Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Rớt… như chứng khoán

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Rớt… như chứng khoán

Cước vận chuyển bằng đường biển giảm mạnh đang đẩy các hãng tàu vào tình cảnh khó khăn -Ảnh: LÊ TOÀN

(TBKTSG) – Anh bạn làm trong ngành giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu cho biết chưa bao giờ giá cước vận chuyển hàng hóa rẻ như bây giờ – chỉ một cuộc điện thoại cho hãng tàu là thể nào cũng thương lượng được giá.

Anh kể, vừa điện thoại cho nhân viên kinh doanh hãng tàu họ đã hỏi, “bao nhiêu container, đi ngày nào, đề nghị giá?”, anh trả lời: “Một cái 40 feet, ngày 21-11, hai ngàn mốt” thế là nhận ngay được câu trả lời đồng ý. 

Cước vận chuyển… rơi!

Những năm trước, vào mùa cao điểm từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 10, đối với hàng đi Mỹ và Canada, các hãng tàu áp thêm phụ phí mùa cao điểm (PSS – Peak Season Surcharge) khoảng 400 đô la Mỹ/container loại 40 feet, nhưng năm nay gần như không còn loại phí này. Vì vào đầu mùa cao điểm, có một vài hãng tàu như Hyundai, Maersk… có áp ở mức một phần hai số tiền nói trên cho hàng từ TPHCM đi các cảng bờ Đông nước Mỹ, nhưng bỏ ngay sau đó; còn các cảng thuộc bờ Tây nước Mỹ thì hầu hết các hãng tàu không áp phí này.

Trước làn sóng suy thoái kinh tế toàn cầu, khi kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lượng hàng hóa giao thương đã giảm đi đáng kể, thì giá cước vận chuyển cũng giảm rõ rệt theo quy luật cung cầu của thị trường. Các hãng tàu cạnh tranh và đua nhau giảm giá, giá cước vận chuyển đang giảm từng ngày, thậm chí trong một ngày giảm giá hai lần cho một lô hàng.

Một công ty xuất khẩu nông sản tại TPHCM (A) có nhu cầu vận chuyển hàng từ TPHCM đi New York. Buổi sáng thỏa thuận được giá cước tại công ty vận chuyển B. là 3.480 đô la Mỹ, nhưng ngay sau đó A. lại được một công ty vận chuyển khác (C) chào với giá 3.325 đô la Mỹ. Khi nhân viên kinh doanh của công ty vận tải B. liên lạc lại khách hàng thì được thông báo có công ty vận tải C. chào giá thấp hơn. Thế là ngay lập tức anh ta hồi báo cho hãng tàu của mình để xin được giảm giá tiếp! Cứ thế mà giá cước giảm đến mức rẻ bất ngờ.

Cảng trống hàng!

Trung tâm điều độ Cảng Cát Lái vừa thông báo cho các hãng tàu và đại lý tàu biển về việc điều chỉnh các chính sách về thời gian hạ container hàng xuất khẩu (lạnh và khô) tại cảng này. Theo đó, thời gian được hạ container tại Cát Lái trước đây là trước hai ngày nay tăng lên trước 7 ngày (có thể lâu hơn nếu gửi yêu cầu trước) so với thời gian dự kiến tàu cập cảng (ETA) đăng ký tháng của hãng tàu.

Sở dĩ có việc điều chỉnh này, theo Cảng Cát Lái, vì tình hình bến bãi hiện nay rất thông thoáng. Như vậy, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ được “phục vụ chu đáo” hơn trong bối cảnh tình hình khó khăn của nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng.

Những ngày đầu tháng 12 này, một container 40 feet cho hàng thông thường (trừ hàng may mặc, hàng lạnh và hàng nguy hiểm) từ cảng TPHCM đi Los Angeles có giá dưới 2.000 đô la Mỹ, trong khi trước đây có giá từ 2.500-2.600 đô la Mỹ. Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, nhiều đại lý vận chuyển tàu biển tranh nhau để chào giá và không quên kèm theo lời căn dặn khách hàng rằng “nếu có đề nghị gì thì hãy cho hay nhé!”. Còn giá từ TPHCM đi New York, giảm từ 3.700-3.800 đô la Mỹ/40 feet xuống còn khoảng 3.100-3.200 đô la Mỹ/40 feet.

Đối với tuyến đi các cảng chính của châu Âu và Địa Trung Hải như Hamburg (Đức), Rotterdam (Hà Lan), Taranto (Ý), Antwerp (Bỉ)… thì vào đầu năm 2008, giá cước biển dao động từ 1.000-1.100 đô la Mỹ/TEU (tương đương container 20 feet) cộng thêm các loại phụ phí khác, có lúc cao điểm lên hơn 1.200 đô la Mỹ/TEU thì tại thời điểm đầu tháng 12 này, giá chỉ còn dưới 300 đô la Mỹ/ TEU, giảm 75%.

Theo một số doanh nghiệp làm giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, nếu như trước đây, giai đoạn đầu của khâu chào giá, các hãng tàu thường dùng giá tariff (bảng giá biểu phổ thông) để chào, thì giờ đây phải dựa vào một lô hàng cụ thể mà chào giá, cung cách phục vụ cũng khác trước, đúng nghĩa “khách hàng là thượng đế”, nhân viên kinh doanh của các hãng theo dõi rất sát sao chứ không chào giá rồi thờ ơ kiểu không cần hàng do tàu đã đầy như trước đây nữa. Dịch vụ khách hàng vì thế mà lại tăng chất lượng đáng kể.

Các hãng tàu gặp khó

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11-2008 ước tính đạt 4,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước nhưng đã giảm 4,8% so với tháng trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11-2008 ước tính đạt 5,3 tỉ đô la Mỹ, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước và giảm 7,1% so với tháng 10-2008. Với đà giảm sút như thế này, thì liệu các hãng tàu sẽ còn trụ vững trong thời gian tới?

Hàng loạt các hãng tàu đã tính đến phương án cắt giảm số lượng tàu đang hoạt động, nhằm giảm lượng cung ứng tàu và giảm chi phí. Theo AXS-Alphaliner, một hãng chuyên cung cấp thông tin uy tín về hàng hải trên thế giới có trụ sở chính ở Pháp, thì có khoảng 2,2% tàu container của thế giới đang ngừng hoạt động – tương đương 115 tàu với 270.000 TEU sức tải. Một số hãng tàu đã phải tính đến chuyện giảm lượng tàu bằng cách hợp tác, liên kết để rút bớt sức tải.

Các hãng tàu thuộc New World Alliance và Grand Alliance cho biết họ sẽ hợp tác trên tuyến được khôi phục lại châu Á/bờ đông nước Mỹ từ ngày 3-12, sẽ có chín tàu thay vì tám tàu được triển khai trên tuyến NYX của New World Alliance, nối các cảng tại Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Hàn Quốc với New York. New World Alliance – APL, Hyundai Merchant Marine và MOL – sẽ cung cấp năm tàu, Grand Alliance – Hapag-Lloyd, NYK Line và OOCL sẽ cung cấp bốn tàu. Grand Alliance đã khai thác một tuyến tương tự, tuyến SCE (South China Express), nhưng tuyến này sẽ được kết hợp trong 18 tuần do nhu cầu thấp trong mùa thấp điểm, theo Grand Alliance.

Kinh tế thế giới đã suy thoái và hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lưu chuyển hàng hóa giảm sút, cuộc cạnh tranh khốc liệt đang và sẽ diễn ra giữa các hãng tàu để phân chia thị phần mà tồn tại. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam làm gì để tận dụng cơ hội này?

PHẠM VĂN BÌNH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới