Samsung bị điều tra
![]() |
Luật sư Kim Yong-chul tố cáo tập đoàn Samsung trước báo chí. |
(SGTO) – Vụ tai tiếng hối lộ của tập đoàn Samsung (Hàn quốc) đột ngột nghiêm trọng khi Viện Kiểm sát nước này mở cuộc điều tra chính thức những lời tố cáo chủ tịch tập đoàn Samsung điều hành một chương trình khổng lồ chuyên hối lộ và chuyển ngân bất hợp pháp.
Cuộc điều tra tập trung vào ba hướng chính: gầy dựng quỹ đen, hối lộ các quan chức chính phủ, các kiểm sát viên, và nỗ lực bất hợp pháp của chủ tịch tập đoàn – ông Lee Kun Hee – để con trai ông nắm quyền kiểm soát tập đoàn Samsung. Kim Kyong Soo, phát ngôn viên Viện Kiểm sát, cho biết Viện cũng sẽ điều tra các kiểm sát viên thuộc quyền bị tố cáo nhận hối lộ của Samsung. “Chúng tôi sẵn sàng phơi bày sự thật thông qua một cuộc điều tra thấu đáo, công bằng và nghiêm khắc”, ông Kim nói.
Trước đây Samsung đã từng bị điều tra và một số cán bộ quản lý cao cấp bị buộc tội giúp đỡ bất hợp pháp cho Lee Jae Yong – con trai ông chủ tịch – nắm quyền kiểm soát Samsung. Nhưng gia đình ông chủ tịch vẫn vô can. Điều đó khiến dư luận nghĩ rằng Samsung có một mạng lưới rộng khắp chuyên hối lộ và gây ảnh hưởng trong giới quan chức chính phủ, ngành tòa án, truyền thông báo chí… khiến gia đình ông Lee trở nên “bất khả xâm phạm”.
Lần này Samsung phải đối mặt với những tố cáo của một nhân vật khá nặng ký: chính cựu luật sư trưởng của tập đoàn tiết lộ rằng ông ta từng thay mặt chủ tịch Lee và Samsung để đưa hối lộ, tạo dựng các chứng cứ tại tòa án. Luật sư Kim Yong-chul (ảnh) từng là một kiểm sát viên tham gia làm luật sư cơ hữu của Samsung trong 7 năm, cho đến năm 2004, vừa thú nhận trước báo chí những hành vi vi phạm pháp luật của tập đoàn mà bản thân ông ta có tham gia. “Tôi không có ý định né tránh sự trừng phạt vì những gì mình đã thực hiện. Tôi chỉ muốn giúp phơi bày những hành động phạm pháp của Samsung từng gây ra ảnh hưởng cực kỳ to lớn cho toàn xã hội”, ông Kim nói.
Lời tố cáo của ông Kim cũng làm người dân Hàn quốc sửng sốt. Mọi người đều tự hào về Samsung – tập đoàn đã vượt qua các đối thủ cạnh tranh khổng lồ của Nhật để trở thành một trong các thương hiệu uy tín trên toàn cầu trong các lĩnh vực như bộ nhớ máy tính, điện thoại di động và màn hình tinh thể lỏng. Nhưng trong những năm gần đây, nhiều vụ tai tiếng liên quan tới các hành vi mờ ám của các đại công ty như Daewoo, Hyundai và bây giờ là Samsung đã khiến người Hàn quốc lo ngại về tình trạng thiếu minh bạch trong guồng máy lãnh đạo kinh tế của đất nước.
Trong hồ sơ tố cáo nộp cho Viện Kiểm sát Hàn quốc thứ Ba vừa qua, luật sư Kim nói rằng chủ tịch Lee và các cố vấn cao cấp nhất của ông ta đã ra lệnh chuyển ngân bất hợp pháp để giúp cho con ông chủ tịch mua lại cổ phần của Samsung tại các công ty con trong tập đoàn với giá rất rẻ. Khi Viện Kiểm sát điều tra các vụ chuyển ngân này năm 2003, luật sư Kim và bộ phận pháp lý của Samsung đã đưa ra một số cán bộ quản lý làm “vật tế thần” và dàn dựng một một kịch bản sai sự thực để bảo vệ gia đình chủ tịch Lee; hậu quả là hai viên chức cao cấp bị tòa tuyên có tội trong phiên xử kết thúc vào tháng 10 năm 2005 dù họ không có tội tình gì.
Trả lời báo chí ngày hôm qua, ông Kim nói rằng, ông bị tập đoàn Samsung “cho ra rìa” sau khi ông từ chối chuyển món tiền hối lộ 3 tỉ won, tương đương 3,3 triệu đô la Mỹ, tới tay vị chánh án phiên tòa. Ngoài ra, ông Kim cáo buộc chủ tịch Lee gầy dựng một quỹ đen rất lớn và mở hàng ngàn tài khoản ngân hàng bất hợp pháp dưới tên của các cán bộ quản lý Samsung mà những người này không hề hay biết. Dưới tên của luật sư Kim chẳng hạn, có 4 tài khoản đã được mở với số tiền lên tới 5 tỉ won.
Ông Kim nói, Samsung thường xuyên đưa hối lộ bằng tiền mặt hoặc phiếu mua hàng đắt tiền cho các chính trị gia, quan chức chính phủ, cán bộ thuế, công tố viên, quan tòa, nhà báo… Tiền hối lộ được ngụy trang trong các gói quà, trong cặp da… Bản thân ông Kim đã nhiều lần đi đưa hối lộ cho các kiểm sát viên cao cấp, mỗi người từ 5 triệu won đến 20 triệu won, mỗi năm ba lần và tiền hối lộ kiểm sát viên thường ít hơn tiền đưa cho các quan chức cao cấp tại Bộ Tài chính hoặc Tổng cục Thuế. “Samsung dạy tôi phạm tội. Một trách nhiệm căn bản của mọi cán bộ quản lý ở Samsung là dùng tiền để mua chuộc người khác,” ông Kim nói.
Ngay sau khi những lời tố cáo của luật sự Kim xuất hiện trên báo chí, tập đoàn Samsung đã công bố một hồ sơ dài 25 trang bác bỏ những cáo buộc chính của ông Kim và lưu ý rằng ông ta không hề trưng ra được bằng chứng nào cho những lời tố cáo của mình. Phát ngôn viên của tập đoàn Samsung nói rằng, việc cựu luật sư này quay lại tố cáo tập đoàn nơi ông ta từng làm việc là một mưu toan “trả thù cá nhân”. “Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ và thành thật với cuộc điều tra của Viện Kiểm sát. Chúng tôi rất tiếc là chúng tôi phải dành một phần nguồn lực của tập đoàn vào một vụ tranh chấp vô ích trong lúc tập đoàn phải tập trung mọi nguồn lực vào việc khắc phục môi trường kinh doanh khó khăn ra do giá xăng dầu tăng cao và sự mất giá của đồng tiền Hàn quốc,” bản tuyên bố của tập đoàn Samsung cho biết.
Vụ tai tiếng càng trở nên nghiêm trọng khi hai tổ chức dân sự là Tổ chức hữu nghị nhân dân vì nền dân chủ và Liên đoàn luật sư vì xã hội dân chủ Hàn quốc hôm thứ Ba đã đại diện luật sư Kim nộp đơn lên Viện Kiểm sát, khởi động một cuộc điều tra chính thức và rộng khắp. Hai tổ chức này, nổi tiếng trong việc theo dõi các đại công ty, lo ngại rằng Viện Kiểm sát sẽ không xử lý vụ việc tới nơi tới chốn vì có nhiều kiểm sát viên dính dáng tới vụ hối lộ.
Văn phòng của Tổng thống Hàn quốc Roh Moo Hyun nói rằng họ đang “theo dõi sát” vụ việc. Trong khi đó hai tổ chức truyền thông là Hội Nhà báo Hàn quốc và Liên đoàn các công nhân truyền thông toàn quốc cay đắng thừa nhận rằng nhiều tờ báo lớn và đài truyền hình ở Hàn quốc đã “trở thành con rối trong tay tập đoàn Samsung”. Được biết Samsung và các công ty con của nó “đóng góp” khoảng 30% tổng doanh thu quảng cáo hàng năm của báo chí Hàn quốc.
HUỲNH HOA (Theo New York Times)