Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Rục rịch tăng lãi suất huy động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Rục rịch tăng lãi suất huy động

Tuệ Nhiên

(KTSG) – Nếu như trong tháng 5 chỉ một vài ngân hàng có động thái tăng lãi suất tiền gửi trở lại, thì tháng 6 vừa qua chứng kiến nhiều ngân hàng nhập cuộc tăng lãi suất hơn. Liệu đây chỉ là diễn biến nhất thời hay lãi suất huy động sắp bước vào một chu kỳ đi lên mới?

Rục rịch tăng lãi suất huy động
Bắc Á cũng đã có hai lần điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi liên tiếp trong tháng 5 và 6-2021. Ảnh: N.K

Làn sóng mới?

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) quyết định tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,1 điểm phần trăm ở kỳ hạn 4-5 tháng và tăng đều 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn còn lại kể từ ngày 15-6 vừa qua, đánh dấu lần tăng thứ 2 liên tiếp trong vòng hai tháng cuối quí 2. So với khung lãi suất thời điểm cuối tháng 4, lãi suất tiền gửi tại ngân hàng này hiện đã cao hơn từ 0,25-0,4 điểm phần trăm.

Một ngân hàng khác cũng đã có hai lần điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi liên tiếp trong tháng 5 và 6 là Bắc Á, với tổng mức tăng là 0,2 điểm phần trăm đối với kỳ hạn 1-5 tháng; tăng 0,4 điểm phần trăm đối với kỳ hạn 6-11 tháng; tăng 0,2-0,3 điểm phần trăm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Nếu tính theo số tuyệt đối, dư nợ tín dụng đã tăng thêm gần 503.000 tỉ đồng so với đầu năm nay, trong khi huy động vốn từ khách hàng chỉ tăng chưa đến 314.000 tỉ đồng.

Quyết định tăng lãi suất huy động đều ở các kỳ hạn trong tháng 6 còn chứng kiến tại VIB, với mức tăng 0,1 điểm phần trăm, sau khi đã ba lần liên tiếp giảm tính trong bốn tháng đầu năm.

Ngoài ra thị trường còn chứng kiến một loạt ngân hàng khác tăng lãi suất tiền gửi trở lại như NCB tăng từ 0,05-0,2 điểm phần trăm tùy kỳ hạn từ 1-11 tháng. Đáng lưu ý là MSB điều chỉnh tăng vọt 0,5 điểm phần trăm tiền gửi kỳ hạn hai tháng lên 3,5%; kỳ hạn 3-5 tháng cũng tăng mạnh 0,3 điểm phần trăm lên 3,8%.

Ngay cả những ngân hàng có quy mô lớn cũng bắt đầu có động thái tăng lãi suất huy động trở lại, như Vietcombank tăng đều 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn, theo đó lãi suất tiền gửi 1-2 tháng hiện lên mức 3,1%, 6 tháng và 9 tháng lên 4%. Hay như Sacombank cũng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm ở kỳ hạn 2-6 tháng, tăng 0,3 điểm phần trăm kỳ hạn 7-11 tháng và tăng 0,1 điểm phần trăm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Thống kê khung lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng đến cuối tháng 6 cho thấy, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng đã tăng trở lại 0,04 điểm phần trăm so với thời điểm cuối tháng 4, kỳ hạn 6-11 tháng tăng 0,03 điểm phần trăm, kỳ hạn 12 tháng cũng tăng nhẹ 0,01 điểm phần trăm, sau khi đã duy trì xu hướng đi xuống liên tiếp trong hơn một năm trước đó.

Diễn biến trên đang gây ra không ít lo ngại khi chỉ báo lãi suất đang là tâm điểm được chú ý nhất trong năm nay.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi trên thị trường liên ngân hàng đã tăng mạnh trở lại và duy trì ở mức cao từ cuối tháng 4 đến nay, phản ánh thanh khoản hệ thống đã không còn quá dồi dào như trước, cũng như không loại trừ khả năng một số ngân hàng bắt đầu đối mặt với áp lực thanh khoản cục bộ, việc các ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất tiền gửi trên thị trường 1 (với dân cư và tổ chức kinh tế) dường như là hệ quả tất yếu.

Áp lực nhất thời?

Với việc tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế luôn duy trì xu hướng cao hơn so với tăng trưởng tiền gửi từ đầu năm đến nay, nguồn vốn nhàn rỗi của các ngân hàng đang giảm dần cũng là điều dễ hiểu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng đến ngày 21-6 so với đầu năm là 5,47%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng huy động vốn chỉ có 3,13%. Nếu tính theo số tuyệt đối, dư nợ tín dụng đã tăng thêm gần 503.000 tỉ đồng so với đầu năm nay, trong khi huy động vốn từ khách hàng chỉ tăng chưa đến 314.000 tỉ đồng, chênh lệch giữa huy động vốn và cho vay âm hơn 189.000 tỉ đồng.

Ngoài việc lãi suất tiền gửi đã liên tục giảm mạnh kể từ tháng 3 năm ngoái, khiến kênh tiền gửi ngân hàng không còn hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác, vốn đang không ngừng tăng trưởng như chứng khoán hay bất động sản, thì nỗi lo ngại về bóng ma lạm phát đang quay lại trước các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng và dự báo siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa, cũng ảnh hưởng lên tâm lý khách hàng và càng làm hạn chế dòng tiền gửi vào ngân hàng, bất chấp đây là kênh an toàn trong bối cảnh dịch bệnh trong nước vẫn đang bùng phát.

Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng lên mặt bằng lãi suất tiền gửi là nhiều ngân hàng đã đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ trong nửa đầu năm và đang đề xuất được nới hạn mức tăng trưởng, do đó các ngân hàng này có lẽ đang chủ động tăng lãi suất tiền gửi để đón đầu thu hút vốn, chuẩn bị cho mục tiêu kinh doanh trong sáu tháng cuối năm nay, ngay khi đề xuất hạn mức mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua.

Thông thường, mục tiêu tăng trưởng tín dụng mới sẽ được NHNN cấp cho các tổ chức tín dụng (TCTD) vào thời điểm cuối quí 2 hoặc đầu quí 3. Trước đó, vào giữa tháng 6, NHNN cho biết đã tiếp nhận và xử lý đề xuất liên quan tới nới, cấp thêm “room” tín dụng cho các TCTD đã sử dụng hết chỉ tiêu.

Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là với việc dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lên nhu cầu vay vốn, và thực tế là tăng trưởng tín dụng dù vẫn trong xu hướng đi lên nhưng đã có tốc độ chậm lại đáng kể từ tháng 5 đến nay, room tăng trưởng mới mà NHNN cấp cho các TCTD có lẽ cũng sẽ không quá rộng rãi. Trước đó NHNN cho biết trong trường hợp dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể chỉ đạt khoảng 7-8% theo kịch bản 3.

Nhưng thiết nghĩ cũng cần nhắc lại rằng, các TCTD luôn có những phương án bứt phá không ngờ tới. Như trong năm 2020, dù tăng trưởng tín dụng toàn ngành những tháng đầu năm ở mức rất thấp vì ảnh hưởng của dịch bệnh, theo đó đến tháng 11-2020 cũng chỉ mới tăng 8,41% so với đầu năm, nhưng rồi kết thúc năm 2020 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lên đến 12,17%, tức tăng đến 3,76 điểm phần trăm chỉ riêng trong tháng cuối năm.

Vì vậy, ngoài yếu tố lạm phát, diễn biến tăng trưởng tín dụng sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn lên xu hướng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng trong thời gian còn lại của năm nay. Dù vậy, những áp lực này được kỳ vọng sẽ chỉ là nhất thời, khi nhà điều hành với các chính sách quản lý linh hoạt và đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong giai đoạn trước, sẽ có các giải pháp để giữ mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp trong dài hạn, nhằm thúc đẩy nền kinh tế vẫn còn đang phục hồi khá mong manh.

Ngoài ra, các ngân hàng với nguồn vốn điều lệ tăng thêm mạnh mẽ trong thời gian còn lại của năm nay, cũng như lượng vốn dài hạn được cải thiện thông qua kênh phát hành trái phiếu, cũng có thể bù đắp phần nào cho lượng vốn thiếu hụt từ sự chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và tiền gửi. Thống kê cho thấy các ngân hàng đã phát hành 56.000 tỉ đồng trái phiếu trong sáu tháng đầu năm nay, và xu hướng ngân hàng phát hành trái phiếu có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Cuối cùng, sẽ có một lượng lớn thanh khoản tiền đồng được bơm ra trong tháng 7 và tháng 8 tới, qua các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn mà các ngân hàng đã ký kết với NHNN hồi đầu năm nay, ước ở mức 7-8 tỉ đô la Mỹ. Nếu các hợp đồng này không bị hủy ngang, lượng thanh khoản tiền đồng được bơm ra có thể lên tới từ 163.000 -186.000 tỉ đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới