Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sàn giao dịch hàng hóa xoay xở để tồn tại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sàn giao dịch hàng hóa xoay xở để tồn tại

Đình Nghĩa

Sàn giao dịch hàng hóa xoay xở để tồn tại
Sàn giao dịch thép của Sacom-STE – Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Hiện các sàn giao dịch hàng hóa B2B (Business To Business) như Vinametal.com, Sacom – STE.com đều gặp khó khăn về kinh doanh nên đưa ra những chiến lược, hướng đi mới nhằm giúp các sàn này tồn tại, đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong ngành xuất nhập khẩu cũng như nhu cầu thị trường.

Một đại diện của Sàn giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín (Sacom – STE), (đề nghị không nêu tên), cho biết thời gian qua, số lượng khách hàng tham gia sàn giao dịch tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tăng trưởng chủ yếu ở ngành thép.

Còn ngành phân bón vì mới chính thức giao dịch từ tháng 8-2011 trở lại đây đã thu hút khoảng 50 doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết mưa bão như hiện nay nên thị trường khá trầm lắng.

Sắp tới, Sacom – STE dự định đa dạng hóa thêm một số ngành hàng sản phẩm có tiềm năng phát triển như phân bón, hạt nhựa… chứ không tập trung vào một ngành riêng biệt như nông sản hay thủy sản…

Bên cạnh đó, ngoài việc kết nối giao dịch giữa người mua và người bán, Sacom – STE sẽ cung cấp thêm dịch vụ hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp người mua. Người mua chỉ phải ký quỹ trước khoảng 30%, còn lại Ngân hàng Sacombank sẽ cho vay và giải ngân thông qua sàn này.

Ngoài ra, Sacom – STE cũng sẽ tạo thêm một kênh mua bán các công cụ phái sinh, hợp đồng kỳ hạn cho các doanh nghiệp có nhu cầu, vị đại diện này cho biết thêm.

Còn ông Hà Tuấn Anh, đại diện Ban quản lý sàn thép Vinametal.com, cho biết từ đầu năm đến nay, lượng khách hàng tham gia giao dịch tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng doanh thu của sàn thì tăng trưởng rất ít.

Trong thời gian tới sàn này sẽ tiếp tục hỗ trợ miễn phí cho các doanh nghiệp Việt Nam đăng sản phẩm lên sàn giao dịch, tập trung vào việc cung cấp thông tin “nóng”(có thể thu phí) về ngành thép như thị trường thép trong nước và quốc tế một cách nhanh nhất, ví dụ như ở các thị trường Nga, Trung Quốc… đang có nhu cầu gì, thừa sản phẩm thép nào…, kèm theo báo cáo của các tổ chức nghiên cứu thị trường chuyên ngành thép cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Mục tiêu là để khách hàng đưa ra những chiến lược kinh doanh đáp ứng được nhu cầu thị trường như không nhập hàng, trả hàng nhanh chóng khi có thông tin thị trường sẽ đóng băng hay nhập hàng về khi dự đoán được thị trường sẽ tăng giá trong tương lai gần khoảng 2, 3 tháng nữa…

Ngoài ra, Vinametal sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam bán hàng như thông tin cho họ những khách hàng quan tâm đến các sản phẩm mà doanh nghiệp đang bán, để họ có thể trực tiếp liên hệ với các doanh nghiệp có nhu cầu.

Bên cạnh đó, trong tương lai, sàn này sẽ có thêm một trang tiếng Anh nhằm mở rộng ra đối với các doanh nghiệp nước ngoài, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu nước ngoài có thể tiếp xúc, chào hàng đến hàng trăm doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm thép ở Việt Nam (sẽ thu phí nếu các doanh nghiệp nước ngoài bán được hàng).

Ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ có cơ hội bán hàng cho hàng trăm doanh nghiệp nhập khẩu thép ở nước ngoài, thay vì sàn chỉ bao gồm các doanh nghiệp Việt Nam như hiện nay.

Sàn cũng sẽ tổ chức các buổi gặp mặt giữa các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm, thông tin cũng như thường xuyên mời những người mua tiềm năng tại các thị trường nước ngoài đến giao lưu, gặp gỡ với các doanh nghiệp trong nước, giúp tăng cơ hội giao thương với doanh nghiệp Việt Nam, ông Anh cho biết thêm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới