Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quyền bế xưởng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quyền bế xưởng

Trần Thanh Tùng

Minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Lần đầu tiên quyền bế xưởng được nêu trong điều 239 dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi với tên gọi “đóng cửa doanh nghiệp”. Bài viết này nhằm góp thêm một số ý kiến quanh quy định về quyền bế xướng

Bế xưởng – quyền mới của NSDLĐ

Bế xưởng là quyền của người sử dụng lao động (NSDLĐ), thường được so sánh tương xứng với đình công là quyền của người lao động (NLĐ). Bế xưởng chưa được quy định trong Bộ luật Lao động hiện hành. Lần đầu tiên bế xưởng được giới thiệu trong điều 239 dự thảo BLLĐ với tên gọi “đóng cửa doanh nghiệp”.

Theo dự thảo, đóng cửa doanh nghiệp là “việc người sử dụng lao động quyết định đóng cửa tạm thời doanh nghiệp trong quá trình đình công để bảo vệ tài sản của doanh nghiệp, phòng ngừa hành vi lợi dụng đình công để phá hoại của các phần tử quá khích và do không có đủ nhân lực để duy trì hoạt động bình thường của doanh nghiệp”.

Theo định nghĩa của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vào năm 1993, bế xưởng được định nghĩa là “một sự đóng cửa tạm thời một phần hay toàn bộ của một hay nhiều nơi làm việc, hoặc sự ngăn trở hoạt động lao động bình thường của người lao động, bởi một hay nhiều NSDLĐ với mục tiêu nhằm thực thi hoặc chống lại yêu sách hoặc thể hiện sự phản đối, hoặc ủng hộ yêu sách hoặc sự phản đối của những NSDLĐ khác”.

Khi so sánh hai định nghĩa trên, chúng ta thấy quy định của dự thảo có sự khác biệt đáng kể so với định nghĩa của ILO. Theo ILO, bế xưởng trước hết là sự đóng cửa tạm thời của một hay một số nơi làm việc (place of employment) chứ không phải đóng cửa tạm thời doanh nghiệp.

Quy định của ILO là hợp lý vì doanh nghiệp có thể có nhiều xưởng/nơi sản xuất và nếu có tranh chấp lao động hoặc đình công, NSDLĐ có thể đóng cửa tạm thời xưởng/nơi sản xuất có tranh chấp, đình công, chứ không phải và không nhất thiết phải tạm ngừng hoạt động của những xưởng/nơi làm việc khác không có tranh chấp, đình công hoặc đóng cửa toàn bộ doanh nghiệp.

Tiếp đến, theo định nghĩa của ILO, bế xưởng là hành động chủ động của NSDLĐ nhằm thực thi yêu sách của NSDLĐ, chống lại yêu sách của NLĐ, thể hiện sự phản đối của NSDLĐ hoặc thể hiện sự đồng tình với những NSDLĐ khác – ví dụ những doanh nghiệp khác trong cùng một hiệp hội.

Trong khi đó, điều 239 dự thảo nhìn nhận quyền bế xưởng như là một biện pháp phản kháng mang tính bị động và tự vệ của NSDLĐ khi NLĐ đình công mà nguyên nhân là bảo vệ tài sản của doanh nghiệp, tránh hành vi phá hoại của các phần tử quá khích hoặc và do NSDLĐ không đủ nhân lực để hoạt động.

Hơn nữa theo dự thảo, quyền đóng cửa doanh nghiệp cũng chỉ tồn tại trong thời gian diễn ra đình công của NLĐ vì dự thảo cấm NSDLĐ đóng cửa doanh nghiệp trước thời điểm NLĐ bắt đầu đình công nhằm đe dọa những người đình công hoặc sau khi cuộc đình công kết thúc để trả thù những người đình công (điều 241 dự thảo), trong khi không thấy nội dung này trong định nghĩa của ILO.

Mặc dù thừa nhận bế xưởng là quyền của NSDLĐ nhưng nội dung hiện nay của dự thảo chưa toát lên được tinh thần này và còn nhiều vấn đề cần xem xét.

Như vậy, xét chung, định nghĩa của ILO thể hiện rõ tính chất của bế xưởng là một quyền của NSDLĐ, được thực hiện một cách chủ động chứ không chỉ là một biện pháp tự vệ bị động trước cuộc đình công của NLĐ. Vì thế, về nguyên tắc, bế xưởng không nhất thiết chỉ diễn ra trong thời gian đình công của NLĐ.

Vì là quyền của NSDLĐ, khi NSDLĐ thực thi quyền này thì dù có thiệt hại cho NLĐ, luật cũng không buộc NSDLĐ bồi thường thiệt hại, trừ khi NSDLĐ phạm luật. Điều 243 của dự thảo chỉ buộc NSDLĐ phải trả tiền lương, phụ cấp và các quyền lợi khác cho NLĐ khi NSDLĐ vi phạm các quy định của luật (về thời hạn thông báo về việc bế xưởng, bế xưởng trước khi diễn ra đình công hoặc sau khi đình công đã chấm dứt).

Tuy nhiên, nếu việc bế xưởng này khiến những NLĐ không tham gia đình công phải ngừng việc thì NSDLĐ phải trả lương ngừng việc và các quyền lợi khác cho những NLĐ không tham gia đình công này.

Một số kiến nghị

Trước hết, bản thân thuật ngữ “đóng cửa doanh nghiệp” rất dễ gây hiểu lầm vì trong thực tế, cụm từ “đóng cửa doanh nghiệp” thường được hiểu là việc thanh lý hoặc giải thể doanh nghiệp. Dự thảo đánh đồng khái niệm “doanh nghiệp” với “xưởng/nơi sản xuất” khiến phạm vi áp dụng quyền bế xưởng quá rộng.

Như đã phân tích ở trên, NSDLĐ có thể đóng cửa một hoặc một vài xưởng/nơi làm việc có tranh chấp, đình công chứ không nhất thiết phải đóng cửa toàn bộ doanh nghiệp của mình. Theo quan điểm cá nhân, so với thuật ngữ “đóng cửa doanh nghiệp”, thuật ngữ “bế xưởng (lockout)” thể hiện được rõ ràng nhất và cô đọng nhất bản chất của vấn đề. Nếu không thể tìm được thuật ngữ nào chính xác hơn thì nên sử dụng thuật ngữ “bế xưởng (lockout)” như thông lệ trên thế giới.

Thứ hai, một khi đã xác định bế xưởng là quyền của NSDLĐ, thiết nghĩ, không nên quy định chi tiết mục đích của bế xưởng như theo dự thảo. NSDLĐ bế xưởng vì nhiều lý do chứ không nhất thiết vì không có đủ nhân lực để duy trì hoạt động bình thường. Vì thế, càng cố gắng liệt kê mục đích của việc bế xưởng, chúng ta lại càng thiếu sót so với thực tế.

Hơn nữa, cần cân nhắc việc sử dụng khái niệm “các phần tử quá khích” trong dự thảo do đây là một khái niệm mang tính cảm tính và khó xác định. Hơn nữa, đình công là quyền của NLĐ và khi NLĐ thực thi quyền đình công của mình thì căn cứ vào tiêu chí nào để xếp những NLĐ này vào “các phần tử quá khích”?

Theo dự thảo, việc đóng cửa doanh nghiệp phải do NSDLĐ quyết định. Tuy nhiên, đối với công ty cổ phần, dự thảo buộc việc đóng cửa doanh nghiệp phải do tập thể hội đồng quản trị công ty quyết định bằng bỏ phiếu kín với trên 50% thành viên tán thành (điều 240 dự thảo).

Chúng tôi cho rằng việc ra quyết định bế xưởng là vấn đề nội bộ của doanh nghiệp, căn cứ theo pháp luật và điều lệ của doanh nghiệp đó, vì thế, thiết nghĩ luật lao động không nên có quy định riêng về thẩm quyền quyết định bế xưởng đối với công ty cổ phần. Giải pháp có thể là doanh nghiệp – với tư cách NSDLĐ – thông qua người đại diện theo pháp luật của mình ban hành quyết định bế xưởng là đủ về mặt pháp lý.

Ngoài ra, cũng cần cân nhắc thời hạn thông báo việc bế xưởng của NSDLĐ. Theo điều 240 của dự thảo quyết định bế xưởng được thông báo cho tập thể lao động, cơ quan quản lý nhà nước về lao động và liên đoàn lao động cấp tỉnh biết ít nhất ba ngày làm việc trước khi thực hiện.

Chúng tôi đồng ý rằng bế xưởng cần phải thông báo cho các bên có liên quan nhưng nếu buộc phải thông báo trước ít nhất ba ngày thì có thể mục đích của bế xưởng khó thực hiện được. Vì sao vậy? Như đã phân tích ở trên, một trong những mục đích của bế xưởng, theo dự thảo, là bảo vệ tài sản, phòng ngừa hành vi lợi dụng đình công để phá hoại tài sản doanh nghiệp. Việc phá hoại tài sản của doanh nghiệp là hành vi bị luật lao động nghiêm cấm và nếu có thường diễn ra một cách tự phát và không báo trước.

Để bảo vệ tài sản của mình, với ý nghĩa là hành động tự vệ, NSDLĐ phải bế xưởng khi thấy nguy cơ phá hoại hoặc khi hành vi phá hoại đang diễn ra, chứ nếu đợi đến hết ba ngày sau khi gửi thông báo mới được bế xưởng, thì khi đó, việc phá hoại tài sản nếu có đã diễn ra rồi và như thế mục đích tự vệ của bế xưởng không thực hiện được.

Một trong những thiếu sót trong quy định về bế xưởng là dự thảo không xác định cơ quan nào có quyền xác định hành vi bế xưởng trái pháp luật. Nếu không có cơ quan nào có quyền quyết định tính hợp pháp của việc bế xưởng, đâu sẽ là cơ sở để thanh toán trả tiền lương, phụ cấp, và các quyền lợi khác cho NLĐ khi bế xưởng trái pháp luật?

Bế xưởng là vấn đề rất mới trong pháp luật lao động Việt Nam, do đó, cần có những cân nhắc thận trọng trước khi áp dụng trong thực tế. Một khi chấp nhận chọn giải pháp bế xưởng, không chỉ NLĐ mà cả NSDLĐ cũng gánh chịu nhiều thiệt hại. Vì vậy, NSDLĐ sẽ phải cân nhắc rất kỹ khi thực hiện quyền này. Mặc dù thừa nhận là quyền của NSDLĐ (*) nhưng nội dung của dự thảo chưa toát lên được tinh thần này và còn nhiều vấn đề cần xem xét.

__________________________________

(*) Khoản 3, điều 238, quy định người sử dụng lao động có quyền quyết định “Đóng cửa doanh nghiệp trong quá trình người lao động đình công”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới