Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quyền lực mềm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quyền lực mềm

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Mới đây, Grey Group, một tập đoàn truyền thông hàng đầu trên thế giới, công bố kết quả nghiên cứu cho thấy người Việt “sính ngoại” (chạy theo thương hiệu hàng ngoại) nhất châu Á (trong số 16 nước tiến hành điều tra).

Nhìn vào bản thân mình và nhìn xung quanh, tôi thấy chuyện này chẳng có gì lạ. Tôi cũng như nhiều người khác đều thích “hàng ngoại”: đọc truyện ngoại, xem phim ngoại, xem truyền hình bóng đá ngoại… hơn “hàng nội”.

Khi đem vấn đề này trao đổi với người thân, bạn bè, một vài học giả thì chẳng thấy ai ngạc nhiên về điều này cả. Vợ tôi nói chỉ thích dùng hàng mỹ phẩm Christian Dior. Cậu con trai út đang học trường phổ thông nói “con và bạn học ở trường chỉ thích ăn gà rán KFC, đọc truyện Harry Potter, xem chương trình High School Musical trên kênh Disney”.

Ông bạn doanh nhân khoe “mình vừa tậu chiếc BMW chính cống nhập từ Ðức, thay cho chiếc cũ lắp ráp trong nước”.

Ông bạn học giả nói, “chuyện này có gì mới đâu, thói sính ngoại của người Việt đã có từ xa xưa, đã thành tập quán ăn sâu bám rễ trong nhận thức của dân ta rồi, nay sống trong “thế giới phẳng”, nước ta đã gia nhập WTO, cái gì hay nhất, tốt nhất của nước ngoài là ta cứ “xài”, cớ gì mà ông phải bận tâm?”.

Ðã đành như thế rồi, nhưng vì sao dân mình lại “sính ngoại” nhất châu Á, sính hơn dân các nước phát triển hơn mình như Nhật Bản, Hàn Quốc đã đành, nhưng còn sính hơn cả dân các nước phát triển ngang hoặc kém mình là vì sao chứ?

Trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, quyền lực được hiểu là khả năng làm thay đổi hành vi của kẻ khác để đạt được cái mình muốn. Người ta có thể dùng phương tiện cổ điển như “cây gậy” (vũ lực) hay “củ cà rốt” (mua chuộc) để đạt được mục đích đó. Đây tạm gọi là “quyền lực cứng”.

Tuy nhiên, còn có một cách khác để đạt mục đích mà gần đây người ta bắt đầu nói nhiều dưới một thuật ngữ mới “quyền lực mềm” (soft power) – khả năng thu hút người khác mong muốn làm cái mà mình muốn. Cách này không dựa vào phương tiện cổ điển “cây gậy” hay “củ cà rốt” mà dựa vào tính hấp dẫn về văn hóa, tư tưởng, lối sống để gây ảnh hưởng và nhất là khả năng thiết lập “luật chơi” để người khác tự nguyện tuân theo.

Trong khi Mỹ gặp không ít thất bại để có được “quyền lực cứng” thể hiện qua các cuộc chiến trước đây, nhất là đang sa lầy trong cuộc chiến Iraq hiện nay, thì có vẻ như họ gặt hái được nhiều kết quả thông qua “quyền lực mềm” từ những biểu tượng như bản Tuyên ngôn độc lập, tượng Nữ thần Tự do, đến các thương hiệu như Levi’s, Coca-Cola, Mc Donald’s, Microsoft, CNN, Hollywood, nhạc hip-hop…

Nhận thấy tầm quan trọng của nó, các nước khác cũng đã và đang ráo riết xây dựng và tăng cường “quyền lực mềm” cho mình. Ở châu Á, ngoài Nhật Bản, người ta đang chú ý đến Trung Quốc và một số nước khác. Có tin Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng các “Viện Khổng Tử” nằm tại các nước để dạy tiếng Hoa và truyền bá văn hóa Trung Quốc, tương tự các hội đồng ngôn ngữ – văn hóa mà Anh và các nước phương Tây khác đã làm. Đại hội thể thao Olympics Bắc Kinh sắp diễn ra rõ ràng là một cơ hội vàng để Trung Quốc tăng cường “quyền lực mềm” của mình. Hàn Quốc rất nổi tiếng với thương hiệu như Samsung, Daewoo và đang cố xây dựng thương hiệu điện ảnh và cả món ăn Kim Chi. Nước Singapore nhỏ bé đã rất thành công với thương hiệu “thành phố tốt nhất trên thế giới để sống và làm việc”.

Nước ta cũng đã có cố gắng bước đầu quảng bá hình ảnh của mình ra thế giới bằng những thương hiệu sản phẩm, sự kiện văn hóa, danh lam thắng cảnh, nhưng rõ ràng “quyền lực mềm” của chúng ta còn rất yếu kém, trong khi đó lại chịu ảnh hưởng “quyền lực mềm” của bên ngoài rất nặng nề như cái danh hiệu “sính ngoại nhất châu Á” đã nói lên.

Tại sao dân ta có truyền thống không chịu khuất phục trước “quyền lực cứng” của ngoại bang, nhưng lại dễ dàng chịu thu phục trước “quyền lực mềm” của bên ngoài? Phải chăng “thói sính ngoại” phản ánh một nhược điểm truyền thống trong tính cách của người Việt?

Thử đi tìm hiểu vấn đề này, tôi bắt gặp một nhận định rất đáng suy nghĩ của nhà văn hóa giáo dục nổi tiếng, Nguyễn Văn Huyên, khi nói về nhược điểm trong tính cách người Việt trong cuốn sách “Văn minh Việt Nam”, xuất bản năm 1944, trong đó có câu “…ở người Việt có sự lười biếng về trí óc, có xu hướng dễ dàng chấp nhận hết thảy và bắt chước hết thảy”.

Nhận định này đã có cách đây hơn 60 năm, từ đó đến nay đất nước và con người Việt Nam đã có biết bao thay đổi theo hướng văn minh tiến bộ hơn. Nhưng để bớt đi tính “sính ngoại” và để tăng cường “quyền lực mềm” của chính mình, thì chúng ta cần thay đổi “lập trình” khắc phục nhược điểm tính cách mà nhà văn hóa Nguyễn Văn Huyên đã chỉ ra.

VŨ TIẾN PHÚC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới