Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Rào cản dịch bệnh Covid-19 và rủi ro xuất khẩu qua Ấn Độ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Rào cản dịch bệnh Covid-19 và rủi ro xuất khẩu qua Ấn Độ

L. Nhi

(KTSG Online) – Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Ấn Độ đã khiến hàng hóa xuất khẩu của nhiều nước, trong đó có Việt Nam sang thị trường tỉ dân gặp rất nhiều khó khăn, từ ngân hàng đến cảng biển.

Rào cản dịch bệnh Covid-19 và rủi ro xuất khẩu qua Ấn Độ
Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại New Delhi, Ấn Độ trong thời gian phong tỏa phòng dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN

Tình hình dịch Covid-19 tại Ấn Độ vẫn đang diễn biến phức tạp, với số ca nhiễm mới và số ca tử vong trong ngày liên tục tăng cao. Việc nhiều bang và vùng lãnh thổ liên bang ở Ấn Độ phải tiến hành các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội gây ảnh hưởng đến hoạt động thông quan hàng hóa tại các cảng biển và hoạt động của các ngân hàng, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Ấn Độ.

Theo thông tin của Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, công suất hoạt động tại các cảng lớn như Mundra, Nhava Seva, Chennai, Kolkata đã giảm xuống một nửa do thiếu nhân công. Tình trạng này khiến cho các hãng tàu không muốn chở hàng đi Ấn Độ với lo ngại không có hàng quay đầu hoặc phải lưu container tại cảng, phát sinh thêm phí lưu kho, lưu bãi.

Nhiều ngân hàng chỉ làm việc từ 2 – 3 ngày trong tuần với 30 – 50% nhân viên. Thời gian làm việc giới hạn từ 11 giờ đến 14 giờ. Những ngân hàng có nhân viên bị nhiễm Covid-19 bị buộc phải đóng cửa từ 1 – 2 tuần. Do đó, việc thực hiện các giao dịch trực tiếp tại ngân hàng hay dịch vụ ngân hàng trực tuyến rất hạn chế.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp trước khi ký hợp đồng cần tìm hiểu kỹ chính sách mà địa phương áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh; lựa chọn giao dịch với các doanh nghiệp lớn, uy tín. Trong đàm phán, ký kết hợp đồng phải lường trước những khó khăn có thể xảy ra trong bối cảnh dịch đang ảnh hưởng mạnh đến hoạt động thông quan và hoạt động ngân hàng tại Ấn Độ.

Doanh nghiệp phải thỏa thuận chặt chẽ các điều khoản về giao hàng, thanh toán, giải quyết tranh chấp khi phát sinh, các trường hợp bất khả kháng và nên mua bảo hiểm cho tất cả các lô hàng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, cần thường xuyên liên lạc với khách hàng để cập nhật về các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của chính quyền sở tại, kiểm tra tình trạng giao nhận hàng hóa, tiến trình thông quan hàng hóa tại cảng và hoạt động của các ngân hàng.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, thương mại song phương Việt Nam – Ấn Độ tăng trưởng tốt trong hai tháng đầu năm 2021, đạt gần 2 tỉ đô la Mỹ, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,09 tỉ đô la (tăng 17%) và nhập khẩu đạt 905 triệu đô (tăng 26%) so với cùng kỳ năm 2020.

Một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là chất dẻo nguyên liệu tăng 151%, sắt thép các loại và hàng thủ công mỹ nghệ – mây tre, cói thảm cùng tăng 110%, hóa chất tăng 107%. Nếu tiếp tục giữ được đà tăng trưởng như hiện tại, thương mại song phương giữa hai nước sẽ đạt 12 tỉ đô la trong năm nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới