Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Rủi ro tỷ giá chực chờ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Rủi ro tỷ giá chực chờ

Thủy Triều

Tỷ giá là một trong những rủi ro lớn của hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG Online) – Dư nợ vay ngoại tệ tăng cao trong khi kiều hối, đầu tư trực tiếp và gián tiếp đều giảm đang gây ra e ngại về rủi ro tỷ giá có thể xảy ra vào thời điểm cuối năm.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, trong một hội thảo tại TPHCM ngày 28-7 cho biết một trong những rủi ro của cả ngành ngân hàng lẫn kinh tế Việt Nam vào cuối năm là rủi ro tỷ giá.

Thâm hụt thương mại của Việt Nam hiện vẫn ở mức cao, nhưng điều đáng quan ngại hơn là, liệu trong các tháng còn lại của năm, doanh nghiệp xuất khẩu có thể tiếp tục duy trì được xu thế xuất khẩu mạnh hay không. Ngoài ra, nhập siêu hiện nay chịu ảnh hưởng không nhỏ từ biến động giá hàng nguyên liệu trên thế giới. Do đó, nếu giá hàng hóa trên thế giới có biến động lớn, mức nhập siêu có thể tăng nhanh hơn.

Bên cạnh đó, các nguồn bù đắp thâm hụt thương mại là kiều hối, vốn đầu tư trực tiếp, và gián tiếp đều giảm trong nửa đầu năm nay. Quí 2 năm 2010 kiều hối của Việt Nam là 2,2 tỉ đô la Mỹ trong khi năm nay kiều hối quí 2 chỉ đạt 1,9 tỉ đô la. Đầu tư trực tiếp của Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt 3,3 tỉ đô la Mỹ, giảm nhẹ so với 3,4 tỉ đô la cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, vốn đầu tư gián tiếp đã giảm mạnh còn 350 triệu đô la Mỹ trong 6 tháng đầu năm, 7 tháng mức này là 600 triệu đô la, trong khi 6 tháng đầu năm 2010 vốn đầu tư gián tiếp là 1,79 tỉ đô la.

Một vấn đề lớn hơn nữa là tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ của các ngân hàng đang ở mức quá cao, doanh nghiệp đổ xô vay ngoại tệ, bán lấy tiền đồng tạo nguồn cung ảo khiến tỷ giá được giữ ổn định từ tháng 4 đến nay. Nhưng khi đến thời hạn các khoản nợ này đáo hạn, thì nhu cầu mua ngoại tệ để trả nợ sẽ là rất lớn.

Tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cả nước trong 6 tháng đầu năm là 23% trong khi tăng trưởng tín dụng tiền đồng chỉ có 3%. Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank, cũng thừa nhận rằng tăng trưởng tín dụng ngoại tệ của ngân hàng các tháng đầu năm khá mạnh trong khi huy động ngoại tệ lại đang có xu hướng đi xuống.

Do nhu cầu vay ngoại tệ tăng cao trong khi huy động ngoại tệ giảm, các ngân hàng gần đây đã bắt đầu phá trần lãi suất ngoại tệ, huy động với lãi suất thỏa thuận lên đến 4%-5%/năm.

“Khi nợ ngoại tệ đáo hạn sẽ gây áp lực rất lớn cho tỷ giá”, ông Nghĩa nói. Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng Ngân hàng Nhà nước thời gian tới chắc chắn sẽ có giải pháp cho vấn đề này nhất là cơ quan này đã mua được 4 tỉ đô la trong 6 tháng đầu năm.

Ngoài những yếu tố trên, báo cáo về kinh tế vĩ mô do Công ty chứng khoán Rồng Việt đưa ra mới đây cho rằng tỷ giá đã ổn định từ tháng 4 nay, nhưng giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 là giai đoạn thị trường vàng quốc tế tương đối bình ổn, đặc biệt là từ tháng 5 đến tháng 6 khi mà giá vàng quốc tế đi vào xu thế giảm ngắn hạn từ đỉnh 1.575 đô la Mỹ/ounce về trở lại khu vực dưới 1.500 đô la/ounce. Vì vậy, có nhiều nguyên nhân khiến nhu cầu tích trữ vàng và ngoại tệ hạ nhiệt trong tháng 4 đến tháng 6 chứ không chỉ có tác động từ các chính sách kiểm soát thị trường vàng và chống đô la hóa.

Nếu giá vàng quốc tế lại tăng nhanh trở lại (hiện tại đã vượt mốc 1.600 USD/ounce) do tác động bất ổn từ các cuộc khủng hoảng nợ công và khi vàng đi vào mùa thường có biến động tăng giá (bắt đầu từ tháng 9 hàng năm) thì nhu cầu găm giữ vàng và ngoại tệ lại có thể tăng trở lại. Khi đó, sức ép lên tỷ giá có thể tiếp tục căng thẳng. “Nếu cùng thời điểm này mà nhu cầu đô la Mỹ cho thanh toán quốc tế và trả nợ cùng tăng thì đây sẽ là thử thách mới vào dịp cuối năm đối với mặt bằng tỷ giá hiện tại của Việt Nam”.

Đối với điều hành tỷ giá xét trong dài hạn, theo Công ty Rồng Việt, Chính phủ sẽ đứng trước một thách thức là phải nhanh chóng giảm nhập siêu vào nền kinh tế để tránh phải phụ thuộc lớn vào nguồn vốn bên ngoài nhằm tài trợ cho các thâm hụt vãng lai của mình. “Nếu không thành công, nghĩa là nhập siêu vẫn lớn mà FDI sụt giảm nhiều, khó tránh khỏi việc Việt Nam sẽ phải tiếp tục đi vay nợ quốc tế để tài trợ cho cán cân vãng lai của mình, và đẩy mức nợ công của Việt Nam khỏi mức an toàn”, Rồng Việt nói.

Các chuyên gia và tổ chức nước ngoài gần đây cũng tỏ ra quan ngại về rủi ro tỷ giá của Việt Nam thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới