Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Rủi ro bất bình đẳng xã hội đang tiềm ẩn tại Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Rủi ro bất bình đẳng xã hội đang tiềm ẩn tại Việt Nam

Hoàng Thắng

(KTSG Online) – Số lao động thất nghiệp, thiếu việc làm tại Việt Nam tiếp tục gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực từ Covid-19, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng khoảng cách giàu – nghèo và xuất hiện thêm nhiều nhóm dễ bị tổn thương mới trong xã hội.

Rủi ro bất bình đẳng xã hội đang tiềm ẩn tại Việt Nam
Đường phố Hà Nội vắng vẻ trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND thành phố. Ảnh: Trọng Hiếu.

Tiếp tục chia sẻ với KTSG Online, ông Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Việt Nam – cho rằng các nhà điều hành kinh tế cần chú ý hơn tới sự gia tăng khoảng cách giàu – nghèo và xu hướng mở rộng của khu vực kinh tế phi chính thức, bên cạnh mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. 

Triển vọng kinh tế phục thuộc vào tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19

KTSG Online: Ông có lo ngại một cuộc khủng hoảng kinh tế ngắn hạn sẽ xuất hiện, nếu chúng ta không kiểm soát tốt cuộc khủng hoảng y tế và giải quyết tận gốc vấn đề dịch bệnh?

– Ông Lê Duy Bình: Việt Nam sẽ không phải đối diện với một cuộc khủng hoảng kinh tế trước mắt nhờ sự ổn định của kinh tế vĩ mô và sự phục hồi của thị trường toàn cầu với hàng hóa, dịch vụ do Việt Nam sản xuất, cung ứng. Ngoài ra, khả năng nhanh chóng phục hồi sản xuất sau khi khống chế tốt dịch bệnh đã được minh chứng tại nhiều địa phương trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, sức khỏe ổn định của hệ thống tài chính – ngân hàng cũng giúp không phải đối diện với một cuộc khủng hoảng kinh tế trong ngắn hạn.

Hiện Việt Nam có nhiều cơ hội để khống chế tốt dịch bệnh khi vaccine phòng, chống Covid-19 dự kiến được tiêm đại trà trong thời gian tới. Chỉ cần mở rộng độ bao phủ vaccine lên mức 40-50% dân số, nền kinh tế sẽ được hỗ trợ rất nhiều vì dịch bệnh được khống chế tới đâu thì dư địa cho sản xuất – kinh doanh mở rộng đến đấy, như trường hợp của tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Nhưng ngược lại, dịch bệnh mở rộng đến đâu, dư địa cho tăng trưởng sẽ thu hẹp đến đấy. Tăng trưởng kinh tế là con số có tỷ lệ nghịch với con số về số địa phương phải thực hiện giãn cách và thời gian chúng ta phải thực hiện giãn cách. Đây là một trong những rủi ro lớn nhất với tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

– KTSG Online: Kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro nào trong năm 2021, bên cạnh rủi ro dịch bệnh, thưa ông?

Thứ nhất, rủi ro việc làm. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 1,1 triệu người trong 6 tháng đầu năm 2021 – tăng 101.700 người so với cùng giai đoạn năm trước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Còn tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,52%, chỉ giảm 0,07%.

Đáng chú ý, số lao động trong độ tuổi từ 15 tới 24 lâm vào cảnh thất nghiệp là khoảng 398.900 người, chiếm 34% tổng số người thất nghiệp.

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là hơn 1,1 triệu người, tăng 48.200 người so với cùng giai đoạn năm trước. Còn tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,58%, tăng 0,25%.

Thất nghiệp, thiếu việc làm sẽ tạo ra rất nhiều vấn đề xã hội và gia tăng sức ép nên hệ thống an sinh xã hội. Theo đó, Chính phủ không đủ nguồn lực để chi cho mục đích an sinh xã hội nếu đà tăng trưởng kinh tế và số thu ngân sách suy giảm.

Thứ hai, rủi ro về sự mở rộng của khu vực kinh tế phi chính thức. Covid-19 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm đồng thời khiến nhiều người trong số họ buộc phải trở thành lao động có việc làm phi chính thức. Cụ thể, số lao động phi chính thức năm 2020 là 20,9 triệu người – tăng 338.000 người so với năm 2019, theo Tổng Cục Thống kê.

Thứ ba, rủi ro bất bình đẳng xã hội khi khoảng cách giàu – nghèo gia tăng.

Những yếu tố này càng khẳng định sự cần thiết của việc chú ý hơn nữa các chỉ tiêu xã hội, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững trong dài hạn.

Covid-19 và đầu tư công ‘níu’ đà tăng trưởng kinh tế

– KTSG Online: Ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2021?

Với mức tăng trưởng 5,64% trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong quý 2-2021.  

Với các yếu tố đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 157,63 tỉ đô la Mỹ trong 6 tháng đầu năm, tăng 28,4% so với cùng giai đoạn năm trước. Còn kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 159,1 tỉ đô la, tăng 36,1%.

Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm tương đối đảm bảo với mức nhập siêu 1,47 tỉ đô la, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,86 tỉ đô la.

Bên cạnh đó, tiến độ thu ngân sách cải thiện với số thu ước đạt 775.000 tỉ đồng, bằng 57,7% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa, thu từ dầu thô và thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu lần lượt bằng 55,9%, 79,8% và 68,8% dự toán năm.

Đáng chú ý, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,27 tỉ đô la tính đến 20-6-2021 – giảm 2,6% so với cùng giai đoạn năm trước, nhưng vẫn nằm trong nhóm quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về thu hút đầu tư nước. Điều này thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với kinh tế Việt Nam đã được củng cố.

Những yếu tố này cho thấy các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn được đảm bảo và nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định. Nhưng rõ ràng là Việt Nam đã có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn nếu dịch bệnh không diễn ra tại một số trung tâm sản xuất như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 29,02% kế hoạch tính tới 30-6-2021 – giảm gần 5% so với cùng kỳ năm 2020 – cũng khiến Việt Nam ‘đánh rơi’ một vài điểm phần trăm của tăng trưởng kinh tế.

– KTSG Online: Nguyên nhân nào khiến vốn đầu tư công không được giải ngân đúng tiến độ, thưa ông?

Quá trình chuyển giao vốn của các Bộ, ngành, địa phương cho các chủ đầu tư thường khá chậm trong quý đầu tiên của năm. Ngoài ra, có những vấn đề đã tồn tại nhiều năm gồm: chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư như đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; chưa hoàn tất thiết kế cơ sở; vướng mắc trong khâu đấu thầu hoặc vướng mắc với tổng thầu.

Bên cạnh đó, có hai yếu tố khác ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn nửa đầu năm 2021 là dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 4 và giá nguyên vật liệu – gồm nguyên vật liệu sản xuất trong nước và nhập khẩu nước ngoài – tăng nhanh, gây ảnh hưởng tới dự toán ban đầu của chủ đầu tư và nhiều nhà thầu xây dựng.

– KTSG Online: Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) chỉ đạt mức 44,1 điểm trong tháng 6 – giảm 9 điểm so với tháng 5 và là tháng thứ hai liên tiếp ghi nhận sự sụt giảm, theo công bố của IHS market. Xu hướng này thể hiện điều gì?

Sự sụt giảm của chỉ số PMI trong hai tháng qua thể hiện ba điều. Thứ nhất, cảm nhận của người mua hàng, nhà nhập khẩu rằng năng lực và sản lượng sản xuất ở Việt Nam có thể suy giảm trong những tháng tới, do tình trạng đình trệ sản xuất khi áp dụng các biện pháp giãn cách. Cảm nhận này được hỗ trợ bởi quan sát của họ với sự sụt giảm về đơn hàng đối với hàng hoá được sản xuất tại Việt Nam và qua những bằng chứng suy giảm về đơn đặt mua hàng của các nhà sản xuất tại Việt Nam đối với hàng hóa, nguyên vật liệu từ nước ngoài hoặc nhà sản xuất khác.

Thứ hai, cảm nhận của người mua hàng về quá trình lưu thông và cung ứng hàng hóa bị đứt gãy hoặc giao hàng không đúng hẹn do những khó khăn ở khâu hậu cần (thiếu container – PV) và khâu vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam.

Thứ ba, dự báo về số lượng đơn đặt mua nguyên vật liệu đầu vào cho quá trình sản xuất từ Việt Nam, số lượng đơn đặt hàng với thị trường Việt Nam có thể giảm.

Đây yếu tố cần quan sát trong bối cảnh dịch bệnh đang gây gián đoạn sản xuất tại tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Điều này có thể ảnh hưởng đến chỉ số PMI tháng 7 và 8, qua đó làm giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong quý 3-2021.

Cần lưu ý rằng trong những tháng đầu năm 2021, chỉ số PMI của Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng 11-12% và là một trong số những chỉ số chủ đạo hỗ trợ cho cơ sở của chỉ số tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.

Xin cảm ơn ông!

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới