Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sàn thương mại điện tử – hết cái thời “quyền anh, quyền tôi”?

Huỳnh Trung Hiếu (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Chính phủ vừa ban hành Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (NĐ85). Một số hình thức kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) mới được điều chỉnh mở ra cơ hội nhưng vẫn còn đó những thách thức trong quản lý, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mua sắm trực tuyến.

Quản lý sàn thương mại điện tử “mạng xã hội”

Ngoài việc quản lý các sàn TMĐT truyền thống (Lazada, Shopee, Tiki, Sendo…), một điểm mới đáng chú ý của NĐ85 là đưa các hoạt động kinh doanh trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram… vào diện quản lý.

Việc quản lý này dựa trên định nghĩa về các hình thức hoạt động của “sàn giao dịch TMĐT” theo khoản 15, điều 1, NĐ85. Một sàn giao dịch TMĐT được hiểu là trang web cho phép người tham gia mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; hoặc cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng; hoặc có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ.

Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định tại khoản 15, điều 1, NĐ85 và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp “trả phí” cho việc thực hiện các hoạt động đó cũng được xem là sàn giao dịch TMĐT (nền tảng mạng xã hội)(1).

Như nền tảng Facebook Marketplace hay bán hàng trên Instagram hiện nay đều không thu phí người bán. Bên bán được tự do lập tài khoản, đăng sản phẩm và giao dich. Các ứng dụng này chỉ đóng vài trò môi trường kỹ thuật số để kết nối bên mua, bên bán ngoại trừ các thân chủ trả tiền để quảng cáo trên các nền tảng đó.

Các nhóm (group) bán hàng trên Facebook cũng vậy, đa số là không thu phí, tuy nhiên chủ sở hữu group (nhất là các group có lượng thành viên tương tác lớn) hoàn toàn có thể đặt ra luật lệ riêng để thu những khoản phí khác nhau như phí gia nhập, phí duy trì thành viên, phí đăng bài sản phẩm ưu tiên nhằm duy trì thứ hạng ở các vị trí có tiềm năng để quảng cáo.

Thậm chí fanpage (Facebook), về danh nghĩa là của chủ sở hữu, nhưng chủ sở hữu có thể thu phí để đăng tải các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của các thương nhân khác, không khác gì sàn giao dịch hoặc chủ sở hữu cho thuê fanpage để thu về một khoản phí theo thỏa thuận trong thời gian sử dụng.

Nói như thế để thấy, quản lý các nền tảng mạng xã hội có thu phí hay không thu phí không hề dễ; nhất là khi ranh giới thế nào giữa nền tảng mạng xã hội có thu phí và không thu phí, đôi khi khó nhận biết, chỉ giữa những người trong cuộc chơi mới hiểu được những “thỏa thuận” của chính họ dưới nhiều mục đích khác nhau, không loại trừ việc lách các quy định của pháp luật để né thuế và quản lý.

“Thẩm định thông tin” khi lên sàn thương mại điện tử

Liên quan đến nội dung trên, có một điểm sửa đổi rất đáng chú ý trong NĐ85 là quy định cung cấp thông tin hàng hóa, dịch vụ. Theo đó, trường hợp thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT (các sàn TMĐT nói chung, nền tảng mạng xã hội nói riêng)(2) thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ của người bán tới người tiêu dùng trên trang web TMĐT thì thương nhân, tổ chức đó là “bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin”(3) theo pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (khoản 8, điều 1, NĐ85).

Theo quy định này, có thể hiểu rằng các sàn TMĐT được phép cung cấp “dịch vụ thông tin hàng hóa”, tức là có thu phí, tuy nhiên, nội hàm của khái niệm cung cấp dịch vụ thông tin hàng hóa này có phải là thực hiện một chuỗi của nhiều loại hoạt động về dịch vụ thông tin hàng hóa khác nhau để thu phí hay không thì NĐ85 chưa có quy định rõ ràng. Ví dụ, dùng kỹ thuật để đẩy sản phẩm lên vị trí đầu trong group bán hàng (Facebook) có thể được xem là một hình thức cung cấp thông tin?

Ngoài việc quản lý các sàn TMĐT truyền thống (Lazada, Shopee, Tiki, Sendo…), một điểm mới đáng chú ý của NĐ85 là đưa các hoạt động kinh doanh trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram… vào diện quản lý.

Sự không rõ ràng này có thể gây ra những sự hiểu sai về bản chất các quan hệ, trách nhiệm pháp lý có liên quan vì theo quy định “trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua bên thứ ba (các sàn TMĐT) thì bên thứ ba có trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ”(4).

Nghĩa là, không phải bên bán hàng cung cấp thông tin sản phẩm sao thì sàn TMĐT sẽ đăng như vậy, trước khi đăng tải thông tin sản phẩm, sàn phải có trách nhiệm thẩm định thông tin mô tả sản phẩm so với những hiểu biết về chất lượng hàng hóa xem có phù hợp, chính xác hay không, trường hợp không hiểu biết đầy đủ chất lượng, xuất xứ mà vẫn đăng là sai phạm.

Trách nhiệm liên đới là vấn đề không mới nhưng nó mới và rất quan trọng trong các hoạt động trung gian thương mại. Trách nhiệm liên đới giữa sàn TMĐT và thương nhân bán hàng sẽ mở ra xu hướng bảo vệ “tận gốc” quyền lợi của người mua hàng. Với trách nhiệm liên đới, khi xảy ra sự kiện pháp lý liên quan đến chất lượng hàng hóa do thương nhân cung cấp trên sàn TMĐT, người mua hàng có quyền yêu cầu một trong hai chủ thể này phải có trách nhiệm giải quyết toàn bộ những vấn đề phát sinh theo quy định(5).

Cùng chia sẻ với người mua hàng trực tuyến

Theo nhiều chuyên gia, khó khăn của TMĐT vẫn ở những khâu kết nối thông tin, kết nối dữ liệu, cả bên bán và bên mua đều cần sự đồng hành của sàn TMĐT trong các cam kết và thực thi cam kết liên quan đến vấn đề kỹ thuật số, thông tin hàng hóa, dịch vụ mua bán thông qua sàn.

Các sàn TMĐT vốn có lợi thế về công nghệ, lại được chơi “sân nhà”, tuy nhiên những yếu tố rủi ro trong giao dịch trực tuyến dễ phát sinh giữa các nền tảng kỹ thuật như hệ thống đặt hàng, phản hồi tự động, thanh toán trực tuyến, giao nhận, logictics luôn hiện hữu. Ngoài ra, với quy trình giao dịch khép kín, người mua, người bán hầu như không biết rõ phương thức giao kết hợp đồng là gì, họ như bị lạc vào một “ma trận” của hàng hóa, pháp lý và công nghệ.

Hiện nay, để thích ứng với bối cảnh cạnh tranh giữa các sàn TMĐT, người mua có quyền tiếp cận mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua các hình thức gian hàng bán sản phẩm chất lượng như kiểu Lazmall (Lazada), Shopee Mall (Shopee). Đó là một điển hình về cơ chế “bảo chứng” chất lượng hàng hóa, dịch vụ từ các sàn TMĐT, song việc “bảo chứng” này được làm theo kiểu là hàng hóa được sàn và bên bán chọn lọc trưng bày bán trực tuyến, nếu làm theo cơ chế cũ thì các sàn TMĐT cơ bản vẫn đứng ngoài cuộc các trách nhiệm.

Những vấn đề sau bán hàng cũng rất quan trọng. Lấy ví dụ các biện pháp phòng vệ như thu thập, bảo vệ chứng từ điện tử, dữ liệu đã thực hiện của khách hàng. Các trang web TMĐT lớn thường cho phép xem trực tiếp dữ liệu giao dịch, thông tin đơn hàng, lịch sử, quy trình thực hiện… song vấn đề trích xuất dữ liệu thì không phải hệ thống nào cũng có.

Luật Giao điện tử thừa nhận thông điệp dữ liệu có giá trị chứng cứ và được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức đảm bảo và duy trì “tính toàn vẹn” của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác”(6) nhưng toàn bộ thông điệp dữ liệu giao dịch đều nằm trên hệ thống máy chủ của sàn TMĐT, chưa nói hệ thống máy chủ nếu đặt ở nước ngoài, thì liệu ai đảm bảo những thông điệp dữ liệu đó sẽ được duy trì tính toàn vẹn?

Do vậy, người mua hàng cần được tạo điều kiện tiếp cận thu thập chứng từ giao dịch điện tử thông qua các bên thứ ba có quản lý liên kết, đồng bộ về mặt dữ liệu theo luật để khi cần họ có thể so sánh, đối chiếu nhằm tránh những thông tin có thể bị sửa đổi, làm sai lệch bởi chủ quản lý trang web TMĐT.

Một dạng điều khoản khác là những hướng dẫn bảo vệ người tiêu dùng, khiếu nại và giải quyết tranh chấp. Tùy từng sàn TMĐT, điều khoản này thường nằm lồng ghép trong bộ điều khoản, điều kiện giao dịch chung (terms and conditions) cung cấp trên trang web vốn rất dài dòng.

Cái mà người mua hàng trực tuyến quan tâm là những những mô tả về quy trình, thủ tục, biểu mẫu thực hiện, hướng đến những thông tin cơ bản nhất, có tính khả dụng, chỉ dẫn thực hành nhiều hơn, và hay nhất là nên tách chúng thành “quy định độc lập”, niêm yết công khai trên trang web TMĐT với hình thức trình bày thu hút, dễ đọc, dễ hiểu, dễ áp dụng, nó sẽ dần giúp người mua hàng có thói quen, ý thức “cần phải đọc” trước khi giao dịch.

Và nên chăng đã đến lúc cần phải luật hóa những vấn đề tưởng chừng nhỏ này?

————

(*) Công ty Luật Contracts-vn

(1) Khoản 15, điều 1, NĐ85
(2) Khoản 2, điều 25, Nghị định 52/2013/NĐ-CP (được sửa đổi một số điều bởi Nghị định 85)
(3) Nghị định 52 không xem họ là bên thứ ba cung cấp thông tin
(4) Điều 13, Luật bảo vệ người tiêu dùng
(5) Điều 288 Bộ luật Dân sự 2015
(6) Khoản 2, điều 14, Luật Giao dịch điện tử

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới