bằng sáng chế châu Âu (EPO) cũng từ chối cấp bằng sáng chế cho các phát minh của AI. Cơ quan này cho rằng các phát minh của AI “không đáp ứng được quy định của Công ước Bằng sáng chế châu Âu mà theo đó nhà sáng chế được chỉ định trong đơn đăng ký phải là một con người, chứ không phải là một cỗ máy”. EPO đã đưa ra quyết định này dựa trên điều 81 và điều 19 của Công ước.

Tuy nhiên, điều 81 chỉ quy định rằng “Đơn đăng ký bằng sáng chế châu Âu cần chỉ định nhà sáng chế. Nếu như người nộp đơn không phải là nhà sáng chế, hoặc không phải là nhà sáng chế duy nhất, thì việc chỉ định này cần bao gồm một tuyên bố chỉ ra nguồn gốc của việc sở hữu quyền đối với bằng sáng chế”. Điều 19 của công ước thì liên quan tới việc chỉ định nhà sáng chế.

Rõ ràng là Công ước không loại bỏ cũng như không chấp nhận một cách rõ ràng khả năng cấp bằng cho một nhà sáng chế “máy”, tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở việc làm sao chứng minh được nhà sáng chế máy “đồng ý” chuyển nhượng quyền cho nhà đăng ký. Chính vì thế, cho tới nay EPO cũng chưa đưa ra giải thích thực sự rõ ràng cho vấn đề này.

Ở Việt Nam, AI cũng là chủ đề nghiên cứu “nóng” trong nhiều cơ quan nghiên cứu và công ty công nghệ. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005 (sửa đổi năm 2019) dùng từ “tác giả” để chỉ người tạo ra sáng chế.

Theo điều 86 của luật, thì “tổ chức, cá nhân” có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bao gồm “tác giả tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình” và “tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc”.

Điều 122 của luật quy định rằng “tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là người trực tiếp sáng tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp” đồng thời công nhận quyền nhân thân của tác giả sáng chế.

Điều đó cho thấy rằng luật Việt Nam cũng theo hướng chung trên thế giới: tác giả là “người” phát minh ra sáng chế. AI, vì thế, cũng khó có thể được công nhận ở Việt Nam với tư cách là “tác giả”.

Trong bối cảnh hiện nay khi AI đang phát triển mạnh và số lượng phát minh do AI tạo ra đang ngày càng nhiều lên, quyết định của các cơ quan thẩm quyền trong việc cấp bằng sáng chế đang bị nhiều chuyên gia chỉ trích là kìm hãm sự phát triển của công nghệ.

Rõ ràng là “vận mệnh” của AI trong lĩnh vực pháp lý đang nằm trong tay các nhà làm luật: họ sẽ phải trả lời câu hỏi liệu có nên sửa đổi luật để công nhận khái niệm “nhà sáng chế” hay “tác giả” cho AI hay không. Tuy nhiên, con đường đi đến đó chắc hẳn sẽ không đơn giản.

(*) Tiến sĩ luật (Pháp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới