Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quyền lợi của dân còn xa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quyền lợi của dân còn xa

Lan Nhi

(TBKTSG) – Một trong những nội dung chính sẽ được sửa trong Luật Khoáng sản lần này hướng đến điều chỉnh, siết chặt việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Đây là việc cần làm nhưng với các dự án khai thác có thể gây tác động lớn đến môi trường và đời sống dân cư như khai thác bauxite đang triển khai ở Tây Nguyên thì liệu Luật Khoáng sản có khả năng bao quát không.

Vừa qua, rất nhiều nhân sĩ, trí thức đứng đầu các ngành khoa học, kinh tế và xã hội đã ký đơn kiến nghị gửi Chính phủ đề nghị dừng dự án này vì những nguy cơ thiệt hại môi trường ở những vùng có liên quan đến dự án là rất cao. Kiến nghị đưa ra nhiều thực tế thuyết phục mà không cần viện dẫn đến luật nào, kể cả luật gần nhất với vấn đề này là Luật Khoáng sản đang được trình ra Quốc hội. Bởi nếu có cần viện dẫn luật thì luật cũng không có.

Trong dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi, chỉ có một phần bổ sung quy định về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác (điều 7). Theo đó, nếu tổ chức cá nhân khai thác khoáng sản phải kết hợp việc khai thác với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ và phục hồi môi trường trong quá trình khai thác. Ngoài ra sẽ có quy định về trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất đai. “Nhà nước sẽ điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ nhân dân địa phương nơi có khoáng sản khai thác”. Những nội dung này có thể được áp dụng với các dự án khai khoáng thông thường, dù thực tế từ trước đến nay người dân ở các vùng khai khoáng hầu như không nhận lại gì từ các dự án khai khoáng, bất chấp hậu quả về môi trường và hạ tầng mà họ phải gánh chịu là rất lớn.

Còn ở tầm cỡ lớn như các dự án bauxite của tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), với những nguy cơ về môi trường rất lớn, nếu đem áp vào luật, khó có thể tính hết thiệt hại. Đây là nơi vốn đã bị tàn phá bởi nạn phá rừng, làm thủy điện, nay lại thêm sự xuất hiện của dự án bauxite.

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng dự thảo luật này chưa có quy định chế tài nếu các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quá trình khai thác, gây thiệt hại môi trường, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Nhưng ngay cả vấn đề gần nhất là phân định nguồn thu từ các dự án giữa địa phương và trung ương thì Luật Khoáng sản cũng chưa điều chỉnh được vì quyết định phân chia nguồn thu thuộc về Luật Ngân sách nhà nước. Như vậy, những vấn đề lớn hơn như tính toán thiệt hại, bù đắp môi trường thế nào so với lợi ích thu được, các kịch bản ứng phó với sự cố ra sao sẽ khó lòng được luật hóa dù dưới cách diễn đạt này hay cách khác. Nhưng người dân cần những câu trả lời cụ thể đó hơn bởi nếu sự cố xảy ra thì mọi sự bù đắp bồi hoàn thiệt hại cũng không thể lấy lại những gì đã mất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới