Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quyền người tiêu dùng vẫn bị phớt lờ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quyền người tiêu dùng vẫn bị phớt lờ

Tư Hoàng

Quyền người tiêu dùng vẫn bị phớt lờ
Chất tạo nạc trong thịt lợn vẫn luôn gây ám ảnh cho người tiêu dùng. Ảnh TL.

(TBKTSG Online) – Quyền của người tiêu dùng vẫn bị phớt lờ cho dù hệ thống luật pháp liên quan đã đi vào cuộc sống.

Đây là ý kiến chung của các chuyên gia tại hội thảo “Nhìn lại một năm triển khai Luật Bảo vệ người tiêu dùng” do Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 18-7 tại Hà Nội.

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng than phiền: “Chúng tôi chưa khởi kiện được vụ nào để bảo vệ người tiêu dùng vì không có kinh phí”.

Hơn nữa, theo ông Hùng, chưa có một trường hợp người tiêu dùng nào ở Việt Nam ủy nhiệm cho hội kiện ra toà.

Trong khi đó, hàng loạt các hiện tượng vi phạm quyền của người tiêu dùng vẫn diễn ra hàng ngày, theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.

Ông Lộc nói, một số tổ chức, cá nhân kinh doanh và không kinh doanh có được thông tin của cá nhân (địa chỉ cư trú, địa chỉ cơ quan, địa chỉ email, điện thoại) đã tập hợp bán dữ liệu trên cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh để tiếp thị.

Bên cạnh đó, các hiện tượng như ngộ độc thực phẩm, phân bón giả, các chủ dự án bán nền đất, căn hộ thu gần đủ tiền nhưng giao nhà không đúng tiến độ, hay ban quản lý tòa nhà tùy tiện tăng phí dịch vụ bị người tiêu dùng phản đối, hay nhiều xe chở thịt lợn, gà, thủy sản, trâu bò kém chất lượng, thậm chí thối rữa để làm thức ăn, ruốc bong bị phát hiện gần đây.

Ông nói: “Có vô vàn vụ việc, song, kết quả xử lý các vi phạm trên chưa được quyết liệt và nghiêm minh để răn đe không cho và không thể tái phạm, cũng như người khác không dám vi phạm”.

Trong khi đó, bản thân Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng còn nhiều điểm gây tranh cãi, theo tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, Đại học Luật Hà Nội.

Theo bà Anh, khoản 2, điều 10 của luật quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá dịch vụ bị cấm thực hiện hành vi quấy rối người tiêu dùng bị xử phạt hành chính trong 2 trường hợp là 1) tiếp thị trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên, và 2) có hành vi khác gây cản trở ảnh hưởng đến công việc sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.

Bà Anh đặt câu hỏi: “Quy định này không rõ ràng vì hành vi gây cản trở đến công việc sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng là những hành vi nào? Tiêu chí nào xác định hành vi đó là gây cản trở đến công việc sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng?”.

Bà Anh cho rằng, quy định thiếu chuẩn xác như trên gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm của tổ chức cá nhân kinh doanh.

Theo Bộ Công Thương, năm 2011 có hơn 550 vụ việc khiếu nại đến các Sở Công Thương và tỷ lệ giải quyết thành công là 90,2%; gần 2.000 vụ khiếu nại đến hội bảo vệ người tiêu dùng các địa phương và khoảng 60 vụ khiếu nại đến Cục Quản lý cạnh tranh.

Bộ này nhận xét, số lượng các vụ việc còn rất hạn chế nhưng người tiêu dùng đã bắt đầu ý thức được việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và đặt niềm tin vào các thiết chế bảo vệ người tiêu dùng.

Bộ ghi nhận, đã có 10 trường hợp doanh nghiệp chủ động thu hồi sản phẩm với số lượng khoảng 15.000 sản phẩm do phát hiện có sai sót.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới