Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Rất nhiều người muốn xếp hàng!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Rất nhiều người muốn xếp hàng!

Thư Hoài

Ảnh: Reuters.

(TBKTSG) – Trong đổ nát hoang tàn và nỗi đau mất mát, nỗi sợ hãi trước những dư chấn, rò rỉ phóng xạ đang đe dọa chung quanh, người dân Nhật vẫn bình tĩnh, kiên nhẫn xếp hàng: xếp hàng chờ mua vé tàu điện, xếp hàng chờ gọi điện thoại công cộng, xếp hàng chờ mua vật dụng trong siêu thị, xếp hàng chờ nhận thực phẩm cứu trợ (ảnh)…

Dù đã biết đến tính kỷ luật và sự kiềm chế của người Nhật, cả thế giới vẫn ngạc nhiên khâm phục. Có thể nói, chỉ qua mỗi một việc xếp hàng ngay ngắn, trật tự trong những ngày đen tối này, người Nhật đã cho thế giới thấy rõ bản lĩnh cùng trình độ văn hóa rất cao của dân tộc họ và vì sao nước Nhật lại vượt lên trên những thử thách nghiệt ngã trong lịch sử để sớm trở thành một cường quốc.

Một cách tự nhiên “trông người lại ngẫm đến ta”, nhiều người tỏ ra ngao ngán khi nói đến ý thức về việc xếp hàng ở xứ ta. Chưa nói đến tình huống thảm họa, chỉ kể đến những sinh hoạt bình thường như mua vé xe tàu, mua vé xem đá bóng, xem ca nhạc, mua hàng khuyến mãi, nộp đơn cho con vào học… ở nhiều nơi công cộng vẫn thường xuyên diễn ra cảnh tượng chen lấn, xô đẩy, giành giật, thậm chí giẫm đạp lên nhau, dẫn đến hỗn loạn, ẩu đả. “Văn hóa xếp hàng” khi ấy trở nên lạ lẫm; thay vào đó là sự thể hiện thô bạo nếp nghĩ “mạnh được, yếu thua”. Do đâu? Câu trả lời thường được đưa ra là do ý thức kém, do chưa tạo được “nếp sống văn minh đô thị”… Nghe có lý nhưng còn có những cái “lý” khác ít được phân tích kỹ càng.

Có một điều chắc chắn là không phải ai cũng muốn chen lấn, giẫm đạp lên nhau thay vì xếp hàng. Dù thế nào chăng nữa, số người tử tế, muốn cư xử một cách có văn hóa vẫn là đại đa số trong xã hội so với những kẻ xấu, vô văn hóa. Không thế thì xã hội sẽ hỗn loạn mất. Điều quan trọng trước nhất là niềm tin: tin vào việc bảo đảm trật tự cho người chịu xếp hàng. Hành vi xếp hàng sẽ chẳng thể thành một nếp sống nếu tệ nạn chen ngang, phá rối cứ diễn ra và người ta không tin rằng trật tự được bảo vệ. Sẽ có ý kiến cho rằng, chính người trong hàng sẽ phải tự bảo vệ, ngăn cản kẻ chen ngang, phá rối. Điều đó đúng phần nào về lý thuyết, nhưng thực tế, người dân bình thường không dễ đối phó với những kẻ cố tình làm sai, làm bậy; họ cần sự hỗ trợ kịp thời của lực lượng bảo vệ trật tự, của cảnh sát.

Mặt khác, văn hóa xếp hàng còn xây dựng trên niềm tin vào sự trung thực và phân phối công bằng của người (hay đơn vị) cung ứng. Giả sử có một trận bóng hay và khán giả được thông báo rằng ban tổ chức trận đấu sẽ bán ra 30.000 vé ở nhiều quầy vé (và dứt khoát không có nạn tuồn vé bán chợ đen) thì hẳn đông đảo người xem sẽ chịu khó xếp hàng chờ đến lượt.

Nguy cơ phá hỏng “văn hóa xếp hàng” cũng dễ xảy ra khi thiếu thông tin trung thực, minh bạch từ người hay đơn vị cung ứng. Giả sử, một hành khách cần mua vé tàu Tết nhưng anh ta không được thông báo trung thực và rõ ràng rằng sáng nay nhà ga sẽ bán ra bao nhiêu vé, mỗi người được mua mấy vé, kế hoạch bán vé những buổi tiếp theo… hẳn anh ta sẽ cảm thấy mù mờ, bất an và tâm trạng đó chính là mảnh đất tốt có thể phát sinh tệ nạn chen lấn, giẫm đạp hoặc chạy vạy mua vé chợ đen. Xếp hàng hay không xếp hàng – trong trách nhiệm quản lý xã hội, không phải chỉ là sự kêu gọi, hô hào chung chung, đánh đồng “cá mè một lứa” mà trước nhất và căn bản nhất là hãy nghĩ đến những người rất muốn cư xử ngay ngắn, có văn hóa và tìm cách làm cho họ tin tưởng và yên tâm xếp hàng. Bởi sự thực trong xã hội chúng ta có rất, rất nhiều người mong muốn như vậy!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới