Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Robot không thể thay thế… nhà báo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Robot không thể thay thế… nhà báo

An Yên

(TBKTSG Online) – Hơn 150 sinh viên đến từ các trường Đại học Khoa học – Xã hội và Nhân văn TPHCM, Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM, Đại học Quốc tế Hồng Bàng và Đại học Hoa Sen đã tham gia buổi giao lưu với chủ đề "Robot và tương lai báo chí" do nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 17-10 tại TPHCM, nhằm tìm hiểu thông tin, kinh nghiệm về nghề báo cũng như xu hướng báo chí truyền thông trong thời gian sắp tới.

Robot không thể thay thế... nhà báo
Buổi giao lưu "Robot và tương lai nghề báo" thu hút sự tham gia của hơn 150 sinh viên các trường đại học tại TPHCM. Ảnh Trần Linh

Trong những năm gần đây, nhiều ngành nghề hưởng lợi từ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nhưng cũng có những lĩnh vực gặp nhiều khó khăn. Lĩnh vực báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Công nghệ mới hỗ trợ người làm báo trong quá trình tác nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất của nghề báo do sự phát triển nhanh và mạnh của mạng xã hội. Rất nhiều ấn phẩm báo chí đã phải đóng cửa bởi không đủ nguồn thu, nhiều nhà phải phải chuyển nghề.

Diễn giả Trần Minh Hùng, Tổng Biên tập nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nhận định sự phát triển mạnh mẽ cũng như sự thay đổi nhanh chóng của khoa học-công nghệ đang gây ra những tác động mạnh mẽ đến hoạt động báo chí và truyền thông trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều tờ báo lớn trên thế giới, cụ thể là tại Mỹ, đã phải đóng cửa hoặc chuyển hướng hoạt động. Nguyên nhân đến từ sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI). Một số hãng tin trên thế giới đã bắt đầu ứng dụng công nghệ AI vào việc viết tin bài; nhiều tác vụ trong công tác tổ chức nội dung đã không còn cần đến vai trò của con người mà thay thế hoàn toàn bằng phần mềm tự động hoặc robot. Các nhà báo đang đứng trước mối đe dọa rất lớn về việc bị thay thế bởi những cỗ máy.

Ba diễn giả của buổi giao lưu cũng là các nhà báo, đã chia sẻ một cách thân tình quan điểm về tương lai của nghề báo, từ những hiểu biết, kinh nghiệm cá nhân. Ảnh: Trần Linh

Điểm lại lịch sử báo chí thế giới, nhà báo Minh Hùng nêu ra những đặc điểm, yêu cầu của báo chí và người làm báo, tập trung vào 2 điểm cơ bản: bộ lọc thông tin để chuyển tải những thông tin cần thiết đến công chúng, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội; nền tảng đạo đức nghề nghiệp báo chí. Trong hành trình phát triển của báo chí, vai trò của công nghệ rất quan trọng, cụ thể là công nghệ tự động hóa, công nghệ AI đang hỗ trợ tác nghiệp làm báo ngày một hoàn thiện hơn, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người đọc.

Có thể nói, công nghệ AI đang có tác động ngày càng mạnh mẽ đến đội ngũ những người làm báo lẫn độc giả; điều này có mặt tích cực lẫn mặt hạn chế. Ở khía cạnh tích cực, công nghệ AI đang giúp đỡ các nhà báo trong việc phân tích, bóc tách dữ liệu để công đoạn viết tin bài được rút ngắn và bản tin có dữ liệu đầy đủ, đa dạng. Ở khía cạnh tiêu cực, các cỗ máy viết báo không làm được nhiệm vụ “bộ lọc thông tin” để phục vụ nhu cầu xã hội; và hiện tại, có không ít sự việc, thông tin thời sự được truyền tải trong xã hội bị dẫn dắt bởi những phần mềm tự động cung cấp bởi các nền tảng mạng xã hội.

Từ sự chia sẻ nêu trên cùng những dẫn chứng cụ thể, nhà báo Minh Hùng tin tưởng rằng vai trò của nhà báo vẫn hết sức quan trọng trong xã hội. Bởi, trước hết, nhà báo thực thụ vẫn làm tốt vai trò “bộ lọc thông tin” và sự phán đoán, lựa chọn dữ liệu và thực hiện tác nghiệp của nhà báo dựa trên nhiều nền tảng cơ sở, nhiều yếu tố chứ không chỉ dựa trên chương trình được lập trình sẵn. Bên cạnh đó, trong lịch sử phát triển của báo chí, vẫn luôn cần đến những nhà báo có đạo đức, và điều này thì không cỗ máy nào có thể thay thế được.

Các sinh viên hào hứng đặt câu hỏi với các diễn giả về tác động của khoa học-công nghệ, mạng xã hội cùng xu hướng đọc tin tức đến hoạt động báo chí. Ảnh: Trần Linh

Tiếp theo, nhà báo Hồng Văn, Thư ký tòa soạn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, cung cấp đến các sinh viên về các xu hướng đọc báo mạng trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, trong đó có sự bùng nổ của việc đọc tin bài qua các nền tảng mạng xã hội. Để bắt kịp những xu hướng mới này, nhiều tờ báo đã tích hợp các phần mềm tự động, công nghệ AI vào các công cụ, tính năng của trang báo điện tử của mình nhằm quảng bá nội dung, thu hút thêm độc giả, gia tăng tính tương tác với bạn đọc (ví dụ trang fanpage, chatbot…)

Diễn giả thứ 3 của buổi giao lưu, nhà báo Thanh Thương, Trợ lý Tổng Biên tập kiêm Trưởng ban Đối ngoại, chia sẻ câu chuyện về tầm quan trọng cùng những kỹ năng trong việc xây dựng mạng lưới nguồn tin đối với nhà báo. Những công việc, cách thức, phương pháp của mỗi nhà báo trong quá trình xây dựng nguồn tin đều dựa trên những nền tảng cơ sở, từ mối quan hệ cá nhân, quá trình đúc kết kinh nghiệm hành nghề, kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp… và những điều này thì robot không thể nào làm thay nhà báo được.

Thách thức lớn đối với nhà báo, trong sự bùng nổ thông tin của mạng xã hội, đó là việc không ngừng học hỏi, trao dồi kiến thức và kỹ năng, phục vụ những yêu cầu ngày càng cao hơn từ độc giả. Và những điều này, nhà báo Thanh Thương tin tưởng rằng nhà báo vẫn sẽ có năng lực cạnh tranh mạnh mẽ với máy móc để thích nghi với những xu thế tương lai của báo chí.

Trong phần hỏi-đáp với các sinh viên, các diễn giả đã giải đáp những câu hỏi liên quan đến sự khác biệt giữa nhà báo và người đưa tin trên mạng xã hội; tin tức báo chí chính thống và tin giả; sự nỗ lực của nhà báo trong việc tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng trước sức ép mạnh mẽ của công nghệ và những xu hướng mới về đọc tin tức của độc giả; việc trao dồi và tăng cường cảm xúc trong việc tổ chức nội dung báo chí – điều mà robot không thể làm được; việc tận dụng những tiện ích của công nghệ vào nghiệp vụ làm báo; nhiệm vụ truyền thông và dẫn dắt độc giả trong việc chọn lọc thông tin, xây dựng “bộ lọc thông tin” nơi người đọc…

Buổi giao lưu "Robot và tương lai nghề báo" là một phần của chuỗi hoạt động do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức nhằm cung cấp đến bạn đọc, bao gồm cả thế hệ những nhà báo tương lai có thể hình dung những thay đổi của nghề báo trong thời gian sắp tới, hiểu biết thêm về những yêu cầu, kỹ năng cần có của một nhà báo thời công nghệ, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả trong sức ép cạnh tranh mạnh mẽ của mạng xã hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới