Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quyền chủ động trong hội nhập

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quyền chủ động trong hội nhập

(TBKTSG) – Sự kiện Vedan chỉ là một trong số nhiều sự kiện gần đây cho thấy chúng ta đã không giành được quyền chủ động về mình trong lĩnh vực tiếp nhận đầu tư nước ngoài – một trong vô số “cuộc chơi” đã được hình thành khi hội nhập.

Để hưởng lợi từ những “cuộc chơi” đó, Việt Nam phải giành được thế chủ động và có quyền lực của mình.

“Cuộc chơi” đầu tư nước ngoài

Nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rõ ràng là để tận dụng những ưu đãi (mà thuế chiếm vai trò quan trọng) lẫn lợi thế tương đối của Việt Nam (nhân công rẻ, nguồn nguyên liệu, tài nguyên, vị trí địa lý). Trong khi đó, Việt Nam mong đợi nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo ra việc làm và chuyển giao công nghệ. Trong hai khía cạnh này, tạo ra việc làm là cần thiết, nhưng chuyển giao công nghệ là quan trọng, quyết định chuyện Việt Nam có thể đi tắt đón đầu, “chuyển từ khách thành chủ” trong công nghệ hay không, hay lại trở thành bãi rác công nghiệp của thế giới.

Chuyện gần đây của Vedan và xa hơn một chút của Sony (đóng cửa nhà máy ở Việt Nam) cho thấy chúng ta đang mất dần quyền lực trong việc tiếp nhận đầu tư nước ngoài. Chúng ta đã từng ảo tưởng rằng, vì thương hiệu của họ, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không gây ô nhiễm, hay họ sẽ tốt bụng chuyển giao hết những gì họ có cho ta. Kết quả của những ảo tưởng này, tất yếu là những sự kiện như Sony hay Vedan.

Chuyện chưa dừng ở đó. Nhìn về những chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, kiểm toán, chúng ta không nên vội mừng khi mà hầu hết các công ty lớn toàn cầu trong các ngành này đều xuất hiện ở Việt Nam và nhiều công ty đã trở thành cổ đông chiến lược của không ít doanh nghiệp trong ngành tài chính. Tuy nhiên điều mà ngành tài chính nhận được là gì? Liệu doanh nghiệp trong nước đã chủ động được về công nghệ hay con người, hay tiếp thu được cốt lõi công nghệ dịch vụ tài chính của nước ngoài?

Một điều dễ thấy là trong ngành dịch vụ mà con người là chủ chốt, dường như Việt Nam làm tốt hơn, học được cách làm của người ta nhanh hơn bởi vì những lĩnh vực này có những quy chuẩn có thể sao chép mà không bị kiện bản quyền. Ngoài ra, những gì thuộc về con người thì có thể học và mang đi. Những cái “mềm” như vậy, tưởng chừng đã học được của người ta nhưng nếu nhìn kỹ lại, qua đợt khó khăn thanh khoản vừa qua của nhiều ngân hàng, ta thấy có một sự khác biệt nhất định.

Các ngân hàng nước ngoài ít gặp khó khăn về thanh khoản hơn so với ngân hàng trong nước vì họ có tiềm lực tài chính mạnh hơn, hay vì họ quản trị tốt hơn (như một số ý kiến cho là như vậy). Nhưng có một sự thật nữa, đó là những khách hàng giao dịch với ngân hàng nước ngoài đều là khách hàng ít rủi ro hơn.

Ngân hàng nước ngoài đã tiến hành sàng lọc khách hàng của mình với những quy trình chặt chẽ, loại bỏ những hoạt động cho vay rủi ro và những khách hàng có nhiều rủi ro. Các khách hàng này lại chạy về ngân hàng trong nước. Ngân hàng trong nước cũng biết cách lọc khách hàng rủi ro vậy, nhưng nếu sàng lọc như ngân hàng nước ngoài thì lấy ai làm khách hàng của mình. Như vậy, trong cuộc chơi của những ngân hàng với nhau, ngân hàng nước ngoài đã chuyển dịch rủi ro của mình cho ngân hàng trong nước, nhận lấy mảng thị trường ít rủi ro hơn, gồm nhiều khách hàng giàu có hơn. Tất cả là vì người dân tin rằng ngân hàng nước ngoài đáng tin cậy hơn, dịch vụ tốt hơn.

Sắp tới đây, trong tiến trình hội nhập, khi các công ty định niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài, liệu công ty chứng khoán và công ty kiểm toán trong nước có thể giành được phần dịch vụ nào đáng kể trong gói dịch vụ bảo lãnh phát hành ra nước ngoài chăng? Câu trả lời nằm ở phía trước, nhưng có thể dự đoán là khó. Vậy ra, ngay cả trong lĩnh vực dễ học hỏi nước ngoài cách làm của họ, thì chúng ta cũng không nắm được quyền chủ động, và thậm chí, đối với lĩnh vực ngân hàng, còn bị người ta nắm lấy những thị phần an toàn hơn (mà có khi lợi nhuận lại nhiều hơn), và chuyển rủi ro cho hệ thống ngân hàng trong nước.

Vấn đề từ con người

Khi một lãnh đạo của tỉnh Đồng Nai cho rằng không thể kiểm soát được Vedan vì họ quá tinh vi, người viết lại liên tưởng đến một bài báo cách đây không lâu cho rằng nhân lực được đào tạo ở Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu để có thể hấp thu tốt lượng đầu tư nước ngoài đổ vào. Hai khía cạnh tưởng không liên quan nhưng hóa ra lại cùng đề cập đến một vấn đề: thiếu nhân lực đủ tầm để hội nhập, cả về lao động và quản lý.

Thiếu nhân lực, đó là vấn đề của đào tạo, tuy nhiên, “thiếu” người giỏi để lãnh đạo, dẫn đến những cái “không ngờ” như trường hợp của Vedan, là do cách dùng người (như chuyện sử dụng nhân lực đi học nước ngoài về mà báo chí từng đề cập).

Đào tạo và dùng người đều còn “lấn cấn” thì khó lòng làm chủ trong “cuộc chơi” quốc tế này. Muốn giành được quyền lực trong các “cuộc chơi” thời hội nhập, xem ra lại phải quay lại yếu tố căn bản: con người, yếu tố chính của kinh tế tri thức. Giải quyết chuyện con người thì những yêu cầu đầu tiên để làm chủ “cuộc chơi” tự nhiên sẽ được giải quyết.

Nhưng, nên nhớ, như nói ở trên, con người không đơn giản chỉ là đào tạo rồi thôi, mà còn là đào tạo sao cho phù hợp và sẽ sử dụng như thế nào, chứ không chỉ là cứ mỗi năm gửi mấy trăm, mấy ngàn người đi học tiến sĩ ở nước ngoài mà không xác định ngành nào sẽ cần bao nhiêu tiến sĩ, rồi về bố trí họ ở đâu, sử dụng ra sao. Riêng chuyện dự báo nhu cầu thì cũng lại liên quan đến con người. Người làm dự báo không đúng thì tất yếu dẫn đến đào tạo không đúng nhu cầu. Hóa ra, vẫn là cái vòng luẩn quẩn của đào tạo và sử dụng con người trong nền kinh tế tri thức sẽ quyết định “quyền lực” của Việt Nam trong các cuộc chơi toàn cầu.

ThS. HỒ QUỐC TUẤN

Nghiên cứu sinh Đại học Manchester, Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới