Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sacombank ‘dọn’ nợ xấu nhanh hơn kỳ vọng, riêng KCN Phong Phú vẫn phải chờ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sacombank ‘dọn’ nợ xấu nhanh hơn kỳ vọng, riêng KCN Phong Phú vẫn phải chờ

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Covid-19 dường như chưa gây ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh trong năm tháng đầu năm nay của Ngân hàng Sacombank. Và việc xử lý nợ xấu đang diễn biến nhanh hơn sự kỳ vọng của ban lãnh đạo ngân hàng này.

Sacombank ‘dọn’ nợ xấu nhanh hơn kỳ vọng, riêng KCN Phong Phú vẫn phải chờ
Do dịch Covid-19, đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay của Sacombank được tổ chức trực tuyến. Ảnh: V.D.

Kết quả năm tháng khả quan

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2019 của Sacombank, các số liệu về xử lý nợ xấu của ngân hàng được ban lãnh đạo cập nhật đến cổ đông.

Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank, kế hoạch xử lý nợ xấu trong năm đạt ra 11.000 tỉ đồng, vì tình hình dịch bệnh phức tạp, các nhà đầu tư, đối tác đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, chỉ trong năm tháng đầu năm nay, doanh số đấu giá mua nợ đã đạt trên 9.700 tỉ đồng, trong đó thực thu tiền mặt là khoảng 1.800 tỉ đồng.

“Từ giờ đến cuối năm ngân hàng sẽ tăng cường thu khoản tiền mặt còn lại. Trong bảy tháng còn lại, kết quả xử lý nợ sẽ vượt xa so với kỳ vọng”, bà Diễm cho biết.

Bên cạnh đó, đại diện Sacombank cũng thông tin thêm về tình hình đấu giá khu công nghiệp (KCN) Phong Phú sau khi một cổ đông đặt câu hỏi. Theo đó, KCN Phong Phú được đem đấu giá nguyên hiện trạng bốn lần, từ mức giá trên 9.000 tỉ đồng đã giảm dần về mức 6.600 tỉ đồng.

Sacombank cho biết hiện chủ đầu tư vẫn hợp tác xử lý tài sản, nhưng tài sản này còn vướng các thủ tục pháp lý. Hiện Sacombank đã gửi đến cơ quan hữu quan bản báo cáo giải trình và sẽ tiếp tục việc đấu giá nếu được chấp thuận, đại diện ngân hàng nói. Vào năm ngoái, UBND TPHCM đã chỉ đạo ngừng đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian thanh tra toàn diện dự án này.

Theo bản báo cáo của HĐQT, một trong những hoạt động quan trọng của ngân hàng trong năm qua là tăng cường kiểm soát nợ, ngăn ngừa khả năng phát sinh rủi ro nợ xấu và xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng sau khi hoàn tất các vụ sáp nhập.

Kết quả trong năm 2019 (năm thứ 3 thực hiện đề án tái cơ cấu),  tổng doanh số thu hồi và xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng là hơn 18.400 tỉ đồng, trong đó thuộc đề án 12.409 tỉ đồng. Lũy kế ba năm qua, Sacombank đã thu hồi và xử lý được 38.346 tỉ đồng các khoản nợ thuộc đề án.

Bên cạnh đó, theo ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, kết quả kinh doanh trong năm tháng đầu năm 2020 cao hơn so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu huy động vốn và tín dụng tăng trên dưới 5%.

Theo báo cáo của Ban điều hành, kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay đạt 2.573 tỉ đồng, dư nợ tín dụng đạt 329.400 tỉ đồng, tăng 11%, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Kế hoạch này thấp hơn mức thấp hiện năm ngoái mà theo một đại diện của Sacombank đó là do Covid-19. Hiện ngân hàng đang ghi nhận nhu cầu xin miễn giảm lãi lên đến 25.000 tỉ đồng, nên chỉ cần giảm 1-2% thì lợi nhuận giảm, phần này không đưa vào lãi dự thu mà thoái luôn nên con số giảm sẽ đáng kể.

Cổ tức vẫn nóng nghị trường

Trong kỳ đại hội cổ đông thường niên lần này, nhiều cổ đông tiếp tục chia sẻ về vấn đề cổ tức như mọi năm, tiếp tục đề xuất chia cổ tức. Theo đề án tái cơ cấu đến năm 2025, Sacombank chỉ được chi trả cổ tức khi NHNN chấp thuận.

Theo ông Minh, HĐQT trong năm ngoái đã kiến nghị NHNN thuận theo phương án lợi nhuận giữ lại, trên cơ sở đảm bảo việc trích lập dự phòng theo đề án tái cơ cấu, tuy nhiên đến nay ngân hàng vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi. Theo sự góp ý của cổ đông, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị lên cơ quan quản lý trong thời gian tới.

Đây là lần đầu tiên một ngân hàng tổ chức đại hội cổ đông thường niên trực tuyến. Kết quả chung là các tờ trình đều được thông qua, dù có một số bất tiện khi họp trực tuyến.

Năm 2019, Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 3.217 tỉ đồng, tăng 43,2%, còn lợi nhuận sau thuế đạt 2.455 tỉ đồng, tăng 37,1%. Còn tổng dư nợ đạt 296.030 tỉ đồng, tăng 15,3%, trong đó cho vay khách hàng tăng 15,4%, đúng với hạn mức tăng trưởng được cho phép. Tỷ lệ nợ xấu đạt 1,9% (giảm 0,22 điểm phần trăm so với cùng kỳ). ROA và ROE Bình quân lần lượt đạt 0,57% và 9,56%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới