Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

RCEP – những điểm nhấn và khác biệt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

RCEP – những điểm nhấn và khác biệt

Phan Minh Ngọc

(TBKTSG) – Ngày 15-11 vừa qua, 15 nước châu Á – Thái Bình Dương đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới (về tổng GDP của các nước thành viên). Đây được coi là một động thái thúc đẩy triển vọng kinh tế của khu vực trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành toàn cầu.

Dù đã ký kết nhưng RCEP vẫn chưa được phê chuẩn ở các nước thành viên. Sự phê chuẩn này được kỳ vọng sẽ hoàn tất trong vòng 12 tháng tới, nhưng chưa có mốc thời gian chắc chắn.

Việc Trung Quốc là thành viên RCEP có nghĩa là Trung Quốc – nước cạnh tranh vị thế siêu cường kinh tế với Mỹ trong khu vực – bây giờ có thêm ảnh hưởng về luật lệ thương mại ở khu vực này. Khi các nước thành viên đang đàm phán về RCEP thì một thỏa thuận thương mại lớn khác, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng đang được đặt trên bàn nghị sự. Trung Quốc không có mặt trong số 12 nước thành viên khi đó.

Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ ra khỏi TPP. Đây được xem là việc đã làm tăng cơ hội thành công cho RCEP. TPP sau đó được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP và bao gồm bảy thành viên hiện tại của RCEP.

Quy mô thị trường của RCEP lớn gần gấp 5 lần của CPTPP, với kim ngạch thương mại và tổng GDP lớn gần gấp đôi, tất cả nhờ một phần đáng kể sự tham gia của Trung Quốc. Dẫu vậy, CPTPP được coi là toàn diện hơn RCEP, vốn không có các quy định về tiêu chuẩn môi trường và nhân quyền, gồm lao động. Ngược lại, RCEP tạo ra một khuôn khổ tự do thương mại được dựa trên và củng cố thêm nữa thông qua các vòng đàm phán thương mại trong tương lai. Các nước khác trên thế giới cũng có thể gia nhập RCEP trong tương lai, mở rộng hơn nữa phạm vi ảnh hưởng kinh tế của các thỏa thuận tự do hóa thương mại và đầu tư của RCEP.

RCEP đã trải qua một quá trình đàm phán dài suốt từ năm 2012, vì các nước  với các nền kinh tế rất đa dạng đã không thể thỏa thuận được với nhau trong một số điều khoản gồm sự dịch chuyển lao động, đối xử về dịch vụ và tiếp cận thị trường. Chưa hết, lẽ ra đàm phán đã kết thúc trong năm 2019 nhưng Ấn Độ vào phút chót đã quyết định rút bởi quan ngại RCEP sẽ làm thương tổn các doanh nghiệp nội địa, nhất là bởi sự tràn ngập hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các nước thành viên đã để ngỏ cửa cho Ấn Độ tham gia lại sau này.

Với một số thành viên như Việt Nam và các nước ASEAN khác, do các nước này đa phần đã có thỏa thuận thương mại song phương/đa phương với các thành viên còn lại (trừ Trung Quốc) nên lợi ích trực tiếp từ RCEP sẽ không phải là quá nhiều. Nếu có thì có lẽ chủ yếu dưới dạng đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng. Ngược lại, điều đáng ngạc nhiên là hầu như không có nước nào quá quan ngại đến sự cạnh tranh, lấn lướt của Trung Quốc như Ấn Độ. Có lẽ một phần là do các nước ASEAN kỳ vọng sự lớn mạnh hơn của khối trong tương lai sẽ (gián tiếp) làm lợi cho toàn khối và từng thành viên thông qua hiệu ứng lan tỏa, làm tăng công ăn việc làm và thu nhập cho người tiêu dùng, bù đắp cho tác động tiêu cực của sự cạnh tranh từ Trung Quốc.

Lợi ích của RCEP có lẽ sẽ rõ ràng hơn sau khi đại dịch Covid-19 được chế ngự. Xu hướng di chuyển chuỗi cung ứng đến các nước khu vực được định hình từ thời điểm nổ ra thương chiến Mỹ – Trung ba năm trước sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn khi RCEP có hiệu lực, bởi các công ty và nhà đầu tư nước ngoài càng có thêm lý do để đầu tư vào không chỉ là Trung Quốc như trước mà còn vào các nước trong khu vực.

Đầu tư nước ngoài được kỳ vọng gia tăng trong khuôn khổ RCEP, đặc biệt với các nền kinh tế đang phát triển của ASEAN như Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, một phần cũng nhờ quy định về xuất xứ. Ngoài những quy định chung thường có ở các hiệp định thương mại tự do khác, RCEP lần đầu tiên đã thống nhất các khái niệm về xác nhận xuất xứ và hạn ngạch giữa các nước thành viên. Nay chỉ cần một giấy xác nhận xuất xứ là đủ để áp dụng cho toàn khối. Vì vậy, RCEP sẽ thúc đẩy dòng đầu tư nước ngoài vào các ngành sản xuất thâm dụng lao động như dệt may, giày dép… ở những nước đang phát triển từ các nước phát triển hơn trong khối. Chi phí sản xuất được cắt giảm trong toàn khối sẽ làm lợi cho người tiêu dùng và các quốc gia thành viên, đồng thời cũng lan tỏa đến các phần còn lại của thế giới, gồm Mỹ và châu Âu thông qua xuất khẩu.

Ngoài tự do hóa dòng chảy đầu tư và thương mại, RCEP cũng đạt được thỏa thuận về công nhận lẫn nhau về bằng cấp, chứng chỉ hành nghề, là một cánh cửa tiềm năng mở ra các cơ hội nghề nghiệp dành cho luật sư, nha sĩ, bác sĩ và các ngành chuyên môn khác. 

Một điểm nhấn khác biệt khác là RCEP, như đã nói, không toàn diện, bao quát bằng CPTPP. Ngoài chuyện bỏ ngỏ lĩnh vực môi trường và nhân quyền, lao động, RCEP còn bỏ qua khu vực nông nghiệp. Tất cả các thành viên RCEP đều muốn bảo vệ thị trường nông nghiệp của mình, và RCEP không đặt ra các tiêu chuẩn chung cho các sản phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, RCEP tại giai đoạn này cũng không đạt được thỏa thuận về quy chế thương mại điện tử, do các nước thành viên bất đồng với bất cứ luật lệ nào về lưu chuyển số liệu xuyên biên giới hay miễn trừ thuế quan cho truyền dẫn số liệu. Lĩnh vực này sẽ là chủ đề chính yếu cho đàm phán trong tương lai. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới