Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sách vi phạm thuần phong mỹ tục: phạt cũng… bí mật!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sách vi phạm thuần phong mỹ tục: phạt cũng… bí mật!

Nguyễn An Sa

Sách vi phạm thuần phong mỹ tục:  phạt cũng... bí mật!
Khó lượng hóa thế nào là "phá hoại thuần phong mỹ tục" nên những sách bị cấm vì tội này thường rơi vào trường hợp nhạy cảm, gây sốc. Ảnh: Nguyễn An Sa

(TBKTSG Online) – Thỉnh thoảng đời sống xuất bản lại xôn xao về một đầu sách bị cấm lưu hành vì “trái thuần phong mỹ tục”. Những đầu sách bị phạt vì tội này tha hồ bán chạy trong thế giới chợ đen. Vì sao vậy? Thực hư tội ấy như thế nào? Cách luận tội hiện nay ra sao?

Có một cuộc trao đổi nhỏ tại TP.HCM giữa bà Quách Thu Nguyệt, nguyên giám đốc NXB Trẻ, và ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó cục trưởng Cục Xuất bản, về vấn đề trên trong chương trình Sofa do Nhã Nam tổ chức tuần qua.

Không thể lượng hóa

Cần phải nhắc lại, trong Luật Xuất bản 2012 của Việt Nam có khoản 1b, điều 10 quy định “Những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản” với những cuốn sách: “Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục.”

Vậy thế nào là “phá hoại thuần phong mỹ tục”? Có những “gạch đầu dòng” cụ thể nào chăng?

Trên thực tế, Luật Xuất bản đã không lượng hóa danh mục tội này nên từng xảy ra không ít trường hợp việc “ra tay” của cơ quan chức năng (thường là Cục xuất bản) thiếu lý tính và thuyết phục; có những trường hợp trống đánh xuôi kèn thổi ngược giữa tổ chức chuyên môn và quản lý, hay giữa các cơ quan quản lý với nhau.

“Nói thuần phong mỹ tục là một khái niệm mênh mông, nhưng tôi có nghiên cứu luật, rồi tra từ điển, thì thấy được định nghĩa khá là đơn giản: đó là phong tục tập quán lành mạnh của dân tộc. Vậy mà đó là một trong 4 nội dung, 6 hành vi nằm trong điều 10 của Luật xuất bản mà mỗi người làm xuất bản sách phải thuộc nằm lòng”, bà Quách Thu Nguyệt nói.

Bà cũng chia sẻ rằng, giáo trình xuất bản ở các nước có nền xuất bản phát triển, thì người ta không có quy phạm “phá hoại thuần phong mỹ tục”, mà chỉ lưu ý cụ thể vào bốn điểm: không vu khống, thóa mạ cá nhân, tổ chức; không xúc phạm đời tư; tránh nội dung kích dục, dâm ô, tục tĩu và vấn đề đạo đức cầm bút, tôn trọng bản quyền, tác quyền…

“Vậy ở ta, nói thuần phong mỹ tục” là nói tới đạo đức hay diễn giải đạo đức. Vì không được lượng hóa cụ thể, nên có những trường hợp cụ thể khi xảy ra, giới chuyên môn học thuật vẫn còn tranh cãi gay gắt”, bà Nguyệt cho biết.

Trong khi đó, đứng ở góc độ quản lý ở Cục Xuất bản – nơi có thể trao quyền sinh quyền sát về một cuốn sách  ngay cả khi nó đã được cấp phép lưu hành trên thị trường – ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng: “Ở mỗi lĩnh vực có một đặc thù khác nhau. Với điện ảnh, biểu diễn, tội “phá hoại thuần phong mỹ tục” dễ nhận thấy, còn văn học, vì tính đa nghĩa của ngôn từ, đôi khi khó xử lý”. Ông cũng dẫn trường hợp tác phẩm Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu và Sợi xích của Lê Kiều Như, cơ quan quản lý đã thổi còi nhưng trong dư luận lại có nhiều ý kiến trái chiều, trên thị trường, chúng vẫn có đời sống riêng. Ông cũng thừa nhận dù cơ quan chức năng đã xử lý cấm phát hành nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi và nhất là sách vẫn thỉnh thoảng thấy bán.

Xem điều khoản quy định trên là một cách làm trong sạch nội dung xuất bản phẩm nhưng đồng thời nhà quản lý cũng thừa nhận không thể lượng hóa được khái niệm “phá hoại thuần phong mỹ tục” gồm những yếu tố gì cấu thành để xử lý một cách lý tính và thuyết phục tuyệt đối.

Mờ mịt đúng, sai

“Làn ranh giữa đúng và sai trong quy phạm thuần phong mỹ tục là khó, rất khó xác định. Chúng ta chỉ có thể nói rằng, đâu là chuẩn giá trị cốt lõi mà di sản văn hóa tạo ra, cộng đồng chấp nhận và tôn trọng. Văn hóa có sự tiếp biến, chuyển đổi theo thời gian, nhưng có những điều xấu tác động tới cộng đồng thì chúng ta phải tránh”, bà Nguyệt nói.

Hiện nay, một cuốn sách được xử lý về tội “phá hoại thuần phong mỹ tục” thường có hai cấp độ: nhà xuất bản tự lập hội đồng thẩm định lại và cục xuất bản lập hội đồng xác định. Chính vì không thể có những chi tiết mang tính lượng hóa và thiếu sự đóng góp của giới chuyên môn, nên hãy còn nhiều bất cập. Cũng đã có những cuốn sách bị cấm nhưng không thuyết phục về chuyên môn, mệnh lệnh hành chính không thỏa mãn các bên liên quan làm ra cuốn sách – đó là nhà xuất bản và người viết.

Trong khi ông Bảo cho rằng việc ra lệnh cấm một cuốn sách vì tội “phá hoại thuần phong mỹ tục” thường gây hiệu ứng ngược: càng cấm dư luận càng sôi sục tìm đọc, cho nên phải ra những lệnh cấm “âm thầm” tác động trực tiếp nhà xuất bản thu hồi hay ngưng xuất bản, thì bà Quách Thu Nguyệt đứng ở góc độ một người làm xuất bản cho rằng cần công bố công khai để dư luận được biết, tham gia ý kiến, trao đổi. Cần có cơ chế minh bạch thông tin sau mỗi cuốn sách bị cấm lưu hành vì tội “phá hoại thuần phong mỹ tục” để dư luận và nhà xuất bản là nơi làm ra cuốn sách có thể trao đổi, không nên có những lệnh cấm mang tính “xử lý nội bộ” từ Cục xuất bản âm thầm gửi xuống nhà xuất bản bắt thi hành thu hồi hay cấm tái bản.

“Tôi nghĩ Cục xuất bản khi lập hồi đồng thẩm định lại, cần có đầu tư chuyên môn lĩnh vực cao hơn để đảm bảo tính thuyết phục, vì điều này liên quan đến giá trị tác phẩm, danh dự tác giả và uy tín nhà xuất bản”, bà Nguyệt nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới