Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Rút đăng cai ASIAD 18 – Chỉ đơn giản thế thôi sao?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Rút đăng cai ASIAD 18 – Chỉ đơn giản thế thôi sao?

Phan Minh Ngọc

Rút đăng cai ASIAD 18 – Chỉ đơn giản thế thôi sao?
Ông Hoàng Vĩnh Giang (thứ hai từ phải sang) là người chấp bút đề án xin đăng cai ASIAD 18. Ảnh baodongnai.com.vn

(TBKTSG Online) – Thủ tướng đã quyết định Việt Nam rút đăng cai ASIAD 18 và sẽ xin đăng cai tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất châu lục này vào một thời điểm khác. Dư luận thở phào vì Việt Nam đã không phải đối mặt với những khoản kinh phí khổng lồ tổ chức sự kiện trong bối cảnh “thiếu trước hụt sau”, mà quan trọng hơn là lợi ích kinh tế xã hội thu được từ sự kiện này không có gì là đảm bảo xứng với số tiền bỏ ra. Câu chuyện như vậy được cho là đã khép lại phù hợp với ý nguyện của số đông, dù có thể Việt Nam sẽ phải chịu nộp phạt cho hành động này.

Nhưng từ góc độ của người dân nộp thuế, câu chuyện trên và cùng với rất nhiều câu chuyện khác liên quan đến trách nhiệm của những người sử dụng tiền thuế của dân không nên và không thể để cho kết thúc một cách nhẹ nhàng, êm xuôi như vậy được.

Lật lại vụ đăng cai ASIAD 18. Điều có thể khẳng định được ngay là việc quyết định xin đăng cai của Việt Nam không thể chỉ là quyết định của Ủy ban Olympic Việt Nam, thậm chí là của Bộ Văn hóa, Thể thao, và Du lịch. Đơn giản là vì một mình Ủy ban này hay Bộ này không thể có thẩm quyền tổ chức sự kiện và thu xếp đủ tài chính cần thiết cho sự kiện này (nếu được chọn đăng cai), nếu không có sự “bật đèn xanh” hay một sự đồng ý về nguyên tắc từ cấp có thẩm quyền cao hơn. Cấp cao hơn này là ai thì dư luận không được rõ nhưng chắc cũng đoán ra được.

Nay lý do xin rút đăng cai ASIAD 18 đã được công bố, với những khó khăn và rủi ro nghe ra cũng là điều hợp lý. Nhưng điều đáng nói là tại sao những người có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đăng cai ASIAD 18 lại “không nghĩ ra”, không lường trước những khó khăn, rủi ro liên quan đến việc đăng cai này? Có hai khả năng liên quan xảy ra ở đây.

Thứ nhất là những người có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đăng cai tin vào con số 150 triệu đô la Mỹ, là con số kinh phí dự trù cần thiết cho việc đăng cai do cấp dưới trình lên, và được coi là con số đầu tư trong khả năng và có thể chấp nhận được. Nếu đúng vậy thì có thể coi đây là một sự “ngây thơ” không thể tha thứ được đối với người lãnh đạo liên đới. Như dư luận đã chỉ ra, chỉ cần bỏ chút thời gian tìm tòi trên internet (hoặc giao cho cấp dưới tìm hiểu, nếu mình “bận bịu” quá) là đủ để người ta biết tổ chức một sự kiện tầm cỡ khu vực như vậy tốn kém và là gánh nặng cho nhiều nước đăng cai trước đây như thế nào. Và bản thân những nhà lãnh đạo như vậy với kinh nghiệm thực tiễn của mình cũng thừa biết các dự án đầu tư công ở Việt Nam thông thường sẽ “đội” chi phí lên như thế nào, bất chấp các đánh giá khả thi và dự toán ban đầu có “chặt chẽ” đến đâu. Nếu không làm được như vậy thì những người lãnh đạo này cần phải chịu trách nhiệm trước những người dân nộp thuế vì đã vô trách nhiệm, đã không đủ năng lực để điều hành lĩnh vực của mình.

Bây giờ, việc chính thức công bố rút đăng cai là gián tiếp thừa nhận rằng kinh phí dự trù cho sự kiện này không thể chỉ là 150 triệu đô la, mà còn có thể hơn thế nhiều, rất nhiều, quá sức kham nổi của Việt Nam nên mới phải “muối mặt” xin rút, để lại không những hậu quả về khoản tiền nộp phạt (có thể có) mà còn là sự sứt mẻ thêm về uy tín của Việt Nam với tư cách là một quốc gia. Bởi vậy, việc đăng cai rồi xin rút ra như vậy không thể được coi như là một việc thích thì làm, không thì thôi, mà phải quy trách nhiệm cho những người liên đới. Với cấp xây dựng kinh phí dự toán, cần phải quy trách nhiệm về năng lực dự toán yếu kém, hoặc nặng hơn là sự cố tình gian dối (đưa ra mức thấp hơn) để được thông qua. Đối với cấp thẩm quyền phê duyệt cuối cùng, sai sót này không thể chỉ coi là trách nhiệm chính trị hay trách nhiệm tập thể, thậm chí là trách nhiệm của… toàn dân là xong.

Khả năng thứ hai xảy ra là những người có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đăng cai thừa biết và lường trước mọi chuyện (ví dụ, con số kinh phí 150 triệu đô la là quá thấp), nhưng vẫn cố tình ký phê duyệt chủ trương đăng cai sự kiện. Nếu vậy thì rõ ràng những người này không nên và không thể ngồi yên ổn ở cái ghế hiện tại vì những lý do hiển nhiên.

Tóm lại, dù có là khả năng nào trong hai khả năng trên chăng nữa thì cần phải công khai trách nhiệm và xử lý kỷ luật với những cấp và người có liên quan đến việc xin rút đăng cai ASIAD 18, chứ không thể để vụ việc trôi qua một cách nhẹ hều như vậy được.

Nhìn rộng ra, vụ việc này cũng chỉ là một trong vô số những vụ việc liên quan đến các quyết định và dự án chi tiêu công của nhà nước sử dụng tiền thuế của dân một cách hết sức lãng phí và vô trách nhiệm, để rồi “hòa cả làng”, không một ai chịu trách nhiệm (thậm chí là quy cho toàn dân chịu trách nhiệm), khi hậu quả đổ vỡ, thua lỗ nổ ra. Do đó, nếu muốn thực hiện được những việc lớn trong nền kinh tế như cải cách, tái cơ cấu, tăng hiệu quả nền kinh tế vân vân và vân vân thì hãy bắt đầu từ những vấn đề “nhỏ nhặt” như thế này đã!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới