Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Rút lại bài báo khoa học

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Rút lại bài báo khoa học

Nguyễn Văn Tuấn

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Khác với báo chí phổ thông, các tập san khoa học rút lại bài báo đã đăng phải công bố lý do. Sự việc bài báo khoa học bị rút lại từng xảy ra trong hoạt động khoa học tuy với tần số thấp, nhưng đang có xu hướng gia tăng.

Rút bài báo: Thất bại của nhà khoa học và cả của tập san

Nếu một nhà báo cảm thấy đau lòng khi bài viết của mình bị rút lại, thì trong giới khoa học, sự đau lòng đó còn gấp bội lần. Thật vậy, với nhà khoa học, việc phải rút lại một bài báo khoa học đã được công bố trên một tập san đồng nghĩa với tuyên bố rằng những gì đã trình bày trong bài báo không đáng tin cậy, sai sót. Rút lại bài báo cũng thể hiện một phần sự thất bại trong khoa học. Bài báo bị rút lại vì lý do vi phạm đạo đức khoa học (như đạo văn hay sao chép kết quả của người khác) còn là một vết nhơ trong sự nghiệp của một nhà khoa học.

Không chỉ nhà khoa học, cộng đồng khoa học cũng bị ảnh hưởng bởi công chúng đặt dấu hỏi về độ tin cậy của khoa học. Tập san khoa học phải chịu trách nhiệm một phần, vì sự thất bại trong quy trình bình duyệt (peer review), vì đi đến quyết định sai cho công bố bài báo, hay vì hấp tấp chạy theo những chủ đề giật gân, thời thượng.

Thật vậy, phần lớn những bài báo khoa học bị rút lại là những nghiên cứu liên quan đến đề tài “nóng” hiện hành. Những nghiên cứu này dễ được công bố (và công bố nhanh hơn) những nghiên cứu nghiêm chỉnh.

Mới đây, tập san Science (Mỹ) ra thông báo rút lại hai bài báo đã công bố trước đây. Một trong hai bài báo đó có liên quan đến một đề tài rất thời sự: dùng gen để tiên đoán tuổi thọ. Công trình do một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Boston (Mỹ) thực hiện, họ tin rằng đã khám phá một số gen có thể giúp tiên lượng ai có khả năng thọ lâu, với độ chính xác lên đến 77%!

Theo thông lệ, công trình sau khi được công bố đã được các đồng nghiệp săm soi kỹ. Chỉ chưa đầy một tuần sau khi công bố, nhiều nhà khoa học chỉ ra một sai lầm quan trọng trong công trình nghiên cứu này. Đến bây giờ thì không phải phát hiện của công trình nghiên cứu, mà chính là sai lầm của công trình nghiên cứu đã trở thành một đề tài thời sự.

Bất kể đẳng cấp của nhà khoa học hay của tập san!

Hiện tượng rút lại bài báo khoa học xảy ra tương đối hiếm, nhưng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Riêng ngành y sinh học trong thời gian 1966-1997 (30 năm), có 235 bài bị rút lại trong số gần 9 triệu bài công bố (tức cứ 100.000 bài có khoảng 3 bài bị rút lại). Năm 2008, có 95 bài báo khoa học bị rút lại trong số 1,4 triệu bài báo công bố (tức cứ 100.000 bài công bố, có khoảng 7 bài bị rút lại). Trong thực tế, không ai biết bao nhiêu bài báo khoa học sai và đáng lẽ nên bị rút lại, vì những trường hợp bị rút lại chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm.

Tập san càng nổi tiếng, số bài báo bị rút càng nhiều. Theo thống kê, số bài báo từ 4 tập san danh tiếng Nature, Science, PNAS và Cell bị rút lại chiếm 18% tổng số bài báo bị rút xuống. Thông thường những tập san này từ chối từ 95-99% số bài báo khoa học nộp cho họ. Dù với hệ thống bình duyệt gắt gao và chặt chẽ như thế, nhưng tại sao số bài báo bị rút xuống từ những tập san này lại cao? Câu trả lời là do các tập san có khi hấp tấp với những đề tài thời thượng để lôi kéo sự chú ý của công chúng.

Có vài trường hợp cá biệt với tác giả có hàng chục bài báo bị rút lại. Chẳng hạn như năm ngoái, một giáo sư bị buộc phải rút lại 21 bài báo, vì ngụy tạo dữ liệu. Đó là trường hợp của GS. Scott S. Reuben, một chuyên gia và Giám đốc bộ môn gây mê của Trung tâm Y khoa Baystate (bang Illinois, Mỹ) và là một “ngôi sao” trong chuyên ngành gây mê. Ông đã có đến 72 công trình nghiên cứu khoa học trên các tập san y khoa hàng đầu trong ngành gây mê như Anesthesiology, Anesthesia and Analgesia, Journal of Clinical Anesthesia…

Nhưng sau này người ta phát hiện rằng trong 21 bài, ông chẳng làm nghiên cứu gì cả mà giả tạo dữ liệu theo giả thuyết của mình để công bố! Chẳng những ngụy tạo dữ liệu, GS. Reuben còn ngụy tạo cả… tác giả. GS. Evan Ekman (chuyên gia phẫu thuật chấn thương chỉnh hình ở Columbia) cho biết tên của ông xuất hiện trong hai bài báo của Reuben, nhưng ông Ekman chẳng biết gì cả! Thật là hi hữu! Giới khoa học xem đây là một trường hợp gian lận khoa học lớn nhất trong lịch sử y khoa Mỹ, một Madoff trong y khoa.

Những tác giả có bài bị rút không chỉ là những cá nhân đẳng cấp thấp trong khoa học mà còn có những người từng được giải Nobel. Mới vài tuần trước đây, tập san Science rút lại một bài báo công bố vào năm 2006, và tập san Proceedings of the National Academy of the Sciences (PNAS) rút lại một bài báo đăng vào năm 2005. Cả hai bài đều thuộc nhóm của bà Linda Buck, người được trao giải Nobel y sinh học năm 2004 vì những đóng góp trong nghiên cứu về khứu giác. Lý do các tập san quyết định rút lại bài báo là vì bà không thể lặp lại những phát hiện chính được mô tả trong bài báo do postdoc (nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ) của bà thực hiện, và một bài báo khác bị rút lại vì một vài số liệu trong biểu đồ không ăn khớp với dữ liệu công bố.

Hệ quả nặng nề và vận hành tất yếu của khoa học

Tác giả bài báo bị rút bị ảnh hưởng uy tín khoa học, có khi bị thôi việc, có trường hợp phải lãnh hình phạt nặng nề. Eric Poehlman là cựu giáo sư y khoa của trường Đại học Vermont (Mỹ), chuyên nghiên cứu béo phì. Với hơn 200 bài báo khoa học trên các tập san y khoa quốc tế, ông là một “sao” lớn trong môi trường y khoa. Thế nhưng ông bị phát hiện 10 công trình khoa học và bài giảng trong các hội nghị từ năm 1992-2002 dựa vào số liệu do ông giả tạo để phù hợp với lý thuyết của mình.

Năm 1995, trong một hội nghị y khoa, Poehlman trình bày dữ liệu mà ông báo cáo là thu thập từ một nghiên cứu đánh giá các đặc điểm về chuyển hóa năng lượng ở phụ nữ trong thời gian trước và sau mãn kinh. Nhưng trong thực tế, Poehlman chỉ theo dõi một bệnh nhân duy nhất, phần còn lại là ông giả tạo số liệu một cách tài tình. Kỹ thuật giả tạo số liệu của ông (bằng kỹ thuật mô phỏng) qua mặt cả ba chuyên gia bình duyệt, và một nhà thống kê học.

Chẳng những thế, Poehlman còn ngụy tạo số liệu mà ông cho là “nghiên cứu sơ bộ” để thu hút tài trợ đến gần 3 triệu đô la Mỹ từ NIH, cơ quan tài trợ cho phần lớn nghiên cứu y khoa ở Mỹ. Sau nhiều năm điều tra, trường đại học quyết định sa thải Poehlman và Nha liêm chính trong nghiên cứu (ORI) truy tố ông ra tòa. Ngày 28-6-2006, Poehlman bị tòa xử phạt một năm tù và phải hoàn trả cho nhà nước 542.000 đô la Mỹ. Đây là trường hợp nghiêm trọng nhất và lần đầu tiên trong lịch sử khoa học Mỹ một giáo sư gian lận trong khoa học phải ngồi tù.

Việc rút lại những bài báo một cách đồng loạt như thế làm nhiều người đặt dấu hỏi: Tại sao các chuyên gia bình duyệt để cho những công trình như thế “lọt lưới”? Tại sao những bất cập và bất bình thường trong số liệu không được phát hiện sớm hơn? Khi những câu hỏi này được đặt ra cho các ban biên tập, thì họ trả lời rằng đòi hỏi các chuyên gia phải biết hết và kiểm tra tất cả là một chuyện không tưởng. Nếu một nhà nghiên cứu đã cố ý sửa một con số thì làm sao các chuyên gia bình duyệt phát hiện được?

Vận hành của khoa học dựa vào sự tin tưởng và điều chỉnh. Ban biên tập đặt niềm tin vào các giáo sư, giáo sư tin vào cộng sự của mình, và cộng sự tin vào phụ tá nghiên cứu. Đạo đức khoa học là nền tảng của sự tin tưởng. Làm khoa học là phải có đạo đức, và đạo đức là hành trang đầu đời của nhà khoa học. Khoa học cũng mang tính tự chỉnh. Khi một công trình nghiên cứu đã công bố, thì cộng đồng khoa học săm soi, kiểm tra, và nếu có vấn đề thì sẽ chỉnh sửa. Do đó, dù có vài trường hợp rút lại bài báo trong thời gian gần đây, nhưng điều đó không có nghĩa là hệ thống bình duyệt đã hư hỏng, mà những sự kiện đó chính là một quy trình tất yếu của khoa học.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới