Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Rủi ro gia tăng trong bối cảnh kinh tế phục hồi

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), cho biết nền kinh tế phải đối mặt các yếu tố rủi ro như áp lực lạm phát từ bên ngoài, thị trường xuất khẩu và khách du lịch quốc tế thu hẹp, dù tăng trưởng GDP vẫn ở mức cao.

Nhận định này được Bộ trưởng Bộ KHĐT nêu tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vào ngày 1-10.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Ngyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Nhật Bắc

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, GDP qua 9 tháng tăng 8,83%, mức tăng trưởng cao nhất từ 2011 đến nay. Kinh tế phục hồi và tăng đều ở 3 khu vực nông, lâm thuỷ sản, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, lần lượt là 2,99%, 9,44% và 10,57%.

Ngoài ra, xếp hạng tháng 8 của Nikkei cho thấy Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch, thứ 7 về tỷ lệ tiêm liều vaccine nhắc lại và đứng thứ 5 thế giới về số liều vaccine trung bình mỗi người dân nhận được.

Với bối cảnh này, ông Dũng dự báo tăng trưởng năm nay có thể đạt khoảng 8%, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Tuy nhiên, ông cũng dự báo nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới như áp lực lạm phát từ bên ngoài, thị trường xuất khẩu, khách du lịch quốc tế bị thu hẹp… tạo áp lực lớn lên cân đối ngoại tệ.

Ngoài ra, tăng trưởng GDP bình quân trong 9 tháng đầu năm thuộc giai đoạn 2020-2022 chỉ đạt 5,41%, chưa bù đắp để đạt được mức tăng trưởng tương đương cùng kỳ các năm trước dịch 2016-2019 là 6,88%.

Bên cạnh đó, FDI đăng ký cấp mới 9 tháng chỉ bằng 57% so với cùng giai đoạn năm trước. Điều này, theo ông Dũng, có thể ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỷ giá… trong trung và dài hạn.

Ngoài những yếu tố trên, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản vẫn tiềm ẩn rủi ro.

Về bối cảnh quốc tế, nguy cơ suy thoái tại nhiều nước ngày càng trở nên rõ ràng hơn; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, lượng khách du lịch… có khả năng bị thu hẹp hơn, gia tăng thách thức lên tăng trưởng xuất khẩu, du lịch nước ta.

Bối cảnh trên khiến ông Dũng lo ngại thu ngân sách trong quý 4-2022 và đầu năm 2023 có thể chịu tác động tiêu cực.

Vì vậy, Bộ trưởng KHĐT đề nghị, các cấp, các ngành cần nỗ lực hơn nữa để nắm bắt cơ hội phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021-2025 trong khoảng 6,5-7% một năm.

Về triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, số liệu của cơ quan ngành kế hoạch cho thấy, tới cuối tháng 9 giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt 61.000 tỉ đồng.

Trong đó, các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.552 tỉ đồng. Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đến ngày 23-9 đạt khoảng 3.545 tỉ đồng cho hơn 5 triệu lao động, vượt mục tiêu ban đầu là 4 triệu lao động.

Hỗ trợ 2% lãi suất cho khoảng 9.800 tỉ đồng dư nợ tín dụng, với số tiền là 13,5 tỉ đồng. Hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường là 39.422 tỉ đồng. Hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7.400 tỉ đồng.

Về giải ngân đầu tư công, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết số giải ngân 9 tháng đầu năm ước đạt 46,70% kế hoạch Thủ tướng giao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Nhật Bắc

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiên trì, nhất quán, xuyên suốt, ưu tiên mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế theo Chỉ thị 15.

Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả và các chính sách khác.

Với bối cảnh đô-la Mỹ tăng giá làm giảm giá đồng tiền nhiều nước, trong đó có đồng Việt Nam, Thủ tướng cho rằng phải đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và giảm nhập khẩu, tăng tổng cung và tổng cầu trong nước. Theo đó, các bộ, ngành phải tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo, các địa phương cùng vào cuộc, động viên các doanh nghiệp trong nước tham gia, phối hợp với các doanh nghiệp FDI để cùng làm việc này.

Với đầu tư công, ông nhấn mạnh việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chương trình đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 124 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng tại hội nghị gần đây.

“Vốn đầu tư công là nguồn lực rất lớn, việc giải ngân đầu tư công là một trong những chính sách tài khóa có rất nhiều ý nghĩa quan trọng, vừa tạo công ăn việc làm, tạo dư địa, không gian phát triển mới, tạo sản phẩm xã hội, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, góp phần kiểm soát lạm phát, giảm áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới