Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sàn vàng có hoạt động đúng luật chưa?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sàn vàng có hoạt động đúng luật chưa?

Khách hàng đang giao dịch ở sàn giao dịch vàng Sài Gòn, thuộc Ngân hàng Á Châu. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Các sàn vàng hiện nay được thành lập trên cơ sở Nghị định 158/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa ngày 28-12-2006. Tuy nhiên, các sàn vàng này đã thực sự hoạt động phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành hay chưa là điều phải tính đến.

Sự minh bạch thông tin

Do hợp đồng ký kết giữa các sàn vàng là pháp nhân với các cá nhân, nên loại hợp đồng này sẽ phải chịu sự chi phối của Bộ luật Dân sự chứ không phải Luật Thương mại.

Dù là theo Bộ luật Dân sự hay Luật Thương mại thì nguyên tắc giao dịch hợp đồng của cả hai luật này đều là “tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng”.

Sự minh bạch thông tin được xem là yếu tố quan trọng để đảm bảo cho các bên tham gia sàn giảm thiểu rủi ro và để tạo ra thị trường lành mạnh.

Tuy nhiên đối với phần lớn các sàn vàng, bên điều hành sàn cũng tham gia giao dịch, như vậy mặc dù trên bảng điện tử có thể hiện khối lượng đặt mua và đặt bán, nhưng nhà đầu tư không thể lấy số liệu đó để làm căn cứ xem xét quy luật cung cầu của thị trường, vì không ai có thể biết được trong số lượng đặt mua và bán có bao nhiêu là lệnh của chính nhà điều hành sàn.

Bằng việc đưa ra các lệnh giao dịch mua bán trong thời điểm, nhà điều hành sàn hoàn toàn có thể làm lệch cán cân cung cầu để chi phối đẩy giá giao dịch đến mức mong muốn.

Nếu bên điều hành sàn vừa là ngân hàng vừa là nhà đầu tư thì họ sẽ có nhiều lợi thế trong việc nắm rõ và dự đoán các thông tin ảnh hưởng trực tiếp đến giá vàng trong nước như: biến động tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam (do cân đối tổng cung cầu ngoại tệ), chính sách xuất nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước…

Những thông tin này không dễ gì một nhà đầu tư cá nhân có thể cập nhật kịp thời. Như vậy không thể có chuyện “bình đẳng” thông tin giữa nhà đầu tư cá nhân với nhà đầu tư đồng thời điều hành sàn được. Việc này chỉ có thể giải quyết nếu như có quy định không cho phép nhà điều hành sàn đồng thời là nhà đầu tư, hoặc buộc nhà điều hành sàn phải công khai số lượng lệnh đặt mua và bán của mình.

Và vấn đề chỉ có thể được giải quyết hiệu quả nếu như sàn vàng được tổ chức theo mô hình tập trung của sàn chứng khoán, chỉ có như vậy thì tính minh bạch của thị trường mới có thể được đảm bảo.

Tính pháp lý của sản phẩm

Hiện nay căn cứ theo Luật Ngân hàng, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 và nghị định hướng dẫn thi hành thì chưa hề có bất kỳ văn bản pháp quy nào cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản trong lãnh thổ Việt Nam mà chỉ cho phép kinh doanh “vàng vật chất được phép”. Đây cũng là lý do tại sao các sàn vàng hiện nay đều phải có thành viên là công ty kinh doanh và gia công vàng để cung cấp vàng vật chất khi khách hàng có nhu cầu rút vàng vật chất.

Chính vì vậy, bất kỳ sàn vàng nào tự định ra hạn mức rút vàng cho khách hàng (dù là 20 hay 10 hay 5 lượng/ngày) đều không phù hợp với đặc điểm của sàn vàng Việt Nam là sàn vàng vật chất. Về mặt pháp lý, khi khách hàng đã tham gia sàn vàng vật chất thì đương nhiên quyền rút vàng vật chất tối thiểu phải tương đương với số tiền mặt mà khách hàng ký quỹ tại sàn vàng. Nếu sàn vàng không thể làm được như vậy thì sản phẩm vàng trên các sàn này cũng chỉ là dạng vàng tài khoản nhưng có vỏ bọc bên ngoài của vàng vật chất nhằm né luật mà thôi.

Thời hạn giao dịch

Như đã đề cập, sàn vàng giao dịch vàng vật chất, tức là những gì có thể nhìn thấy, sờ thấy được. Như vậy giao dịch thực tế không thể xảy ra ngoài giờ hoạt động của sàn như đối với sàn vàng tài khoản được. Hơn nữa, căn cứ điều 35 Nghị định 158/2006, mục 3 điều 49 cũng nghị định này, khoản 2 điều 285 của Bộ luật Dân sự thì các sàn giao dịch vàng không thể được phép tự ý xử lý tài khoản của khách hàng ngoài giờ hoạt động của sàn (ngay cả trong trường hợp hạn mức ký quỹ dưới mức yêu cầu) mà phải thông báo cho khách hàng và dành một khoản thời gian hợp lý để khách hàng bổ sung ký quỹ trước khi sàn vàng tất toán tài khoản của khách hàng.

Ngay cả nếu như hợp đồng ký giữa sàn vàng và khách hàng có điều khoản cho phép sàn vàng tự tất toán tài khoản thì khi khách hàng khiếu nại, sàn vàng vẫn có thể là bên chịu thiệt, vì hợp đồng có thể bị tuyên vô hiệu như quy định của Bộ luật Dân sự tại điều 134 do vi phạm các quy định nói trên (và hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận).

Các sàn vàng thường lý luận việc tất toán tài khoản của khách hàng khi ký quỹ dưới hạn mức là theo thông lệ quốc tế, nhưng thực tế không phải vậy. Hiện, các sàn vàng tài khoản của các nước đều hoạt động trực tuyến 24/24 giờ, nên khách hàng không có lý do gì phàn nàn vì không biết được thông tin về giá. Chỉ trong trường hợp sàn vàng trong nước mở online 24/24 và cho phép đặt lệnh qua mạng thì việc tất toán tài khoản theo thông lệ quốc tế này mới thực sự công bằng cho cả hai bên.

Vấn đề này có thể giải quyết bằng cách tăng mức ký quỹ của nhà đầu tư lên trên tỷ lệ tối đa mức biến động giá đóng cửa và giá mở cửa, hoặc bằng cách mở hai hệ thống tài khoản (tài khoản ký quỹ để đầu tư và tài khoản không kỳ hạn) liên thông nhau. Các sàn vàng không muốn tăng mức ký quỹ vì với mức ký quỹ thấp thì nhà đầu tư có thể giao dịch số lượng cao, sàn vàng có thể thu được phí giao dịch nhiều hơn, nên các sàn vàng thường cố tình đẩy rủi ro này về phía nhà đầu tư.

Kiến nghị

Bảy tháng đầu năm 2008, Việt Nam đã nhập 62 tấn vàng (gần 2 tỉ đô la Mỹ), trở thành nước nhập khẩu vàng khối nhiều nhất thế giới (mặc dù GDP bình quân đầu người/năm tại Việt Nam chỉ đủ mua 1 ounce vàng!). Việc các sàn vàng ra đời ồ ạt trong thời gian gần đây cho thấy một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư bị sức hấp dẫn của lợi nhuận từ kênh đầu tư này cuốn vào.

Tuy nhiên, khác với chứng khoán hay bất động sản, vàng trên sàn là kênh đầu tư mạo hiểm vì nhà đầu tư không dễ gì hiểu hết luật chơi. Vì vậy các nhà đầu tư cần tỉnh táo trước khi lao vào cuộc chơi đầy mạo hiểm trong một thị trường thiếu thông tin và biến động liên tục như thị trường vàng hiện nay.

Hiện nay Nhà nước đang tạm ngưng cho phép nhập khẩu vàng, đây là quyết định đúng đắn để điều tiết kinh tế vĩ mô. Thực tế tại các nước phát triển, việc tích trữ vàng trong dân chủ yếu ở dạng vàng trang sức chứ không phải vàng miếng như tại Việt Nam.

Việc tích trữ vàng miếng sẽ gây khan hiếm vàng giả tạo, gây sức ép cầu ngoại tệ để nhập vàng và tệ hại hơn là nguồn vốn trong dân không được đưa vào tham gia phát triển kinh tế. Vì thế, cần phải có quy chế quản lý hoạt động của sàn vàng một cách rõ ràng và cần chú ý đến việc xây dựng tính minh bạch thông tin cho sàn, bảo đảm tính pháp lý để tránh những rủi ro cho nhà đầu tư, đồng thời phải đạt được mục tiêu giảm tích trữ vàng trong dân, phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế.

Điều 35 Nghị định 158/2006 quy định “thành viên kinh doanh yêu cầu giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa bằng lệnh giao dịch”.

Mục 3 điều 49 Nghị định 158/2006 quy định “trong trường hợp tiền ký quỹ không đủ mức cần thiết theo thỏa thuận của các bên thì thành viên kinh doanh phải thông báo ngay đến khách hàng và yêu cầu khách hàng ký quỹ bổ sung cho đủ mức cần thiết”.

Khoản 2 điều 285 của Bộ luật Dân sự cũng quy định “trong trường hợp các bên không thỏa thuận và pháp luật không quy định về thời hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự thì các bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải thông báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý”.

NGUYỄN THỊ BẢO QUỲNH – Chủ tịch Công ty Giải pháp Thông minh (Intel Solution)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới