Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sàn giao dịch hàng hóa: Cần tránh “vết xe đổ”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sàn giao dịch hàng hóa: Cần tránh “vết xe đổ”

Sàn giao dịch cà phê BCEC, ảnh chỉ có tính chất minh họa – Ảnh: TL.

Sàn giao dịch hàng hóa Sicom là thành viên của Sở GDCK Singapore. Dù đã thành công với cao su, nhưng thời gian qua, Sicom không tạo được dấu ấn với mặt hàng cà phê. Thất bại này đưa ra một gợi ý tham khảo quan trọng cho cơ quan quản lý Việt Nam trong việc hoạch định và quản lý các sàn giao dịch hàng hóa trong nước.

>>Sàn giao dịch nông sản dưới góc nhìn của bạn đọc

>>Kỳ 2: Sàn giao dịch hàng hóa: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

>>Kỳ 3: Tiền lệ xấu từ sàn vàng, cà phê “giấy” 

>>Cách thức giao dịch kỳ hạn cà phê robusta ở BCEC

>>Bao giờ nông dân bán nông sản qua sàn giao dịch?

Trầm lắng sàn giao dịch cà phê Sicom

Trước Sicom, trên thế giới, cà phê đã được đưa lên một số sàn giao dịch. Nổi tiếng và thành công trong số này có sàn Liffe (London) với cà phê Robusta và sàn Nybot (Mỹ) với cà phê Arabica. Để cạnh tranh, Sicom đã nỗ lực tạo ra hấp dẫn riêng. Đó là tổ chức cơ chế giao dịch phù hợp với nhiều đối tượng như giờ giao dịch buổi sáng từ 10h – 12h, buổi chiều từ 16h – 23h (phù hợp với khách hàng châu Á và châu Âu).

Sicom còn nhấn mạnh tới yếu tố khu vực: các nhà sản xuất và các NĐT tài chính giao dịch trên sàn Sicom sẽ sử dụng chuẩn chất lượng cà phê châu Á (theo tiêu chuẩn chất lượng tại các cường quốc về cà phê như Việt Nam hay Indonesia). Điều này khá hấp dẫn, vì chuẩn chất lượng cà phê Robusta trên sàn Liffe cao hơn chuẩn Việt Nam hay Indonesia. Ngoài ra, Sicom cho sàn liên thông với Liffe.

Thế nhưng, kể từ ngày khai trương, cà phê được giao dịch khá thưa thớt, với số lô giao dịch đếm trên đầu ngón tay. Truy cập thông tin chính thức trên website của Sicom (sicom.net) thì thấy, cao su và vàng vẫn giao dịch khá sôi động, nhưng cà phê hầu như đã bị các NĐT quay lưng.

Sicom không thành công với cà phê có nguyên nhân khá đơn giản là Sicom không có lợi thế ở trung tâm các vùng nguyên liệu của các quốc gia sản xuất cà phê lớn như Braxin, Việt Nam, Indonesia. Để thu hút NĐT, Sicom cho phép khách hàng ở Việt Nam giao nhận thực hiện thông qua việc xuất hóa đơn của các kho hàng trữ cà phê tại TP. HCM hoặc Singapore. Tuy nhiên, thực tế việc xuất nhập, kiểm tra hàng mất thời gian đến hàng tuần sau khi hợp đồng đến hạn. Đây là điều không mấy thuận lợi nên các nhà sản xuất ngần ngại. Trong khi đó, đối với NĐT tài chính, họ chưa tìm thấy ở Sicom điểm hấp dẫn hơn so với sàn giao dịch cà phê Robusta London.

Hiện tại, Sicom vẫn thành công với sàn giao dịch cao su. Lý do cũng đến từ vùng nguyên liệu: Singapore nằm ở vị trí thuận lợi trong con đường giao thương với các quốc gia vốn là cường quốc sản xuất cao su tự nhiên trên thế giới như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Tuy nhiên, do tính chất hàng hóa khác nhau nên sàn giao dịch cà phê của Sicom đã không thành công như cao su.

“Vết xe đổ” đang lặp lại?

Tại Việt Nam đang có ba đơn vị tổ chức sàn giao dịch hàng hóa. Đó là Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột với mặt hàng cà phê; Sở giao dịch hàng hóa Triệu Phong với mặt hàng cà phê, cao su và thép; Sàn giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín với mặt hàng đường, thép… Việc đáng quan tâm là đã xảy ra tình trạng chồng chéo trong việc đưa các mặt hàng lên sàn giao dịch.

Hệ quả là xuất hiện sự cạnh tranh mang tính hủy diệt giữa các sàn nhằm thu hút NĐT. Thực tế, ở các nước trong khu vực, mỗi sàn giao dịch hàng hóa thành công thường gắn với một mặt hàng thuộc thế mạnh quốc gia như sàn Đại Liên – Trung Quốc với đậu nành; sàn Bursa – Malaixia với dầu cọ; sàn Sicom với cao su… Nên chăng, cơ quan quản lý định hướng cho mỗi sàn giao dịch chỉ một loại nông sản là thế mạnh của Việt Nam?

Bên cạnh đó, thất bại của sàn Sicom trong việc đưa cà phê lên giao dịch dường như chưa được Việt Nam tham khảo đúng mức. Hiện tại, khá nhiều hàng hóa được đưa lên hoặc dự kiến được đưa lên sàn giao dịch nội địa không gắn với “cái nôi” là vùng nguyên liệu.

Cũng cần đề cập thêm, với các sàn giao dịch trong khu vực đã thành công, ở giai đoạn ban đầu, lực lượng hạt nhân luôn là nhà sản xuất (có nhu cầu bảo hộ giá sản phẩm). Vậy nhưng, với cách tổ chức của một số sàn giao dịch trong nước hiện nay, có thể thấy, các NĐT tài chính đang được chú trọng nhiều hơn. Điều này giúp các sàn có khách hàng nhanh, nhưng phát triển không bền vững. Số lượng các nhà đầu cơ quá lớn có thể gây nên tình trạng mất cân đối cung cầu, thị trường nóng lạnh đột ngột. Mô hình sàn giao dịch hàng hóa trong nước có thể bùng phát theo kiểu “sớm nở tối tàn” – việc đã từng xảy ra ở Trung Quốc. Sự phát triển quá nóng rồi nguội lạnh có thể tạo ra dư luận xã hội không tốt, khiến sau này các nhà sản xuất có nhu cầu bảo hiểm giá sản phẩm ngần ngại tham gia.

Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về nhiều mặt hàng nông sản, là cường quốc trong nhiều loại hàng hóa như cà phê, cao su, hạt điều, hồ tiêu. Vì vậy, xét trên bình diện quốc gia, việc cho ra đời các sàn giao dịch hàng hóa là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, để mô hình thành công và nhận được sự quan tâm của xã hội, rất cần đến sự định hướng và hoạch định chiến lược từ cơ quan quản lý.

Theo Đầu tư Chứng khoán

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới