Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Rủi ro… đạo đức ngân hàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Rủi ro… đạo đức ngân hàng

Hồng Phúc

Nguồn nhân lực yếu kém trong lĩnh vực ngân hàng không chỉ tạo ra những hạn chế trong quản trị ngân hàng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, mà còn tiềm ẩn rủi ro đạo đức rất lớn. Ảnh: Thanh Tao.

(TBKTSG) – Trưởng phòng giao dịch Ngân hàng TMCP HDBank phường Long Bình Tân (trực thuộc chi nhánh HDBank Đồng Nai) mới bị bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản do làm giả sổ đứng tên khách hàng rút 10 tỉ đồng, theo báo Thanh Niên. Gần hai tháng trước, theo báo Tiền Phong, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội đã bắt giữ ông Vũ Tú, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (Tienphong Bank), để điều tra về hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.

Đó chỉ là hai trong nhiều trường hợp vi phạm các quy định trong hoạt động ngân hàng của cán bộ ngân hàng thời gian gần đây. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, trong năm 2011 cơ quan quản lý đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm lên tới hàng ngàn tỉ đồng do cán bộ ngân hàng làm sai dưới nhiều hình thức: cho vay khi tài sản thế chấp chưa đăng ký giao địch đảm bảo, cho vay khách hàng không đủ điều kiện vay vốn, thẩm định giám sát điều kiện vốn vay chưa chặt chẽ, phân loại nợ không đúng quy định, cho vay khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, không trích lập và trích lập dự phòng không đúng quy định, cho vay đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng…

Cũng trong năm 2011, trên địa bàn TPHCM các cơ quan chức năng đã phát hiện tổng cộng 112 vụ việc vi phạm về quản lý ngoại hối. Kiểm tra đột xuất 68 tổ chức tín dụng (TCTD) về huy động vốn đã phát hiện 62 đơn vị sai phạm về khuyến mãi tặng quà, dịch vụ mua bán vàng có kỳ hạn có chênh lệch, nhận ủy thác đầu tư, ký hợp đồng và gia hạn chấp nhận sai quy định.

“Gần 60 năm thành lập ngành ngân hàng, tôi chưa thấy thế bao giờ. Ngân hàng lại biến thành một cái chợ không có giá chung. Hình ảnh về các ngân hàng đã xấu đi thời gian qua”, một lãnh đạo lâu năm trong ngành ngân hàng nói về sự cạnh tranh bằng lãi suất giữa các ngân hàng. Tại một cuộc họp với đại diện các ngân hàng ở TPHCM đầu năm 2012, ông đặt câu hỏi: “Mức độ tín nhiệm giữa các nhà ngân hàng với nhau đã giảm sút. Các anh chị đã đào tạo nhân viên của mình đạo đức nghề nghiệp cao nhất chưa?”.

Vị lãnh đạo trên cho rằng trình độ và năng lực quản lý không theo kịp quy mô tăng trưởng và yêu cầu phát triển của ngân hàng, cũng như diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế. Trong đó, chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn thấp, gây ra rủi ro cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Ngân hàng là lĩnh vực đòi hỏi sự minh bạch và chuyên nghiệp cao, do đó, việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ ngân hàng là điều hết sức quan trọng.

Ngân hàng là lĩnh vực đòi hỏi sự minh bạch và chuyên nghiệp cao, do đó, việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ ngân hàng là điều hết sức quan trọng. Nguồn nhân lực yếu kém không chỉ tạo ra những hạn chế trong quản trị ngân hàng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, mà còn tiềm ẩn rủi ro đạo đức rất lớn.
Tại một hội thảo cuối năm 2011 ở Hà Nội, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Hà Huy Tuấn nói: “Không phải không có trường hợp cổ đông của TCTD tăng vốn thông qua tình trạng đi vay lẫn nhau để góp vốn (multiple-gearing), và tăng vốn giả tạo thông qua định giá lại tài sản để tiếp tục mở rộng tổng tài sản. Lãnh đạo các TCTD đang phải chịu áp lực lợi nhuận đã đầu tư nhiều vào lĩnh vực, dự án rủi ro, đặc biệt là bất động sản, chứng khoán và không loại trừ cả tín dụng đen”.

“Một số TCTD bị chi phối bởi một số cổ đông, tạo ra mối quan hệ thiếu minh bạch giữa các TCTD và một số doanh nghiệp. Tỷ lệ sở hữu của một cá nhân tại một số TCTD thực tế cao hơn nhiều so với quy định của pháp luật, tạo quyền lực chi phối đối với TCTD đó. Kết quả là, hoạt động kinh doanh của TCTD phụ thuộc vào mục tiêu và lợi ích của các cá nhân đóng vai trò chi phối. Trên thực tế, các ngân hàng yếu kém đều là những ngân hàng cho các công ty có mối quan hệ đặc biệt với cổ đông của ngân hàng vay. Các công ty này sử dụng vốn vay đầu tư vào bất động sản, kinh doanh chứng khoán hoặc các công ty con” (trích tham luận).
Nhìn lại hoạt động của các ngân hàng thời gian qua, các chuyên gia cũng cho rằng, hệ thống quản trị rủi ro yếu kém, đặc biệt là rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản; hệ thống giám sát nội bộ hoạt động kém hiệu quả khiến rủi ro hoạt động, rủi ro đạo đức tăng cao trong hệ thống tổ chức tín dụng. Thậm chí nhiều trường hợp TCTD bị vô hiệu hóa do ảnh hưởng của các cổ đông lớn.
Trong một lần trò chuyện, một vị lãnh đạo NHNN bình luận rằng tất cả các ngân hàng đều gặp vấn đề về quản trị. Và câu chuyện quan trọng nhất và khó kiểm soát nhất hiện nay là chuyên môn và đạo đức của người làm ngân hàng. “Đừng lầm tiền người khác là tiền của mình”, ông nói.

Với sự phát triển quá nóng của hệ thống, trong khi nguồn nhân lực có chất lượng cao, có đạo đức nghề nghiệp còn rất thiếu, công tác tuyển dụng, đào tạo lại chưa được coi trọng đúng mức, nên rủi ro tác nghiệp và đạo đức gia tăng. Mặt khác, đa số cán bộ quản lý cấp trung và cấp cao ở từng ngân hàng thương mại chủ yếu được đề bạt qua hoạt động chuyên môn. Họ rất thiếu kiến thức về quản lý và điều hành một chi nhánh, một hệ thống theo hướng hiện đại, vì thế đôi khi chỉ sơ suất trong quản lý nhân sự là đã gây ra những rủi ro trong hoạt động không nhỏ cho ngân hàng.

“Xem xét các vụ vỡ nợ “tín dụng đen” gần đây, hầu hết các ngân hàng đều khẳng định không liên quan và không gây thiệt hại. Điều này chưa hẳn, bởi chưa có thống kê cụ thể và chưa có sự kết nối các cá nhân với các doanh nghiệp “sân sau” của các tổ chức tín dụng tham gia vào hoạt động này”, theo PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới