Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Rủi may hạt lúa, cơ cực nông dân!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Rủi may hạt lúa, cơ cực nông dân!

Khổ cực quanh năm nhưng nông dân không thể biết trước thành quả lao động của mình sẽ như thế nào. Ảnh: Hữu Thắng

(TBKTSG) – Bài viết “Ngân hàng lúa” của kỹ sư Doãn Mạnh Dũng trên TBKTSG số 51-2008 khiến tôi viết những dòng này, mong góp thêm một suy nghĩ. Theo tôi, trước khi thành lập ngân hàng lúa – nếu có, xin hãy lai tạo và cung cấp các giống lúa đạt chuẩn xuất khẩu cho nông dân.

Gần trọn năm qua, Chính phủ và cấp lãnh đạo ngành nông nghiệp, kể cả các công ty lương thực đã “lo lắng”, “chật vật” vì lúa – vì đời sống nông dân chúng tôi.

Qua báo chí và truyền hình, ai cũng thấy đời sống nông dân khổ sở ra sao khi hạt gạo không xuất khẩu được. Chúng tôi đâu có đổ lỗi cho ai và cũng không biết tại ai mà đổ lỗi!

Có vài vị trách tại nông dân chúng tôi trồng giống lúa 504 nên hạt gạo không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu? Nông dân cả vùng An Giang đều trồng giống lúa 504 này vì dễ trồng, năng suất cao, thích hợp trồng hai vụ và trước giờ đều bán được giá.

Còn tại sao năm 2008 nó không tiêu thụ được thì cái “gút” là ở đâu? Bây giờ chúng tôi nghe theo lời khuyến cáo nên chạy vạy khắp nơi để mua “giống mới”. Nhưng cũng chẳng có gì bảo đảm là “giống mới” sẽ cho gạo tốt, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Vụ đông xuân này nông dân huyện An Phú chúng tôi sẽ thu hoạch các loại lúa tạp chủng.

Tôi thiết nghĩ chắc là Nhà nước không quá khó khăn trong việc cung cấp giống lúa đạt chuẩn xuất khẩu cho nông dân trong huyện. Một huyện mà 80% nông dân chuyên canh lúa vào mùa khô và mùa nước nổi (tôi ở đầu nguồn sông Hậu) thì cấp lãnh đạo và các nhà khoa học phải tính giúp nông dân chúng tôi.

Một sào ruộng giống (1.000 mét vuông) cần 12 ki lô gam lúa giống. Trồng 5 héc ta cần 600 ki lô gam lúa và cuối vụ sẽ thu hoạch được 30 tấn lúa giống. 30 tấn lúa giống này đủ cung cấp cho 170 héc ta và chỉ sau một năm số lượng lúa giống thu hoạch được sẽ đủ cung cấp cho cả huyện An Phú. 

Tôi còn nhớ trong một buổi gặp mặt giữa chính quyền tỉnh và nông dân, một nông dân đã đặt câu hỏi: Xin ông cho biết giá lúa kỳ này sẽ ra sao, có được giá không? Vị lãnh đạo này trả lời: May mắn là năm qua năng suất lúa cao và bán được giá, nhưng năm nay thì không biết ra sao. Tôi nghe ông phát biểu mà kêu trời trong bụng: Ông là lãnh đạo cả tỉnh – một tỉnh có đến 80% nông dân làm lúa mà trông chờ sự may rủi về giá lúa ư!

Giờ đây, chúng tôi đang đắp bờ xuống giống trong cái lạnh của tiết trời. Với leng trong tay, người khom lưng, người ngồi xổm dưới nước để vít, đắp đất trong cái lạnh và gió giật từng cơn. Chúng tôi ngồi nghỉ mệt ngay trên bờ ruộng, bàn tán và có cùng một suy nghĩ: không biết cuối vụ này giá lúa sẽ ra sao? Có còn gặp trở ngại gì nữa không?

Nghĩ là để cho có nghĩ chứ đâu biết phải làm gì, mọi chuyện nằm ngoài tầm tay của nông dân chúng tôi. Quần quật ngoài đồng, một đời cơ cực làm ra hạt lúa cho xã hội nhưng nông dân chúng tôi có được đáp ứng lại tương xứng đâu! Xin viết vài dòng để giãi bày cùng quý báo cho nhẹ lòng.

LÊ NGỌC BÍCH – Ấp 1, xã Phước Hưng, An Phú, An Giang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới