Thứ Năm, 28/09/2023, 14:20
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Rau củ 5 sao

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Rau củ 5 sao

Uyên Viễn

Ông Nguyễn Bá Hùng, TGĐ Công ty TNHH liên doanh Organik Đà Lạt, hướng dẫn sinh viên tham quan trang trại trồng rau của công ty. Ảnh: Uyên Viễn

(TBKTSG) – Tiên phong trong ngành nông nghiệp Việt Nam về việc trồng rau củ nhà kính chất lượng cao, sau đó nâng chất lượng đạt tiêu chuẩn châu Âu, ông Nguyễn Bá Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH liên doanh Organik Đà Lạt, nhà nghiên cứu về ngành di truyền giống thực vật, đang từng bước tạo cơ hội khởi nghiệp cho các hộ nông dân ở tỉnh Lâm Đồng.

Tìm đất cho rau

Các sinh viên trường Đại học Thủy lợi Hà Nội (cơ sở 2 tại TPHCM) quây quần bên ông Hùng, trong buổi giao lưu diễn vào một buổi chiều cuối tháng 3-2009. Ông Hùng xưng thầy với sinh viên bởi ông là giảng viên thỉnh giảng của nhiều trường đại học ở khu vực phía Nam.

Thầy dẫn trò tham quan trang trại trồng rau củ Organik đạt tiêu chuẩn châu Âu (EUREP GAP) (*) nằm lọt thỏm trong một thung lũng được bao bọc bởi khu rừng thông, thuộc thôn Đa Thọ, xã Xuân Thọ, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 16 ki lô mét.

Trang trại có diện tích 4 héc ta, được mua lại của những nông dân trồng trà trước kia. Năm 2006, khi bắt đầu bỏ ra 6 tỉ đồng đầu tư cho dự án trên vùng đất khô cằn này, ông Hùng cảm thấy rất tự tin với điều mình đang thực hiện dù điều đó hoàn toàn mới mẻ đối với ngành nông nghiệp Việt Nam và giới nông dân ở Đà Lạt.

Thật ra ông Hùng không phải là “tay mơ” trong ngành nông nghiệp ở xứ sở cao nguyên này để mạo hiểm với dự án rau sạch sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ. Tốt nghiệp kỹ sư sinh học (Đại học Đà Lạt) năm 1982, với đề tài “Hạt giống bắp cải số 5”, ông đã được Bộ Đại học – Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề khen thưởng và cấp bằng sáng tạo. Sau đó ông trở thành tổ trưởng tổ sản xuất của Xí nghiệp trại giống rau Đà Lạt. Cũng nhờ sử dụng “Hạt giống bắp cải số 5”, kể từ đó ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng không phải nhập giống từ Nhật Bản.

Định hướng của Công ty Organik giai đoạn 2009-2010 là tập trung phát triển chiến lược, công nghệ di truyền, dinh dưỡng và bán buôn. Ngoài tiếng Anh, trong thời gian tới trang web của công ty sẽ được bổ sung thêm phần tiếng Việt và tiếng Nhật.

Từ năm 1989-1995, ông Hùng được cấp học bổng chương trình tiến sĩ ngành di truyền giống thực vật tại Viện Nông nghiệp quốc gia Pháp (INRA). Hành trang về nước của ông lúc đó là bộ sưu tập khoảng 2.000 giống rau củ của Pháp và châu Âu, riêng atisô có đến 37 giống. Sau ba năm làm giám đốc Công ty Dalat Hasfarm, năm 1998 ông Hùng xin nghỉ việc để tập trung cho việc nghiên cứu di truyền giống thực vật.

Từ hàng ngàn mẫu giống, cuối cùng ông chọn ra được trên 150 giống rau củ và hai loại giống atisô thích hợp với điều kiện khí hậu của địa phương. Ông Hùng còn có những đóng góp về công nghệ sản xuất giống hiện đại trên vỉ xốp, công nghệ trồng rau chất lượng cao trong nhà kính được hầu hết nông dân Đà Lạt áp dụng suốt 10 năm nay.

Năm 2004, doanh nghiệp tư nhân Hùng Thiên do ông thành lập ra đời, chuyên sản xuất rau củ an toàn theo tiêu chuẩn Việt Nam. Hùng Thiên đã thuê 7 héc ta đất tại xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt, làm trang trại. Công việc kinh doanh phát triển thuận lợi do Hùng Thiên nắm bắt được nhu cầu rau sạch của thị trường.

Đến năm 2006, ông Hùng mới mua được khu đất như ý muốn ở thôn Đa Thọ để sản xuất rau theo tiêu chuẩn châu Âu. Công việc kinh doanh của ông bắt đầu mở ra từ đây.

Năm 2007, doanh nghiệp Hùng Thiên đổi tên thành Công ty TNHH liên doanh Organik. “Organik tạm hiểu là sản phẩm sử dụng phân hữu cơ, chất vi sinh, không sử dụng thuốc trừ sâu, không sử dụng phân bón hóa học, đảm bảo xanh sạch, an toàn”, ông Hùng giải thích về tên gọi của công ty.

Giải đáp thắc mắc của sinh viên trong buổi tham quan, ông Hùng nói: “Trang trại nằm trong rừng sẽ ngăn ngừa được dịch bệnh trên rau củ, dễ kiểm soát chất lượng sản phẩm từ lúc trồng đến khi thu hoạch, đặc biệt là nguồn nước tưới rau cũng phải cách ly với bên ngoài”. Trước mắt sinh viên là những ngôi nhà trồng rau củ thoáng đãng, được bao bọc kín bằng nhiều lớp lưới nhằm ngăn chặn côn trùng, sâu bọ.

Ông Hùng cho biết trồng rau trên liếp, theo từng tầng sẽ tăng diện tích canh tác lên gấp ba, bốn lần trên cùng một thửa đất, quan trọng hơn là ngăn ngừa được sâu bệnh. Organik trồng xen kẽ các giống cây ăn trái như hồng, bơ hoặc cà phê, hoa đuổi ruồi… để các loại côn trùng ăn thân, lá các loại cây đó mà quên đi rau củ sạch đang trồng. Organik còn trồng chuối gần hồ nước thiên nhiên rộng khoảng 2.000 mét vuông nằm dưới thung lũng, nhằm giữ mạch nước ngầm.

Dừng lại bên hồ nước nhân tạo, nằm trên ngọn đồi, có diện tích 450 mét vuông, độ sâu 6 mét, chứa trên 15.000 mét khối nước dùng để tưới rau bằng trọng lực tự chảy, ông Hùng kể đây là công trình được nghiên cứu suốt hai năm trời. “Nếu sử dụng xi măng, đất đá làm hồ chứa nước tốn khoảng 80 triệu đồng, Organik đã sử dụng tấm bạt ni lông tốn 16 triệu đồng nhưng vẫn giữ được nước. Nước chứa trong hồ được xử lý triệt để rong rêu, không còn vi sinh vật gây bệnh đường ruột, không nhiễm kim loại nặng, không sử dụng hóa chất để xử lý và có khả năng cung ứng nước tưới cho cả trang trại suốt một tuần”, ông nói.

Cùng nông dân khởi nghiệp

Điều kiện để nông dân tham gia trồng rau an toàn

Ông Nguyễn Bá Hùng cho biết các hộ nông dân có nhu cầu tham gia trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP (**) hoặc GlobalGAP sẽ thực hiện các bước sau. Trước tiên các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng hoạt động trong lĩnh vực này sẽ tiến hành khảo sát môi trường, chất lượng đất, nguồn nước… trên diện tích dự kiến sẽ được trồng rau. Tiếp theo là các thủ tục cấp chứng nhận. Chi phí khảo sát, phân tích môi trường và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP khoảng vài triệu đồng, GlobalGAP khoảng 2.500 đô la Mỹ.

Trong quá trình trồng rau an toàn VietGAP hoặc GlobalGAP, nông dân sẽ có nhật ký đồng ruộng ghi chép lại tất cả thông tin canh tác, chăm bón, quản lý trang trại rau mỗi ngày. Trong trường hợp xảy ra sự cố rau thu hoạch không đạt tiêu chuẩn an toàn theo quy định, các cơ quan chức năng sẽ căn cứ theo nhật ký đồng ruộng của các đơn vị trồng rau để xử lý, đồng thời buộc họ chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với người tiêu dùng.

Nguyễn Lê

Đối với người nông dân ở xứ này, nguồn nước tưới rau ngày càng được quan tâm đặc biệt, nhất là vào mùa khô hạn cuối tháng 3. Mặc dù đã thành công với mô hình hồ chứa nước dùng trọng lực tự chảy để tưới rau, tiết kiệm được nhiều chi phí, nhưng hiện tại ông Hùng vẫn tiếp tục nghiên cứu để công trình hoàn thiện hơn trước khi đem ứng dụng rộng rãi cho các hộ nông dân trong tương lai gần.

Sản phẩm của Organik đạt tiêu chuẩn EUREP GAP nên có giá bán khá cao, 27.000-60.000 đồng/ki lô gam tùy loại rau củ, các loại rau mùi giá 100.000 đồng/ki lô gam. Sản phẩm của Organik bao gồm khoảng 150 loại. Hiện nay khách hàng của Organik gồm có các nhà hàng, khách sạn, các khu nghỉ dưỡng 4-5 sao ở các thành phố lớn trên cả nước, người có thu nhập cao. Khách mua từ 3 ki lô gam rau củ trở lên sẽ được công ty giao hàng tận nơi trong khu vực TPHCM và Hà Nội.

Bên cạnh công việc ở công ty, những năm qua ông Hùng còn hướng dẫn cho nhiều hộ nông dân ở các vùng khác trong tỉnh Lâm Đồng như Chi Lăng, Đa Thiện, Định An, Đức Trọng… làm quen với mô hình sản xuất rau sạch.

Tính đến cuối tháng 3-2009, Công ty Organik đang hợp tác với 30 hộ nông dân trong Hợp tác xã An Phú, xã Hiệp Thạnh, thành phố Đà Lạt, canh tác 35 héc ta rau. “Nông dân được công ty đầu tư chi phí ban đầu như nhà lưới, giống cây, hướng dẫn kỹ thuật và đặc biệt lo cả đầu ra cho sản phẩm. Công ty Organik ký hợp đồng bao giá trong một năm đối với các hộ nông dân nên họ rất yên tâm. Thu nhập của người nông dân tham gia trồng rau an toàn tăng 30-40% so với cách trồng rau truyền thống”, ông Hùng nói.

Hiện nay, mỗi tuần Công ty Organik và Hợp tác xã An Phú thu hoạch ba lần, mỗi lần được 2,5 tấn rau củ. 80% sản phẩm của Organik được tiêu thụ trong nước, phần còn lại xuất khẩu sang Nhật, Đức và Đài Loan. “Mức tăng trưởng bình quân của công ty từ 15-20%/năm, nhưng rau sản xuất không đủ cung ứng cho thị trường vì năng lực của Organik có hạn, nhất là nguồn vốn đầu tư”, ông Hùng cho biết.

Tính đến nay, Organik đã đầu tư khoảng 7 tỉ đồng cho hệ thống trang trại. “Chúng tôi sẽ triển khai dịch vụ du lịch sinh thái, thiên về giáo dục bảo vệ môi trường, tuyệt đối không sử dụng hóa chất trong quá trình trồng trọt hoặc chế biến thực phẩm. Trong tương lai, khi du khách đến đây tham quan, họ sẽ được tự tay chế biến pho mát, làm bánh dâu, sữa chua, các loại thực phẩm dinh dưỡng khác để hiểu thêm ý nghĩa của Organik”, ông Hùng chia sẻ dự định của mình.

Theo kế hoạch, trong năm nay công ty sẽ mở hai cửa hàng cung cấp sản phẩm tại TPHCM và Hà Nội. Ngoài ra, công ty còn nhập và phân phối các loại sản phẩm Organik khác như đồ khô, muối, dầu ăn và các loại gia vị. “Nếu khách hàng mua sản phẩm của công ty nhưng lại thiếu các loại gia vị để chế biến thức ăn thì tinh thần Organik chỉ thể hiện được một nửa”, ông Hùng nói.

________________________________________________________ 

(*) EUREP là tổ chức bán lẻ và cung cấp nông phẩm cho thị trường châu Âu. GAP (Good Agriculture Practice) là phương thức sản xuất nông nghiệp tốt.

(**) VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) cho rau, quả tươi an toàn dựa trên cơ sở ASEAN GAP, EUREP GAP/GLOBAL GAP và FRESHCARE, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho rau, quả Việt Nam tham gia thị trường các nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới