Thứ Hai, 16/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Rừng ngập mặn giúp giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Rừng ngập mặn giúp giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Ngọc Hùng

Một góc rừng ngập mặn Cần Giờ, TPHCM – Ảnh: Ngọc Hùng

(TBKTSG Online) – Giải pháp để giúp Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh ĐBSCL đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng là phát triển hệ thống rừng ngập mặn tại các tỉnh, thành ven biển.

Đây là ý kiến được đưa ra trong 43 báo cáo khoa học của hơn 100 nhà khoa học tại hội thảo quốc gia “Phục hồi và quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn trong bối cảnh biến đổi khí hậu” do Ban nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn (MERD), Tổ chức hành động phục hồi rừng ngập mặn (Nhật Bản), Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ (TPHCM) và Viện khoa học và công nghệ Phương Nam phối hợp tổ chức trong 3 ngày từ 23 đến 25-11 tại TPHCM.

Theo tiến sĩ Hoàng Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES), Đại học Quốc gia Hà Nội, rừng ngập mặn có tác dụng chắn sóng, chống xói mòn bờ biển và giữ lại các chất phù sa nên nâng cao được thềm lục địa tại thềm lục địa ven biển, nó tạo thành một bờ bao tự nhiên ngăn chặn nước biển dâng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

“Những ưu điểm nói trên là cơ sở để chúng ta tin rằng, rừng ngập mặn được xem là giải pháp giúp Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL giảm thiểu những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”, ông Thắng khẳng định.

Ngoài ra, nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đại học Tài Nguyên và Môi trường (Hà Nội), chỉ ra rằng rừng ngập mặn còn có tác dụng như là một bể chứa khí cac-bo-nic (CO2) – đây là loại khí gây ra hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên. “Rừng ngập mặn 1 năm tuổi có thể hấp thụ 8 tấn CO­2 /héc ta/năm và khả năng hấp thụ của khí cac-bo-nic tăng theo độ tuổi của cây rừng”, bà Hạnh cho hay.

Trên khía cạnh kinh tế xã hội, nhiều đại biểu thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của các tỉnh cùng nhận định rằng, để giữ được rừng cần phải tạo được sinh kế cho người dân, cụ thể, làm sao nâng cao thu nhập cho người dân từ tài nguyên rừng thì mới hy vọng mở rộng và giữ được diện tích rừng ngập mặn trong tương lai.

Đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng cho biết, Sóc Trăng có có 5.000 héc ta rừng ngập mặn trải dài đến 72km bờ biển, và đây cũng là vùng sinh sống của người dân nghèo với gần 60% không biết chữ, họ thường là những người không có đất sản xuất nên dựa vào rừng để sống, do vậy, nếu không tạo được sinh kế cho người dân trong khu vực rừng ngập mặn thì rất khó bảo vệ được diện tích rừng.

“Hiện 70% diện tích trồng và bảo vệ rừng ngập mặn do người dân nhận về nhưng sinh kế từ rừng còn thấp nên xảy ra tình trạng người dân chặt phá rừng để nuôi trồng thủy sản”, ông này cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới