Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Rối rắm chế tài dân sự, thương mại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Rối rắm chế tài dân sự, thương mại

Nguyên Tấn

(TBKTSG) – Không phải không có lý khi mới đây Đại học Luật TPHCM tổ chức hẳn một cuộc hội thảo với chuyên đề “Không thực hiện đúng hợp đồng trong pháp luật thực định Việt Nam”. Các chuyên gia cho rằng quy định của pháp luật về các biện pháp chế tài trong cả lĩnh vực dân sự lẫn thương mại vẫn còn nhiều bất cập, gây không ít lúng túng cho việc áp dụng, thực thi.

Những khác biệt khó hiểu

Bà Lê Mai Hương, giảng viên Học viện Tư pháp, kể lại câu chuyện như sau. Cách đây không lâu bà được một nhà thầu nhờ tư vấn để giúp họ giải quyết tranh chấp. Nguyên nhà thầu này đã thực hiện gần xong một công trình, tuy nhiên phía chủ đầu tư lại dây dưa, không chịu thanh toán tiền cho đối tác của mình. Nhà thầu hỏi liệu họ có quyền làm rào chắn ngăn không cho chủ đầu tư tiếp cận công trình được không? Tìm hiểu Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS 2005) và Luật Thương mại 2005 (LTM 2005), bà Hương phát hiện ra một vấn đề lý thú: trong khi điều 416, BLDS 2005 có quy định về chế tài cầm giữ tài sản thì chế tài này lại hoàn toàn vắng bóng trong tất cả bảy biện pháp chế tài được quy định tại điều 292, LTM 2005.

Câu hỏi đặt ra là liệu có thể áp dụng chế tài cầm giữ tài sản đối với mọi hợp đồng thương mại hay không? Ý kiến thứ nhất khẳng định là có thể vì BLDS 2005 sẽ được áp dụng khi các luật chuyên ngành không quy định một vấn đề nào đó. Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng điều 292 LTM 2005 là một quy định khác biệt về chế tài thương mại; do đó nếu điều 292 LTM 2005 không nói về cầm giữ tài sản thì không thể áp dụng chế tài trong thương mại.

Trên đây chỉ là một trong những trường hợp cho thấy sự thiếu đồng bộ, thậm chí đến mức khó hiểu, trong các quy định liên quan đến chế tài giữa BLDS 2005 và LTM 2005 – hai đạo luật trụ cột điều chỉnh các quan hệ dân sự và thương mại của xã hội.

Có thể dẫn ra vô số thí dụ khác. Chẳng hạn, LTM 2005 không coi yếu tố lỗi để quy kết trách nhiệm bồi thường thiệt hại (điều 303) trong khi theo khoản 1, điều 308, BLDS 2005 người không thực hiện nghĩa vụ dân sự chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi.

Khái niệm phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại cũng được quy định khác nhau. Theo bà Hương, LTM 2005 quy định phạt vi phạm không phải là việc ấn định trước khoản tiền bồi thường thiệt hại mà là biện pháp trừng phạt bên vi phạm hợp đồng, độc lập với chế tài bồi thường thiệt hại. Ngược lại, dù cũng xem phạt vi phạm là một chế tài độc lập nhưng BLDS ít nhiều chịu ảnh hưởng của việc coi phạt vi phạm là việc các bên ấn định trước khoản tiền bồi thường thiệt hại.

Vì vậy, BLDS 2005 quy định rằng trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm (khoản 3, điều 422 BLDS). Còn theo LTM 2005, nếu các bên có thỏa thuận phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về bồi thường thì bên bị vi phạm vẫn có quyền áp dụng cả chế tài vi phạm lẫn buộc bồi thường thiệt hại (điều 307).

Hoặc như quy định về mức phạt. BLDS 2005 thì cho phép các bên được tự do thỏa thuận mức phạt (khoản 2, điều 422) trong khi theo LTM 2005 mức phạt lại bị khống chế, không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm (điều 301). “Các nước theo hệ thống luật Anh-Mỹ không hề giới hạn mức phạt hợp đồng. Luật Liên bang Nga cũng bỏ chế định này từ lâu rồi. Nếu vậy thì đây là một loại “đặc sản” – hệ quả của thời bao cấp chỉ có ở Việt Nam mà thôi!” – TS. Dương Anh Sơn, giảng viên Đại học Quốc gia TPHCM, phát biểu.

Gây thêm khó khăn

Các chuyên gia pháp lý cho rằng những bất cập của BLDS 2005 và LTM 2005 không chỉ làm ảnh hưởng đến sự đồng bộ cần thiết trong một chỉnh thể pháp luật thống nhất mà còn tạo nên rủi ro cho các chủ thể tham gia giao dịch.

Bà Hương đưa ra dẫn chứng. Có hai công ty nọ dự định hợp tác với nhau trong lĩnh vực thăm dò dầu khí, khi ký hợp đồng đã đưa ra thỏa thuận rằng nếu một bên vi phạm thì sẽ phải bồi thường hoặc chịu một khoản tiền phạt cho bên kia một triệu đô la Mỹ. Dù là tự nguyện thỏa thuận nhưng thỏa thuận ấy nếu “căn” theo LTM 2005 thì sẽ rất khó được chấp nhận vì khoản tiền phạt có thể vượt mức 8% cho phép, còn muốn bồi thường thì phải chứng minh có thiệt hại thực tế đã xảy ra (theo khoản 2, điều 303, LTM 2005 một trong các căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại là phải có thiệt hại thực tế).

“Do vậy nên dù hợp đồng có thỏa thuận đi chăng nữa mà một bên cố tình vi phạm thì cũng khó đòi được khoản bồi thường thiệt hại. Bên vi phạm sẽ vin vào lý do thỏa thuận trái pháp luật để né trách nhiệm. Với những trường hợp như trên, tôi chỉ còn cách khuyên khách hàng hãy cố gắng chọn đối tác tử tế thôi”, một luật sư chia sẻ.

Một vấn đề bất cập khác là nợ chậm trả. LTM 2005 quy định trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán nếu không có thỏa thuận khác thì phải trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán (điều 306). Trong khi đó, cũng tương tự như vậy nhưng theo BLDS 2005 lãi suất chậm trả ở đây lại tính theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm thanh toán (khoản 2, điều 305).

Cả hai quy định khác nhau nói trên đều gây khó khăn cho người thực thi. Lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường là như thế nào? Là phải lấy số liệu của tất cả các ngân hàng thương mại trên thị trường hoặc chỉ một số ngân hàng trong khu vực nơi tranh chấp hay chỉ cần thị trường liên ngân hàng? Trên thực tế, để xác định con số này khi giải quyết tranh chấp mỗi tòa án đã có những yêu cầu rất khác nhau. Đặc biệt, quy định về lãi suất chậm trả tính theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước, theo luật sư Huỳnh Văn Nông, thực chất là đang khuyến khích cho người trả nợ chậm trễ và làm thiệt hại cho người bị vi phạm. “Lãi suất cơ bản hiện nay là 8% trong khi lãi suất tiền gửi mười mấy phần trăm. Vậy thì dại gì tôi mang tiền đi trả?”.

Luật sư Nông cho rằng quy định trên nên được sửa lại theo hướng tăng lãi suất chậm trả ít nhất là gấp hơn 3 lần so với lãi suất cơ bản thì mới bù đắp được thiệt hại cho người bị vi phạm. Còn theo thẩm phán Nguyễn Văn Cường, Phó viện trưởng Viện Khoa học xét xử TANDTC và bà Nguyễn Thị Thu Hồng, chuyên viên TANDTC, nên lấy lãi suất cho vay tại thời điểm xét xử sơ thẩm để xác định lãi suất chậm trả khi giải quyết tranh chấp sẽ phù hợp hơn.

TS. Đỗ Văn Đại, giảng viên Đại học Luật TPHCM, cho biết thêm một kinh nghiệm ở Pháp là ngoài các biện pháp chế tài luật định tòa án ở đây còn hình thành một loại chế tài bổ sung. Theo đó, tòa án có quyền phạt bên có nghĩa vụ thanh toán phải chịu lãi chậm trả với mức rất cao nếu họ vẫn không thi hành nghĩa vụ thanh toán theo bản án. “Hiện nay, các bản án của chúng ta chỉ giới hạn ở việc tuyên buộc người có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hợp đồng và chưa đi xa hơn như thực tiễn xét xử hay văn bản của Pháp trong việc bổ sung chế tài “phạt”, ông Đại phân tích.

TS. Dương Anh Sơn cho biết trong nhiều hợp đồng bên soạn thảo thường đưa vào những điều khoản hạn chế mức bồi thường thiệt hại bởi với kinh nghiệm của mình họ thấy rằng họ có khả năng vi phạm hợp đồng trong tương lai. Phổ biến nhất là các hợp đồng mua bán căn hộ, nhà đất… Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa có sự điều chỉnh hợp lý những tình huống này. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự Liên bang Nga quy định rằng nếu người vi phạm thu lợi từ việc vi phạm thì người bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường từ khoản lợi đó. Theo ông Sơn, luật dân sự của Việt Nam nên có quy định tương tự.

Về những điểm “đồng sàng dị mộng” giữa hai đạo luật, bà Lê Mai Hương cho rằng có vẻ như BLDS 2005 chịu ảnh hưởng nhiều từ hệ thống Dân luật (Civil law), ngược lại LTM 2005 chịu ảnh hưởng từ hệ thống Thông luật (Common law). “Nếu nhất trí được cách tiếp cận chủ đạo thì chắc chắn sẽ có được tiếng nói chung thống nhất về chế tài áp dụng cho vi phạm hợp đồng và như vậy không nhất thiết phải có hẳn một quy định riêng về chế tài áp dụng cho các hợp đồng thương mại”, bà Hương đề nghị.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới