Ra mắt bộ sách chuyên khảo về các tỉnh Nam kỳ
Bảo Uyên
![]() |
Dịch giả Nguyễn Nghị tại buổi ra mắt bộ sách Địa lý học: Tự nhiên, Kinh tế và Lịch sử Nam kỳ – Ảnh: B.U |
(TBKTSG Online) – Bộ sách chuyên khảo về các tỉnh Nam kỳ do hai dịch giả Nguyễn Nghị và Nguyễn Thanh Long dịch từ nguyên bản tiếng Pháp vừa được nhà xuất bản Trẻ xuất bản.
Các tỉnh Nam kỳ bao gồm Gia Định, Sa Đéc, Bến Tre, Vĩnh Long, Long Xuyên và Châu Đốc. Đây là lần đầu tiên bản dịch tiếng Việt của công trình nghiên cứu này được xuất bản đầy đủ.
Tên gọi đầy đủ của bộ sách là Địa lý học: Tự nhiên, Kinh tế và Lịch sử Nam kỳ do Hội nghiên cứu Đông Dương (Société des Études Indochinoises) chủ trương và thực hiện vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Mỗi tập của bộ sách là một chuyên khảo về một tỉnh, được thực hiện theo một đề cương chi tiết chung gồm bốn chương.
Trong đó, chương Địa lý học tự nhiên gồm tên hạt, vị trí địa lý, hình thể tự nhiên, tính chất đất đai, địa hình, địa chất, khí hậu, nhiệt độ, gió, mưa, thắng cảnh, hang, động, suối.
Chương Địa lý học kinh tế đề cấp đến phân chia nông nghiệp, khai thác, việc cải tạo, khẩn hoang, các loại canh tác, hệ thực vật, vật nuôi, giống loài, các loại công nghiệp, tình hình thương mại tổng quát của từng vùng.
Chương Địa lý học lịch sử và chính trị viết về lịch sử địa phương, các đền đài, di tích khảo cổ học.
Cuối cùng là chương Thống kê và hành chánh có nội dung về công chức, dân số Pháp và bản xứ, phong tục, truyền thống, ngôn ngữ, phương ngữ, kỹ nghệ gia và người trồng tỉa, tổ chức học đường, tăng viện, các họ đạo.
Theo NXB Trẻ, trong đợt phát hành này, bản dịch được giữ đúng gần sát với bản tiếng Pháp. Vì vậy, mặc dù có nhiều ngôn ngữ trong sách thuộc về quan điểm của người Pháp, nhưng người dịch và NXB vẫn giữ nguyên như một cách tôn trọng dữ liệu cũ và các nhà nghiên cứu, để người đọc sau này có thể tiếp cận gần sát nhất với nguyên bản tài liệu gốc. Thời gian tới, đơn vị này sẽ lần lượt giới thiệu đến độc giả bản dịch về các tỉnh còn lại, trong đó có đảo Phú Quốc và thành phố Vũng Tàu.
Có mặt tại buổi ra mắt sách được tổ chức vào sáng nay, ngày 22-3, dịch giả Nguyễn Thịnh cho biết, bộ sách được hoàn thành với sự giúp đỡ của Viện Viễn Đông Bác Cổ (TPHCM). Các tập chuyên khảo tuy độ dài ngắn khác nhau nhưng nội dung được triển khai một cách thống nhất, chi tiết nhưng không rườm rà, dài dòng. Những người thực hiện công trình ở Hội nghiên cứu Đông Dương đã liệt kê từng giống cây trồng, vật nuôi, khí hậu, tập quán canh tác, hiện trạng kinh tế… của từng hạt, từng dân tộc sinh sống ở đó, góp phần cho thấy rõ nét hiện trạng của các địa phương thời bấy giờ.
“Bộ sách như một bức ảnh chụp lại Nam kỳ vào đầu thế kỷ XX. Tư liệu mà các tác giả dày công thực hiện khảo sát, nghiên cứu vẫn còn nguyên giá trị. Từ những số liệu và nội dung trong sách, người đọc, đặc biệt là các nhà nghiên cứu thời nay có thể liên hệ đối chiếu, so sánh các địa phương này ở thời điểm hiện tại và quá khứ”, ông Thịnh nói.