Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sản xuất bền vững tạo cơ hội cho hội nhập

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sản xuất bền vững tạo cơ hội cho hội nhập

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị cần phải chú ý việc đảm bảo tiêu chuẩn phát triển bền vững trong những vấn đề về lao động, môi tường… Các tiêu chí về phát triển bền vững sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia tốt hơn trong hội nhập

Sản xuất bền vững tạo cơ hội cho hội nhập
Sản xuất bền vững để tránh làm tổn thương đến môi trường. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Tại tọa đàm “Vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân thượng tôn pháp luật phát triển bền vững” được tổ chức hôm nay, 22-6, ở thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc phụ trách Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho biết, so với cả nước, tăng trưởng kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn cao hơn.

“Nếu tính từ năm 2000 trở về sau này, chúng ta chưa bao giờ tăng trưởng thấp hơn so với cả nước và đặc biệt trong giai đoạn 2005-2010 chúng ta tăng trưởng rất cao, bình quân từ 10-12%/năm, có những năm đến 13,5%”, ông Lam cho biết và nói rằng từ năm 2015 đến này tốc độ tăng trưởng này lại có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, theo ông Lam, trong quá trình phát triển như vậy, có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đã để phát sinh hàng loạt vấn đề về khí thải, ô nhiễm môi trường; ảnh hưởng đến các vấn đề tiêu chuẩn quốc tế; về việc lao động. “Đây được xem là thách thức của các doanh nghiệp thời gian tới”, ông nhấn mạnh.

Theo ông, dựa trên nền tảng phát triển hạ tầng đã giúp tỉnh Long An và Tiền Giang vượt lên rất nhanh, mà cụ thể Long An thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm hơn 50% của ĐBSCL; có 18 khu công nghiệp với hàng trăm doanh nghiệp FDI, giúp đưa kim ngạch xuất khẩu của địa phương năm 2017 đạt 4,2 tỉ đô la Mỹ. “Kế đến là Tiền Giang xuất khẩu trên 2 tỉ đô la”, ông cho biết.

Tuy nhiên, theo ông, có rất nhiều doanh nghiệp không nằm trong nhóm tiêu chí phát triển xanh, phát triển bền vững, “và khi nó nằm xen lẫn vào vùng chúng ta hiện nay, nó đang tạo ra những thách thức đối với phát triển kinh tế, xã hội”, ông nói.

Theo ông Lam, xu hướng chung của thể giới là đòi hỏi doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất phải đạt được các yếu tố phát triển bền vững.

Ông cho biết, khi Việt Nam tham gia chương trình nghị sự về phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc, VCCI đã xây dựng được bộ tiêu chí riêng. “Tất nhiên, với các nước đang phát triển như Việt Nam, chúng ta vẫn được ưu tiên về độ trễ”, ông cho biết.

Dẫn báo cáo của Ủy ban Kinh doanh và Phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc, theo ông Lam, các tiêu chí về phát triển bền vững sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia tốt hơn trong hội nhập, nhất là khi dự kiến có đến 12.000 tỉ đô la được các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn phát triển bền vững giao thương với nhau vào năm 2030.

“Như vậy, đây là một đòi hỏi quan trọng mà doanh nghiệp Việt Nam phải nhắm đến”, ông nhấn mạnh và cho biết khi làm việc với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ở ĐBSCL, thì được biết yếu tố bền vững là những yêu cầu từ khách hàng, giúp doanh nghiệp bán sản phẩm được giá cao hơn.

Theo ông Lam, đối với những doanh nghiệp, tập đoàn lớn, sản phẩm của họ luôn đòi hỏi phải đảm bảo tiêu chuẩn phát triển bền vững trong những vấn đề về lao động; môi tường; đảm bảo lợi ích cho người lao động, không sử dụng lao động trẻ em…

“Những tiêu chí này đang được đặt ra và nó kéo dài trong toàn chuỗi giá trị sản phẩm”, ông nhấn mạnh và cho rằng bất cứ một doanh nghiệp nào tham gia chuỗi giá trị này đều phải đạt yêu cầu phát triển bền vững do các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đặt ra.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Thái Sơn, Vụ pháp luật Văn phòng Chính phủ cho biết, doanh nghiệp muốn phát triển lớn mạnh và bền vững, thì cần nhiều yếu tố như vốn, trình độ quản lý, nguồn nhân lực, công nghệ, sáng tạo, tiếp thị, trách nhiệm xã hội…

"Nhưng, trong suốt quá trình đó không thể thiếu pháp luật, không thể không hiểu biết pháp luật và thực hiện đúng các quy định của pháp luật”, ông nhấn mạnh.

Theo ông Sơn, thời gian qua, dù hệ thống pháp luật đã có nhiều cải cách theo hướng công khai, minh bạch. Tuy nhiên, vẫn còn cồng kềnh, phức tạp và chống chéo, mà cụ thể hiện có đến 400 luật, pháp lệnh; hơn 2.500 nghị định; hàng chục ngàn thông tư (bình quân mỗi năm ban hành 900 thông tư). “Ví dụ, riêng về Luật Đất đai 2003, đi kèm có 126 văn bản”, ông dẫn chứng và nhấn mạnh: “Đây là rào cản rất lớn vì hệ thống này do nhiều ngành, nhiều cấp ban hành và ban hành chống chéo cùng một vấn đề”.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới