Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Ra riêng” buộc phải năng động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Ra riêng” buộc phải năng động

Ông Đỗ Ngọc Bình.

(TBVTSG) – Việc tách bưu chính và viễn thông thành hai tổng công ty riêng, về “lý thuyết” là tốt cho hoạt động kinh doanh của cả hai. Song, để đạt được mục tiêu có lãi, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) sẽ phải “bơi” khá mệt và cũng còn lâu mới đạt được mục tiêu ấy.

TBVTSG đã phỏng vấn ông Đỗ Ngọc Bình, Tổng giám đốc VNPost, xung quanh kế hoạch hoạt động của tổng công ty này.

– TBVTSG: Theo ông, đâu là nguyên nhân của sự thua lỗ của mảng bưu chính thuộc Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT)? Vì sao phải tách bưu chính ra khỏi viễn thông?

Ông Đỗ Ngọc Bình: VNPT là đơn vị được Nhà nước giao đảm trách  kinh doanh bưu chính công ích, vận chuyển thư và bưu chính. Tuy nhiên, giá cước bưu chính hiện nay (do Nhà nước quy định) ở mức dưới giá thành, là nguyên nhân chính dẫn đến sự thua lỗ của ngành bưu chính trong thời gian qua. Bên cạnh đó, do được mảng viễn thông bù lỗ, nên mảng bưu chính hoạt động còn chưa năng động, kém hiệu quả và còn nhiều bất cập.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Nhà nước buộc phải tách bưu chính ra khỏi viễn thông. Ngành bưu chính phải nhanh chóng khắc phục những điều bất cập, phải nỗ lực, năng động để cải tổ hoạt động để tiến tới cân bằng thu chi.

Ngoài ra, việc tách bưu chính ra khỏi viễn thông cũng là xu hướng chung của các nước trên thế giới.

– Phải bù lỗ rất nhiều, sao VNPost không đệ trình phương án tăng giá cước bưu chính, thưa ông?

– Chúng tôi đã chuẩn bị phương án điều chỉnh giá cước từ năm 2007. Song lúc đó lại đúng vào thời điểm VNPT chuẩn bị chia tách bưu chính và viễn thông.

Sau khi chia tách xong vào tháng Giêng năm nay, VNPost định trình phương án tăng giá cước thì nền kinh tế đất nước lại phải đối mặt với sự tăng giá của rất nhiều mặt hàng (gạo, xăng dầu, vàng…) nên Chính phủ chỉ đạo hạn chế tăng giá ở những lĩnh vực, mặt hàng kinh doanh thiết yếu.

Bưu chính cũng là một trong những lĩnh vực kinh doanh thiết yếu, vì vậy, phương án tăng giá cước đã được “xếp” lại. Và trong tình hình này chưa biết bao giờ mới có thể triển khai.

– Theo đánh giá của ông, VNPost liệu có thể “đứng vững” khi không còn được Nhà nước bù lỗ?

Tin bài liên quan:

– Cạnh tranh trong điều kiện mới

– Bưu chính cần sự hỗ trợ từ chính sách

– Hiện còn quá sớm để trả lời câu hỏi này vì VNPost chỉ mới hoạt động độc lập được hơn sáu tháng. Thời gian vừa qua, chúng tôi mới tập trung vào việc củng cố và duy trì hoạt động của bộ máy sau khi chia tách. Bên cạnh đó là tổ chức lại bộ máy bưu điện của 64 tỉnh thành. Nhanh nhất là một năm sau mới có thể nói được về “tương lai” của VNPost. Nhà nước sẽ chỉ bù lỗ cho bưu chính trong năm năm sau khi chia tách.

Tôi nghĩ khoảng thời gian đặt ra như thế là hợp lý và có thể thực hiện được. Kể cả khi không còn được bù lỗ, tôi tin rằng Nhà nước sẽ vẫn tạo điều kiện cho VNPost kinh doanh các ngành nghề khác trên cơ sở sử dụng mạng, hạ tầng của hệ thống bưu chính công để giảm lỗ do kinh doanh bưu chính công ích.

– Kế hoạch hoạt động của VNPost trong thời gian tới có thay đổi gì so với trước không, thưa ông?

– Hiện VNPost có 30.000 nhân viên trên toàn quốc, 8.000 đại lý và hơn 10.000 người lao động thuê khoán để phát thư tại các xã. VNPost đang kinh doanh nhiều mảng dịch vụ khác nhau. Mảng thứ nhất là dịch vụ bưu chính-chuyển phát (thư chuyển nhanh, thư thường, bưu phẩm, bưu kiện), trong đó có dịch vụ bưu chính công ích.

Mảng thứ hai là phân phối bán lẻ, cung cấp các dịch vụ tài chính trên mạng lưới các bưu cục của VNPost (dịch vụ chuyển tiền, tiết kiệm bưu điện, thu và chi hộ cho ngân hàng…). Đây là mảng quan trọng và sẽ được VNPost đẩy mạnh trong thời gian tới. Theo kinh nghiệm của các nước đang phát triển, mảng này và dịch vụ thư thương mại, chuyển phát hàng hóa sẽ là hướng kinh doanh chính, giúp cân bằng tài chính cho doanh nghiệp bưu chính có làm dịch vụ bưu chính công ích.

Mảng thứ ba và cũng là mảng mà VNPost sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới là làm đại lý viễn thông (phát triển khách thuê bao, hòa mạng, thu cước viễn thông, bán thẻ…) cho các mạng viễn thông thuộc VNPT (MobiFone, VinaPhone). Đây sẽ là mảng kinh doanh giúp cho VNPost cân bằng tài chính trong những năm đầu sau chia tách.

Mạng lưới các bưu cục rộng khắp cả nước, tới mọi địa bàn dân cư là một trong những lợi thế cạnh tranh của VNPost. Vì thế, trong thời gian tới VNPost sẽ khai thác mạnh lợi thế này bằng cách tích hợp nhiều dịch vụ mới, các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng lưới đó. VNPost sẽ tận dụng tối đa hạ tầng để khai thác kinh doanh, bởi càng tích hợp được nhiều dịch vụ sẽ càng giảm chi phí.

Bên cạnh đó, VNPost cũng sẽ tổ chức lại kênh bán hàng. Sẽ có đội ngũ chuyên khai thác và chăm sóc khách hàng… Nói chung, VNPost sẽ có nhiều việc phải làm trong thời gian tới. Cụ thể là thay đổi mô hình kinh doanh. Trước đây, mảng dịch vụ chuyển phát có nhiều bộ phận, công đoạn khác nhau, giờ đã được quy về thành một công ty. Và xu hướng là sẽ có một đầu mối lo cho từng mảng dịch vụ

– Thái độ của nhân viên tại các bưu cục là một trong những điều làm khách hàng “xa lánh” dịch vụ của VNPost. Có cách nào để khắc phục điều này không, thưa ông ?

– Thực tế đó tồn tại do lâu nay bưu chính được coi là mảng dịch vụ công ích, phục vụ là chính chứ không phải vì mục tiêu kinh doanh. Các nhân viên bưu cục phải làm nhiều việc nên quá tải, dẫn đến việc có thái độ phục vụ chưa được tốt. Trong thời gian tới VNPost sẽ tin học hóa, tự động hóa một số quy trình, công đoạn để giảm việc của các giao dịch viên, để họ có thể giao dịch tốt hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ thường xuyên kiểm tra thái độ của nhân viên thông qua bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng phục vụ…

– Hiện đã có quỹ viễn thông công ích. Vì sao VNPost không đề xuất thành lập quỹ bưu chính công ích, thưa ông ?

– Trên thực tế, trên thế giới không có nước nào có được quỹ bưu chính công ích. Trong 200 thành viên của Liên minh Bưu chính thế giới cũng không có nước nào có quỹ này. Ở các nước phát triển, việc xây dựng quỹ này đã khó thì ở những nước đang phát triển như Việt Nam lại càng khó hơn. Hoạt động kinh doanh bưu chính và viễn thông cũng có đặc thù của từng lĩnh vực. Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính có lợi nhuận không nhiều như viễn thông, nên sẽ không hợp lý nếu yêu cầu các doanh nghiệp này trích 3-5 % lợi nhuận để đóng góp vào quỹ…

VÂN OANH thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới