Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quyết định nhà nước và trách nhiệm xã hội

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quyết định nhà nước và trách nhiệm xã hội

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Một số quyết định của các cơ quan nhà nước thời gian gần đây đã gây xáo trộn đời sống và sinh hoạt của người dân.

Việc định mức phí quá cao cho xe cộ khi đi qua tuyến đường cao tốc TPHCM – Trung Lương làm con đường này trở nên vắng vẻ. Tổng công ty Cửu Long thuộc Bộ Giao thông Vận tải lại tìm cách “đánh chặn” bằng cách lập kế hoạch mở trạm thu phí trên quốc lộ 1A (tại thành phố Tân An, tỉnh Long An) thu phí cả những xe không đi trên con đường cao tốc nói trên. Nhiều ý kiến cho rằng việc lập trạm như vậy là thu sai, trái với pháp lệnh phí và lệ phí. Ở Hà Nội, vào đầu năm nay, việc đổi giờ làm, giờ học làm rối loạn nhịp sống của người dân trong vòng nửa tháng (sau đó đã điều chỉnh lại), rồi tiếp đến là lệnh cấm hàng trăm điểm giữ xe khi chưa có điểm giữ xe thay thế…

Nhìn lại quá khứ chúng ta thấy có không ít chính sách, dự án sai lầm, thất bại như “phong trào” xây dựng nhà máy xi măng lò đứng, làm đê bao ngăn mặn, “bùng phát” việc mở ngân hàng, đổi sổ hồng sổ đỏ… Phải nói có nhiều quyết định duy ý chí, không dựa trên sự khảo sát, điều tra khoa học, lại áp dụng vội vã làm thiệt hại về kinh tế và đời sống người dân, ngay cả những người thực thi công vụ cũng lúng túng khi triển khai.

Thường những quyết định như vậy buộc phải ngưng lại hoặc để… quên lãng theo thời gian, không được đánh giá, rút kinh nghiệm nghiêm túc và thông tin đến người dân. Chính điều này làm cho lòng tin của người dân đối với cơ quan công quyền bị giảm sút.

Ở đây không thể không đặt vấn đề trách nhiệm của người ra quyết định. Việc người dân không thể thi hành quyết định do không có điều kiện đảm bảo thì lỗi trước hết thuộc người ra quyết định. Ở các nước phát triển, các quan chức, kể cả nguyên thủ quốc gia, khi ban hành một chủ trương, chính sách, một kế hoạch gây thiệt hại kinh tế, xã hội thì phải chịu trách nhiệm, thậm chí còn bị trừng phạt bằng cách chức. Ở nước ta, những người đưa ra quyết định thường giữ một vị trí nhất định trong cơ quan nhà nước và họ thay mặt cơ quan công quyền ra quyết định nên không có ai bị truy cứu trách nhiệm. Ngay khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, các bộ trưởng chỉ giải trình để trả lời các đại biểu và chưa có ai bị truy cứu trách nhiệm đến nỗi phải bãi nhiệm.

Thực ra đòi hỏi những người đứng đầu cơ quan nhà nước ra những quyết định hoàn toàn đúng là điều không thể có nhất là trong những tình huống phức tạp hoặc đứng trước những vấn đề quá mới. Nhưng để hạn chế những sai lầm, để quyết định được hiện thực hóa thì phải cân nhắc kỹ lưỡng, phải điều tra, khảo sát trước khi ra quyết định. Trong xã hội học có phương pháp thực nghiệm xã hội, qua đó người ta thử nghiệm ở một mẫu, ở một địa bàn có quy mô nhỏ nhưng có tính cách đại diện nhằm kiểm định trước khi áp dụng đại trà. Nếu áp dụng phương pháp này trong việc đổi giờ làm, giờ học ở Hà Nội thì chắc chắn không xảy ra tình trạng rối loạn sinh hoạt người dân.

Khách quan mà nói trên nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội, có những quyết sách mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, chỉ thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, không phù hợp với thực tế và quyền lợi người dân. Những thiệt hại mà nền kinh tế và người dân gánh chịu do những quyết định sai không có địa chỉ trách nhiệm. Phải chăng cần có những biện pháp chế tài với cá nhân ra quyết định gây thiệt hại về kinh tế – xã hội để nâng cao trách nhiệm xã hội của người ra quyết định và xác lập được hiệu quả của công vụ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới