Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quyết định bước ra đường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quyết định bước ra đường

Trần Hương Giang

(KTSG) – TPHCM đang bước vào giai đoạn bùng phát nhanh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tình hình lây lan trong cộng đồng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Các biện pháp kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng dường như chưa đạt được hiệu quả.

Điều này đặt ra câu hỏi liệu thành phố có nên mạnh tay giãn cách theo Chỉ thị 16 để đẩy lùi dịch. Vấn đề là một thể chế pháp lý rất khó áp dụng hoàn hảo cho cả cộng đồng với nhiều đối tượng khác nhau.

Quyết định bước ra đường
Kiểm tra thân nhiệt khách vào chợ đầu mối Nông sản Hóc Môn. Ảnh: N.K

TPHCM là thành phố lớn đông dân, có nhiều người nhập cư từ các vùng miền khác nhau và cũng tồn tại đa dạng tầng lớp xã hội từ giới cần lao cho đến thượng lưu.

Vậy đằng sau một quyết định bước ra đường hay tụ tập chỗ đông người để đối diện với rất nhiều rủi ro và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh chắc chắn là có lý do, nguyên nhân khác nhau. Không phải tất cả cư dân thành phố đều có thể cân nhắc một cách duy lý để quyết định ở nhà hay ra đường, các nhà kinh tế và tâm lý học đã chứng minh rằng đa phần con người ta không hành xử duy lý mà lại đưa ra quyết định một cách khá cảm tính. Như vậy, chắc chắn các quyết định bước ra đường hay tụ tập chỗ đông người đều đến từ hai nhóm nguyên nhân này.

Những người duy lý quyết định dựa trên những yếu tố nào?

Đằng sau một quyết định bước ra đường hay tụ tập chỗ đông người để đối diện với rất nhiều rủi ro và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh chắc chắn là có lý do, nguyên nhân khác nhau. Không phải tất cả cư dân thành phố đều có thể cân nhắc một cách duy lý để quyết định ở nhà hay ra đường.

Người duy lý sẽ có khuynh hướng tìm cách định lượng tất cả các yếu tố có tác động đến những cân nhắc để đưa ra quyết định lựa chọn. Việc có nên bước ra đường, đi làm hoặc tụ tập ở chốn đông người sẽ phụ thuộc vào tương quan so sánh giữa mức độ dễ tổn thương kinh tế, cơ hội tìm kiếm lợi ích ở bên ngoài có thể đo lường bằng thu nhập nhận được và xác xuất xảy ra rủi ro lây nhiễm khi bước ra đường.

Những người có mức độ dễ tổn thương kinh tế cao sẽ có khuynh hướng dám chấp nhận rủi ro để bước ra đường tìm kiếm cơ hội mưu sinh. Họ không phải là người không duy lý, nhưng thực chất họ đã có sự cân nhắc, so sánh giữa lợi và hại. Việc ở nhà chắc chắn không giúp họ tìm kiếm thêm thu nhập trong khi khả năng không có tiền để trang trải cuộc sống của họ là rất cao.

Riêng với nhóm người có cơ hội tìm kiếm lợi ích kinh tế cao khi bước ra đường cũng sẽ có khuynh hướng đặt nặng vấn đề lợi ích nhận được hơn rủi ro nhiễm bệnh mà họ sẽ gánh chịu. Nếu một người biết chắc ngày mai khi đi ra đường và đến một nơi đông người sẽ giúp họ kiếm được một món rất hời, trong khi đó nguy cơ nhiễm bệnh là chưa chắc chắn, thì anh ta sẽ có động cơ nhìn vào phần lợi nhuận được đảm bảo đó hơn là rủi ro.

Trong cả hai trường hợp trên, con người đều sẽ có khuynh hướng lựa chọn bước ra đường để đối diện với rủi ro lây nhiễm. Tuy nhiên, không phải tất cả những người duy lý đều có đủ thông tin và đánh giá đúng rủi ro nhiễm bệnh mà họ có thể mắc phải khi đến nơi đông người. Đó là lý do ở rất nhiều quốc gia và địa phương, chính phủ phải sử dụng các công cụ phát tín hiệu đo lường mức độ rủi ro, có thể là một bản đồ mức độ lây nhiễm, một chỉ số cảnh báo rủi ro hoặc sử dụng màu sắc phát tín hiệu nguy hiểm để người dân có thêm thông tin tham khảo.

Thành phố tuy là một địa phương phát triển nhưng tiềm ẩn đặc điểm dễ tổn thương kinh tế rất cao. Hiểu được điều này để thiết kế một gói hỗ trợ từ chính phủ hoặc huy động các doanh nghiệp, khu vực dân sự tham gia nhằm giảm bớt mức độ dễ tổn thương của các đối tượng từ đó kiểm soát được hành động ra đường trong trường hợp khẩn cấp.

Tuy nhiên, mỗi cộng đồng, địa phương hoặc quốc gia cũng đều có mức độ tổn thương kinh tế, cơ hội tìm kiếm lợi ích và nguy cơ rủi ro khác nhau. Bản thân lãnh đạo của mỗi quốc gia khi sử dụng các chính sách kiểm soát và công cụ cảnh báo cũng phải cân nhắc đến các yếu tố này.

Đối với những nước phát triển có mức độ dễ tổn thương kinh tế ít trong khi rủi ro nhiễm bệnh được đánh giá là cao hơn, chính sách điều hành có thể là phong tỏa, buộc người dân phải không được ra đường để chấm dứt chuỗi lây nhiễm.

Trong khi đó, ở những nước nghèo, dễ tổn thương kinh tế, có khi rủi ro dịch bệnh vẫn còn ở mức nghiêm trọng, nhưng họ vẫn phải chấp nhận gỡ bỏ các lệnh hạn chế để người dân được bước ra đường.

Nhìn chung, việc xem xét hành vi, lựa chọn của người dân và quốc gia dưới góc độ duy lý cũng rất phức tạp nhưng đều có cơ sở để tham chiếu và có công cụ để tác động, giúp quá trình quản lý hành vi và kiểm soát dịch bệnh diễn ra đúng chiến lược và mục tiêu đã đề ra.

Những người cảm tính sẽ hành xử như thế nào?

Kinh tế học hành vi ra đời cùng với nhiều dẫn chứng, lập luận cho rằng đa phần con người không đưa ra quyết định và hành xử một cách duy lý và điều này rất có thể là lời giải thích cho những hành vi của loài người trước nguy cơ dịch Covid-19. Thuyết hai hệ thống của Daniel Kahneman trong thập niên 1990 có đề cập đến việc quyết định cảm tính của một người được xử lý từ cả bên trong những thứ sẵn có bao gồm tư duy trực quan, tự động, dựa vào kinh nghiệm, tương đối vô thức và bên ngoài có tính chiêm nghiệm, có kiểm soát, có chủ định và phân tích hơn.

Một trong những tác động phổ biến đến từ bên trong đó là do trực quan sẵn có và tư duy kinh nghiệm. Người ta rất có thể sẽ quyết định thực hiện một hành động dựa trên những kinh nghiệm và cảm giác sẵn có từ trước. Trong trường hợp này, việc mọi người quyết định bước ra đường để đến những nơi chốn quen thuộc như hàng quán, cơ quan, chợ,… gặp gỡ những người bạn, đồng nghiệp đã từng gắn bó trước đó sẽ mặc nhiên được định nghĩa là vô hại và không có rủi ro.

Tư duy kinh nghiệm cũng tác động đến mô hình đánh giá rủi ro của mỗi cá nhân. Trong trường hợp này, con người sẽ có khuynh hướng đưa ra quyết định dựa vào những kỳ vọng cùng với xác suất và tính đáng mong đợi của những kết quả khả dĩ. Hành vi tương ứng cũng sẽ chịu ảnh hưởng bởi cảm giác dự đoán, những cảm xúc đã từng trải qua vào thời điểm ra quyết định. Chẳng hạn việc một hoặc một nhóm người lựa chọn tụ tập trong giai đoạn giãn cách và sau đó không hề có rủi ro nào xảy ra sẽ có tác động mạnh mẽ đến tư duy của chính họ và những người khác, dần dần sẽ trở thành điểm tham chiếu tác động đến quá trình dự đoán kết quả và đưa ra quyết định tiếp tục tụ tập cho những lần tiếp theo.

Đối trọng với tác động từ bên trong là ảnh hưởng từ bên ngoài, trong đó những hình ảnh, biểu tượng nổi bật có tác dụng lôi kéo mọi người ra khỏi cảm giác mặc định. Đây cũng là một trong những cách mà các doanh nghiệp khu vực tư nhân sử dụng để thu hút khách hàng quan tâm đến thương hiệu hoặc sử dụng sản phẩm của họ.

Trong đại dịch Covid-19, rất nhiều chính phủ các quốc gia lựa chọn cách này để nhắc nhở người dân của họ. Một câu biểu ngữ đầy cảm xúc, một hình ảnh truyền cảm hứng, một bài hát, một bộ phim đủ sức lay động cũng có thể thức tỉnh mọi người tỉnh táo suy nghĩ nghiêm túc về tác hại thật sự của các hành vi bước ra đường hay tụ tập đông người.

Tác động bên ngoài còn thường được thực hiện dựa trên khai thác đặc điểm về định kiến nguyên trạng và tính ỳ mà mỗi con người đều có. Trong trường hợp tình huống lây nhiễm trở nên khẩn cấp hơn, chính phủ một số nước đã tận dụng đặc điểm này để xây dựng chính sách.

Chẳng hạn nhà nước có thể yêu cầu người dân phải thực hiện một số thủ tục có tính chất tương đối phức tạp để được bước ra đường như đăng ký mục đích đi ra ngoài, xuất trình giấy tờ hoặc phát phiếu để giới hạn số người được ra ngoài trong một hộ gia đình. Các chính sách này đánh vào tính chây ỳ có sẵn trong mỗi con người, nếu lý do đi ra ngoài là không thật sự quá cần thiết, người ta sẽ có khuynh hướng lựa chọn ở nhà để tránh phải thực hiện thêm những thủ tục.

Nhìn chung, quyết định ra đường, tụ tập đông người nhìn dưới góc độ cảm tính có độ phức tạp cao hơn và khả năng kiểm soát cảm xúc, điều khiển hành vi khó khăn hơn. Tuy nhiên, gần đây rất nhiều chính phủ các quốc gia đã bắt đầu học hỏi khu vực tư nhân để có thể nhìn người dân của mình như các doanh nghiệp quan tâm đến khách hàng của họ. Trong đại dịch Covid-19, khu vực công đã có sự đầu tư trong việc tác động đến các quyết định của người dân từ các công cụ bên ngoài, giúp mọi sự lựa chọn hợp lý và ít cảm tính hơn.

TPHCM cần làm gì lúc này?

TPHCM là trung tâm kinh tế của cả nước với nhiều đặc điểm khác biệt nên để kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh, ngoài những chính sách chung như chỉ thị 15, 16, thành phố rất cần phải có thêm nhiều chính sách, công cụ đặc thù khác nữa. Thành phố có dân số đông, số lượng người nhập cư ồ ạt từ các khu vực, vùng miền trên khắp cả nước, đa dạng về tầng lớp và hình thức cung cấp các dịch vụ tại chỗ rất phát triển. Vì vậy, việc tác động đến quyết định và hành vi của người dân nhìn dưới góc độ duy lý hay cảm tính cũng cần có độ đa dạng và phức tạp hơn.

TPHCM phát triển với rất nhiều việc làm, cơ hội tìm kiếm thu nhập cao, đây cũng là đặc điểm mà để một thành phố năng động bậc nhất cả nước phải giảm tốc độ dịch chuyển và phát triển trong giai đoạn kiểm soát là khó khăn hơn những nơi khác. Điều may mắn khi thành phố cũng là nơi có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin cùng các dịch vụ phát triển nên việc chính quyền thành phố nỗ lực cung cấp thông tin, thiết kế các công cụ phát tín hiệu rủi ro để người dân có thể cân nhắc, đưa ra quyết định và hành vi phù hợp là cần thiết.

Với số lượng lớn dân nhập cư thuộc giới lao động nghèo, làm việc chăm chỉ trong các nhà máy để tìm kiếm thu nhập cho bản thân và gửi về cho gia đình ở các vùng miền khác, thành phố tuy là một địa phương phát triển nhưng tiềm ẩn đặc điểm dễ tổn thương kinh tế rất cao. Hiểu được điều này để thiết kế một gói hỗ trợ từ chính quyền hoặc huy động các doanh nghiệp, khu vực dân sự tham gia nhằm giảm bớt mức độ dễ tổn thương của các đối tượng từ đó kiểm soát được hành động ra đường trong trường hợp khẩn cấp sẽ nâng cao tính nhân văn của các chính sách.

Để có thể thu hút sự chú ý đến mức độ khẩn cấp của mục tiêu khống chế lây nhiễm, các chính sách của thành phố rất cần tính sáng tạo và liên hệ đến những giá trị chung của cộng đồng nhằm thức tỉnh người dân khỏi những suy nghĩ cảm tính, kéo họ ra khỏi các tư duy mặc định từ đó có thể lựa chọn hành vi đúng đắn. Bên cạnh đó, mức độ thách thức cao đang đòi hỏi chính quyền thành phố có đủ tính quyết đoán và tư duy doanh nhân trong công tác điều hành địa phương. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới