Roubini ủng hộ quốc hữu hóa ngân hàng tạm thời
![]() |
Giáo sư Nouriel Roubini. |
(TBKTSG Online) – Nouriel Roubini, giáo sư trường Thương mại Stern (thuộc Đại học New York), cựu cố vấn kinh tế của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Bill Clinton, là một trong những người đầu tiên ngay từ 2006 dự báo trước khủng hoảng. Trả lời phỏng vấn của Le Monde, ông cho biết ủng hộ quốc hữu hóa ngân hàng tạm thời.
Cách nay một tháng, ông nói rằng hệ thống tài chính Mỹ đang bên bờ vực phá sản. Làm thế nào tránh được thảm họa này?
Rất nhiều ngân hàng gần như phá sản và hiện nay mọi người đều thấy rằng tình hình thua lỗ sẽ nặng nề hơn theo đà suy thoái. Các nhà điều tiết chính sách phải hành động, phải lọc ra những ngân hàng tốt và xấu. Đối với các ngân hàng mất khả năng thanh khoản, tôi đấu tranh cho việc quốc hữu hóa tạm thời. Nếu thuật ngữ này gây khó chịu thì chúng ta hãy gọi là “đồng sở hữu”.
Nhưng nhà nước phải mua lại các ngân hàng, làm trong sạch nó và bán lại sau khi đã hoàn tất công việc. Thụy Điển từng làm thế khi gặp khủng hoảng ngân hàng (vào đầu những năm 1990). Trong vòng hai năm, hệ thống tài chính của họ hồi phục. Trong khi tại Nhật, chính phủ nước này đã để các ngân hàng sống lây lất không đủ khả năng cung cấp tài chính cho nền kinh tế. Thế là khủng hoảng kéo dài 10 năm.
Thị trường hốt hoảng khi nghe nói đến quốc hữu hóa vì lo sợ những hậu quả dây chuyền tương tự như vụ phá sản Lehman Brothers…
Những lo sợ này là không có cơ sở. Hãy lấy trường hợp Bank of America và Citigroup. Nếu nhà nước mua hai ngân hàng này và giá cổ phiếu rớt xuống con số 0, hiệu ứng tác động đến chỉ số Dow Jones sẽ là 50 điểm, tức giảm dưới 1%. Điều nghịch lý là thị trường sẽ tụt giảm nặng nề hơn nếu người ta để các nhà đầu tư trong tâm trạng bất an, ngờ vực. Ngoài ra, sự phá sản của Lehman Brothers đã làm khốn đốn các chủ nợ vì họ mất tất cả. Nếu các ngân hàng được quốc hữu hóa, các chủ nợ của họ sẽ có người bảo lãnh con nợ chắc chắn hơn, đó là nhà nước.
Liệu biện pháp như vậy có nguy cơ đào sâu thâm hụt của Mỹ ở mức độ nguy hiểm hơn?
Tất nhiên nợ của nhà nước sẽ tăng, nhưng không phải chỉ vì các ngân hàng, mà còn do giảm thuế và các kế hoạch tái thiết. Có khả năng chính phủ sẽ mất đi điểm số tín dụng AAA (tốt nhất trên thị trường), nhưng nước Mỹ có thể cho phép mình làm điều đó. Nợ có thể lên đến 3.000 tỉ đô la (so với 2.560 tỉ trong ngân sách mà Tổng thống Barack Omaba đã đệ trình hôm 26-2), thậm chí đến 5.000 tỉ. Ở mức nợ này, nếu tính đến lãi suất 5%, phí tổn sẽ là 250 tỉ đô la, tức chiếm từ 1,5 đến 2% GDP. Liệu như vậy có quá đắt? Có. Nhưng liệu có thể duy trì được? Có.
Vậy ông đề nghị kịch bản thoát khỏi khủng hoảng như thế nào?
Chúng ta đang trải qua suy thoái tồi tệ nhất từ nhiều thập kỷ. Một cuộc suy thoái toàn cầu cùng lúc ảnh hưởng đến tất cả các nước. Năm nay, tỷ lệ tăng trưởng của thế giới sẽ là âm. Một số nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là ở Đông Âu, đang bên bờ khủng hoảng hệ thống (một cuộc khủng hoảng có thể gây ra sụp đổ dây chuyền tất cả các tổ chức tài chính).
Ngay cả với kịch bản lý tưởng, tức nếu thoát khỏi suy thoái về mặt “kỹ thuật” vào năm 2010, tăng trưởng sẽ yếu đến mức thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng, người dân sẽ không hồi phục được mức chi tiêu và mọi người sẽ có cảm giác vẫn còn đang suy thoái. Tại Mỹ, thất nghiệp sẽ tăng lên 9% trong năm nay và đến 10% vào năm 2010. Nếu các quốc gia hành động quá ít hoặc quá trễ, tình hình sẽ xấu hơn và chúng ta có nguy cơ gặp kịch bản theo kiểu Nhật, tức giảm phát với suy thoái kéo dài hơn và nặng nề hơn.
Liệu có phải là sự phá sản của cả hệ thống trong tổng thể của nó?
Những gì mà chúng ta đang trải qua không phải là cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản, mà là của mô hình anglo-saxon đặc thù, của mạnh ai nấy làm. Trong khi các bong bóng đầu cơ hình thành liên tục, thị trường cần được điều chỉnh, không quá nhiều mà cũng không quá ít. Điều đó không có nghĩa là mô hình xã hội châu Âu là tốt nhất. Nó xơ cứng với sự trợ giúp quá nhiều của nhà nước. Cần phải tìm ra sự chiết trung giữa hai thái cực này.
Làm thế nào để hồi phục, theo ông?
Nhìn chung, các nhà chính trị đã hành động quá ít hoặc quá chậm. Để cải thiện mọi việc, cần phải triển khai bốn hoặc năm hành động. Giảm chi phí tín dụng bằng cách hạ lãi suất các ngân hàng trung ương xuống còn 0% và thực hiện bổ sung các chính sách tiền tệ về lượng (tạo ra tiền). Ngoài ra, cũng phải gia tăng việc giảm thuế, làm sạch báo cáo tài chính của các ngân hàng và giúp các hộ gia đình đang nợ nần và các doanh nghiệp sắp bị phá sản.
Liệu nhóm G20 có mang lại hy vọng thoát khỏi khủng hoảng?
Mọi chuyện đang diễn ra đúng hướng, nhưng người ta mất quá nhiều thời gian suy nghĩ đến cơ cấu mới của hệ thống tài chính. Điều đó là quan trọng vì nếu không cải cách thì sẽ gặp những cuộc khủng hoảng tương tự, nhưng đây là công việc dài hơi. Điều khẩn thiết là thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện nay. Chúng ta đang có một người bệnh nên trước tiên cần phải chữa trị anh ta.
MINH TRƯỜNG (lược dịch)