Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sản xuất châu Á trì trệ do xuất khẩu giảm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sản xuất châu Á trì trệ do xuất khẩu giảm

Hải Hà

Sản xuất châu Á trì trệ do xuất khẩu giảm
Sản xuất châu Á trì trệ do xuất khẩu giảm. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Kết quả hàng loạt điều tra của Reuters cho thấy nhu cầu xuất khẩu chậm lại kéo theo hoạt động sản xuất tại các nhà máy ở một số nền kinh tế lớn nhất châu Á chậm lại theo trong tháng 8, dù tình hình ở Trung Quốc khả quan hơn nhờ tăng trưởng nội địa vững.

Các chỉ số quản lý sức mua (PMI) cho thấy các đơn đặt hàng mới giảm mạnh khiến sản xuất suy giảm ở Hàn Quốc và Đài Loan. PMI tháng 8 của Đài Loan giảm xuống còn 45,2, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2009 – lúc khủng hoảng tài chính ảnh hưởng tới mậu dịch toàn cầu.

Chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu tháng 8 của Trung Quốc giảm xuống 48,3 từ mức 50,4 của tháng 7. Bắc Kinh đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng nợ ở các nước phát triển làm giảm mạnh đơn đặt hàng xuất khẩu. Tổng cục thống kê Trung Quốc cho biết lĩnh vực xuất khẩu đang “đương đầu với những thử thách lớn”.

Donna Kwok, nhà kinh tế của ngân hàng HSBC, cho biết: “Triển vọng tăng trưởng sa sút ở phương Tây đang đè nặng lên các hoạt động kinh tế toàn cầu”. HSBC tài trợ cho báo cáo về PMI của nhiều nước và lãnh thổ, trong đó có Đài Loan.

Tăng trưởng kinh tế ở Mỹ và châu Âu sa sút làm dấy lên lo ngại các cường quốc này sẽ trở lại suy thoái – có thể tác động mạnh tới các nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu. Số liệu sắp công bố dự kiến sẽ cho thấy sản xuất ở khu vực đồng euro (eurozone) và Mỹ chậm lại trong tháng 8.

Hầu hết các nền kinh tế phát triển đã giảm tỷ lệ lãi suất xuống gần 0%, và với việc các chính phủ cắt giảm các khoản tài chính, các nhà hoạch định chính sách sẽ không có nhiều lựa chọn trong biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Brazil hôm 31-8 đột ngột giảm tỷ lệ lãi suất do lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái.

Châu Á trì trệ

Ngân hàng Credit Suisse ngày 1-9 điều chỉnh giảm dự báo về mức tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế châu Á, trừ Nhật Bản. Nhà kinh tế Robert Prior-Wandesforde của Credit Suisse cho biết: “Tăng trưởng của châu Á những tháng tới sẽ thấp hơn nhiều so với hầu hết các dự báo trước đây”.

Tại Hàn Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lên cao kỷ lục ba năm, tăng 5,3% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, là tháng thứ tám liên tiếp lạm phát vượt mục tiêu của ngân hàng trung ương Hàn Quốc.

Trung Quốc vẫn đang vật lộn với lạm phát cao kỷ lục trong ba năm. Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cho biết Bắc Kinh sẽ nỗ lực hơn nữa để làm giảm giá tiêu dùng trong nửa cuối năm. Các quan chức Trung Quốc khẳng định chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu, mặc dù tăng trưởng trong và ngoài nước đều đang chậm lại.

Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn là điểm sáng hiếm hoi trong bầu không khí ảm đạm trên toàn cầu. Trung Quốc đã vượt Mỹ và châu Âu trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của một số nước châu Á và tăng trưởng nhanh giúp hạn chế bớt ảnh hưởng tiêu cực từ xuất khẩu giảm. Nhu cầu nội địa tiếp tục tăng.

(theo Reuters)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới