Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Rối như quản lý doanh nghiệp nhà nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Rối như quản lý doanh nghiệp nhà nước

Ngọc Lan

Sản xuất thuốc ở Công ty cổ phần Dược Hậu Giang. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Văn bản số 1626 mới đây của Chính phủ đưa ra hàng loạt nghị định, thông tư áp dụng tạm thời cho doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nhưng đều là các văn bản pháp luật được ban hành đã lâu, lúc còn loại hình doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và Luật DNNN. Hay nói khác đi DNNN vẫn là DNNN, nhưng tên gọi thì mới mà cách thức quản trị vẫn theo lối cũ.

Với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH một thành viên sau ngày 1-7-2010, chuyện lúng túng xung quanh vai trò của chủ sở hữu đang chưa có lối ra, dù đã có Nghị định 25/2010/NĐ-CP để điều chỉnh riêng cho loại hình doanh nghiệp này.

Lãnh đạo một bộ nói với TBKTSG rằng, ở nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước từ trước và sau khi chuyển sang mô hình công ty TNHH một thành viên, vai trò của bộ chủ quản ngành nghề của tập đoàn nhiều khi là con số không ở một số dự án lớn, trừ khi dự án đó xảy ra vấn đề gì.

Với các dự án lớn dùng vốn nhà nước, các tập đoàn báo cáo thẳng lên Chính phủ và bộ chỉ được biết đến sau khi Chính phủ chuyển xuống. “Không phải chúng tôi muốn quay lại thời kỳ vừa quản lý nhà nước vừa quản lý sản xuất kinh doanh như trước nhưng vì Nghị định 25 chỉ quy định chủ sở hữu nhà nước chịu trách nhiệm giám sát (mà cụ thể là Bộ Tài chính giám sát phần vốn nhà nước) nên nhiều yêu cầu phối hợp giám sát sẽ rất khó thực hiện”.

Như trường hợp Bộ Giao thông Vận tải đã từng “bị” đứng ngoài các dự án mua tàu Hoa Sen của tập đoàn Vinashin bằng vốn trái phiếu trước đây. Khi phải cứu Vinashin, thì tất cả các bộ, ngành có liên quan ít nhiều đến nó đều phải tham gia.

“Ở một số tập đoàn đều có những người đại diện phần vốn nhà nước từ các bộ cử tham gia vào hội đồng quản trị nhưng vì chỉ đại diện cho từng bộ, không nắm quyền sở hữu thực tế nên không thể làm hết mình hoặc có vai trò rất mờ nhạt”.

Song cũng khó có thể quy trách nhiệm hay tách bạch công – tội cho những người đại diện này về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bởi vì Nghị định 25 cũng chỉ ghi chung chung nội dung quản lý giám sát công ty TNHH một thành viên là Nhà nước. Điều này dễ được hiểu là mọi quyết định thuộc về tập thể.

“Quy định về tổ chức thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với các công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước phải nhanh chóng được ban hành để tránh tình trạng danh nghĩa là Nhà nước quản lý, giám sát nhưng mỗi dự án chúng tôi phải qua thẩm định hay báo cáo với hàng loạt bộ ngành mới có thể triển khai, làm lỡ cơ hội kinh doanh, trong khi đại diện các bộ do Nhà nước cử xuống đã có sẵn trong hội đồng quản trị của chúng tôi”, lãnh đạo một tập đoàn cũng phản ứng với những sự chồng chéo, thiếu rõ ràng này.

Ông cũng than thở rằng, Văn bản số 1626 mới đây của Chính phủ đưa ra hàng loạt nghị định, thông tư áp dụng tạm thời cho doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nhưng đều là các văn bản pháp luật được ban hành đã lâu, lúc còn loại hình DNNN và Luật DNNN.

Hay nói khác đi, DNNN vẫn là DNNN và cách thức quản trị vẫn theo lối cũ, dù có tên gọi mới. Có khác chăng là cả những công ty nhà nước chưa chuyển đổi cũng áp dụng những quy định như công ty đã chuyển đổi và hai phần quan trọng nhất là việc thực hiện các quyền của chủ sở hữu nhà nước và quy định tiền lương của người lao động tại các DNNN thì còn phải chờ. “Vậy thì vẫn rối thôi”, ông nói.

Không chỉ các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước gặp rối mà các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nhưng Nhà nước giữ cổ phần chi phối, cũng gặp khó khăn về việc thực hiện quyền chủ sở hữu.

Bà Lê Thị Việt Nga, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, nơi bà được cử làm đại diện 51% phần vốn nhà nước, nói tại hội nghị dành riêng cho những người đại diện vốn nhà nước của SCIC (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước) tuần trước: “Tôi yêu cầu SCIC và Bộ Tài chính ghi rõ những quy định gì mà người đại diện phải xin ý kiến lên trên, cái gì không phải xin ý kiến, nếu không thì không biết làm theo cách nào”.

Bà đưa ra ví dụ về chuyện mở chi nhánh, vì mở chi nhánh cỡ vài chục tỉ đồng với việc mở chi nhánh cỡ vài trăm triệu đồng là khác nhau. Không có quy định nào về việc này nhưng nếu không xin ý kiến, trong một đợt kiểm tra nào đó, có thể SCIC xem đây như trách nhiệm mà người đại diện không hoàn thành trong việc xin ý kiến của chủ sở hữu. Mà đợi xin ý kiến, có khi cơ hội đã qua đi.

Là một doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa sáu năm nay và làm ăn có lãi nhưng vì phần vốn nhà nước vẫn chi phối ở Dược Hậu Giang nên trong cách quản trị doanh nghiệp nhiều khi vẫn đi theo (hoặc bị chi phối) bởi cung cách Nhà nước là cơ quan chủ quản.

Đây cũng không phải là chuyện cá biệt tại 540 doanh nghiệp mà SCIC thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, trong khi chưa có một quy định riêng nào cho họ qua hình thức như quy chế người đại diện hay quy chế phối hợp giữa người đại diện với chủ sở hữu vốn nhà nước, áp dụng cho cả các tập đoàn, tổng công ty.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới