Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Rượu vang Ý gõ cửa thị trường Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Rượu vang Ý gõ cửa thị trường Việt Nam

Mỹ Huyền

(SGTT) – Nhiều hãng sản xuất rượu vang Ý đang tìm hiểu thị trường Việt Nam với mong muốn tìm thêm nhà phân phối, thu hút người tiêu dùng, đặc biệt trong phân khúc trung lưu.

Tự do thương mại nhìn từ cuộc chiến rượu vang

Rượu vang Ý gõ cửa thị trường Việt Nam
Khách thử rượu tại sự kiện “Borsa Vini Italiani 2018” diễn ra vào tuần qua. Ảnh: Mỹ Huyền

Sự kiện “Borsa Vini Italiani 2018” diễn ra vào tuần qua đã giới thiệu các loại rượu vang của 31 nhà sản xuất rượu vang đến từ 12 vùng làm rượu vang của Ý như Piedmont, Tuscany và Veneto, Apulia…

Đặc sản nổi tiếng của Ý

Đại diện Thương vụ Ý, ông Paolo Lemma, cho biết điểm chung của các loại rượu vang tại sự kiện này là quy trình sản xuất rượu vang nghiêm ngặt, được kiểm tra và chứng thực của chính phủ Ý.

Tại sự kiện, công ty Vigna Italiana mang tới 38 loại rượu vang từ 12 nhà sản xuất rượu vang của Ý. Sau sáu tháng bán hàng ở Việt Nam, công ty đã bán được khoảng 2.000 chai thuộc 2 nhãn hàng rượu. Còn hãng sản xuất rượu vang Caruso Minini ở vùng đảo Sicily của Ý cho hay trong các nhãn hàng rượu mang sang Việt Nam, có hai loại được giải rượu ngon cả ở châu Âu và châu Á là Nero d’Avola Riserva và Syah Riserva.

Dù có nhiều bí quyết trong quy trình để tạo nét độc đáo cho rượu vang, tuy nhiên theo chia sẻ của các nhà làm rượu vang Ý tại sự kiện, họ không giỏi lắm trong việc tiếp thị mà chủ yếu bán hàng dựa trên danh tiếng sẵn có. Để vào thị trường thế giới, họ vẫn lúng túng, chẳng hạn về cách tiếp thị, đáp ứng các thủ tục và cách để đưa rượu vang ra nước ngoài vẫn giữ được chất lượng trong quá trình vận chuyển. Các quy trình này lại càng phức tạp đối với các gia đình chỉ sản xuất rượu bằng các phương pháp thủ công.

Còn khó khăn khi tiếp cận thị trường Việt

Riêng ở thị trường Việt Nam, mỗi nhãn hàng rượu vang đều phải đăng ký mới đem vào bán được. Vì vậy, vai trò của phía trung gian sẽ giúp cho họ chỉ cần bán theo số lượng đơn hàng, việc nghiên cứu sở thích khách hàng, khả năng tiêu thụ đã có nhà nhập khẩu, nhà phân phối lo. Giá rượu vang được bán qua trung gian thường tốt hơn vì đã nương theo thị trường. Ngoài ra, một số doanh nghiệp rượu vang Ý vẫn mong muốn điều kiện pháp lý nhập khẩu rượu vào Việt Nam ít phức tạp hơn, thuế nhập khẩu được giảm xuống.

Nhà sản xuất rượu Fratelli Ponte ở vùng Piemont sau khi sang thị trường Nhật Bản một thời gian đã sản xuất rượu vang trắng Moscato D’Asti và hồng Spumante Rose từ hoa sen dành cho phụ nữ xứ Phù Tang. Ông Ponte, Giám đốc điều hành của công ty, cho hay nếu thị trường Việt Nam có tiềm năng thì vài năm nữa ông sẽ sản xuất rượu vang dành riêng cho người Việt. Tuy nhiên, hiện nay giá thành sản xuất bằng quy trình thủ công quá cao.

Theo ông Paolo, khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (FTA) được thực thi thì ở Việt Nam giá rượu vang Ý sẽ giảm nhờ việc cắt giảm thuế và mặt hàng này sẽ tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn. Hiện nay, rượu vang Ý đã chiếm được 11.2% thị trường vang tại Việt Nam, chủ yếu tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.

Ở khía cạnh khác, các nhà nhập khẩu trong nước vẫn còn chần chừ trong việc tiếp nhận các nhãn hiệu còn xa lạ, nhất là thực tế rượu vang vẫn chưa phổ biến với nhiều người tiêu dùng Việt Nam như thói quen uống bia. Vì vậy, nhà nước Ý đang có những hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của ngành rượu vang nước này làm quen với các thủ tục nhập khẩu rượu tại Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới