Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Rượu xấu, rượu tốt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Rượu xấu, rượu tốt

Quỳnh Thư

Minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Dù huyền thoại về uống rượu điều độ có lợi cho sức khỏe vẫn chưa hoàn toàn được giải mã, những nghiên cứu gần đây cho thấy điều đó không có gì chắc chắn.

Người xưa có câu: “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Ngày nay, có người cho rằng các bợm nhậu có thể vin vào đây nhằm biện minh cho những chầu nhậu thâu đêm suốt sáng của mình.

Nhậu li bì là một thói xấu đáng phê phán, điều này chẳng có gì phải bàn cãi. Thế nhưng, nhiều người vẫn cho rằng nếu mỗi ngày chỉ uống nhẹ nhàng vài ly thì thói quen uống rượu điều độ là tốt cho sức khỏe. Thậm chí người ta còn dẫn nhiều y văn thế giới để chứng minh cho nhận định này – uống rượu chừng mực rất tốt cho tim mạch, đẩy lùi bệnh tiểu đường và giúp tinh thần minh mẫn.

Có đúng là dùng thức uống có cồn chừng mực – đàn ông độ hai ly bia mỗi ngày, còn đàn bà một ly – thì có lợi cho sức khỏe?

Theo những gì cây bút Roni Caryn Rabin viết trên website của tờ New York Times đăng hôm thứ Ba tuần rồi thì khẳng định trên không có gì là chắc chắn, nếu không nói là ngược lại.

Các nhà khoa học phê phán luận điểm “uống điều độ” cho rằng không hề có mối quan hệ nhân quả nào giữa uống rượu chừng mực và vấn đề tuổi thọ. Có vẻ như uống rượu chừng mực chỉ là một thói quen của những người khỏe mạnh vẫn hay làm, chứ không phải uống rượu làm cho sức khỏe của họ tốt hơn.

TS. Kaye Middleton Fillmore, một nhà xã hội học làm việc tại Đại học California ở San Francisco, nay đã nghỉ hưu, là một trong những người chỉ trích thói quen uống rượu (dù có điều độ đi chăng nữa). Theo Fillmore: “Người uống rượu điều độ làm gì cũng điều độ. Thế cho nên, khó có thể tách rời những mối quan hệ chằng chịt đó”.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng họ bị ám ảnh bởi các sai lầm trong những công trình nghiên cứu về liệu pháp điều trị hoóc môn thay thế vốn được áp dụng trong một thời gian dài trong khi chỉ dựa trên các yếu tố quan sát được – giống như những gì người ta đã làm với nghiên cứu uống rượu điều độ. Ngoài ra, những người chỉ trích còn làm dấy lên mối nghi ngờ về quan hệ tài chính giữa ngành công nghiệp rượu bia với vô số trung tâm nghiên cứu hàn lâm vốn nhận tiền từ các công ty để tiến hành nghiên cứu.

Ngay cả những người ủng hộ “uống điều độ” nhiệt tình nhất cũng phải nói kèm thêm những cảnh báo nguy hiểm mà rượu có thể mang lại, chẳng hạn như ung thư vú, tai nạn (dù với lượng nhỏ), bệnh gan, tim, đột quỵ và các loại ung thư khác (khi uống nhiều).

Các tổ chức y tế đã đưa ra các thông điệp của mình rất cẩn trọng. Hội Tim Mỹ (American Heart Association) cho rằng người ta nên tránh uống rượu nhằm bảo vệ quả tim của chính mình. Cách đây mấy năm, bản hướng dẫn ăn uống đúng cách ở Mỹ viết rằng “chất uống có cồn có thể có lợi khi được sử dụng điều độ và chừng mực”.

Năm 1924, Raymond Pearl, một nhà sinh học thuộc Đại học Johns Hopkins, xuất bản một đồ thị có hình cong chữ U. Hai nhánh hai bên biểu thị tỷ lệ tử vong cao của bợm nhậu và dân “vô tửu”, còn tỷ lệ thấp ở giữa là những người uống điều độ. Hàng chục nghiên cứu có tính chất quan sát như vậy đã lặp lại cùng một kết luận, đặc biệt là với các bệnh tim mạch.

Tuy nhiên, các nghiên cứu so sánh người uống rượu điều độ với người không uống đã bị chỉ trích dữ dội trong những năm gần đây với các câu hỏi đại loại như: Những người không uống rượu trong nghiên cứu, họ là ai? Vì sao họ không uống? Có người nghi ngờ rằng nhóm người không uống rượu có thể bao gồm cả những người buộc phải bỏ rượu vì đã mắc bệnh tim. Người ta bỏ rượu còn vì tuổi tác. Vì lẽ đó, nhóm người không uống rượu được nghiên cứu có độ tuổi già hơn và dễ mắc bệnh hơn so với nhóm uống ít.

Năm 2006, ngay sau khi TS. Fillmore công bố phân tích của mình cho rằng đại đa số các công trình nghiên cứu về tác động của rượu là chuyện… tào lao, TS. Curtis Ellison, một nhà y học thuộc Đại học Boston, người tán dương tác dụng của rượu, đã tổ chức hội nghị về vấn đề này. Hội nghị đi đến kết luận đồng thuận rằng uống rượu điều độ “hoàn toàn có lợi cho sức khỏe”.

Nhưng hội nghị này, cũng như nhiều nghiên cứu của TS. Ellison, được tài trợ một phần từ ngành công nghiệp rượu bia. Ngoài ra, kết luận của hội nghị do TS. Ellison cùng chấp bút với Marjana Martinic, một trong những lãnh đạo của Trung tâm Quốc tế về chính sách rượu (International Center for Alcohol Policies), một tổ chức cũng do ngành rượu bia tài trợ.

Trong khi đó, hai vấn đề cốt lõi vẫn chưa được giải quyết. Đó là hai nhóm người – uống điều độ và không uống – có khác nhau về cơ bản hay không, và nếu họ có sự khác biệt, thì có phải chính sự khác biệt đó giúp họ sống lâu hơn chứ không phải là rượu hay bia.

TS. Naimi, thuộc tổ chức C.D.C., đã thực hiện một nghiên cứu về đặc điểm của nhóm uống điều độ và nhóm không uống cho rằng hai nhóm khác biệt nhau đến nỗi khó lòng so sánh họ. Nhóm uống điều độ có sức khỏe tốt hơn, giàu có hơn, học cao hơn. Họ cũng có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn, dù có khuynh hướng hút thuốc nhiều hơn.

Đọc đến đây, bạn theo ai, Fillmore hay Ellison?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới