Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sản xuất công nghiệp giảm mạnh trong tháng 2 do Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sản xuất công nghiệp giảm mạnh trong tháng 2 do Covid-19

Trang Nguyễn

(TBKTSG Online) – Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 2 đã bị đánh tụt xuống ngưỡng 50 điểm lần đầu tiên trong vòng 4 năm qua, báo hiệu sự suy giảm sản lượng ngành sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra.

Theo khảo sát chỉ số PMI mới nhất của IHS Markit, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 2. Sản lượng giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 6 năm qua, số lượng đơn đặt hàng mới giảm lần đầu tiên kể từ tháng 11-2015 và số lượng nhân công cũng giảm. Trong khi đó, tình trạng khan hiếm hàng hóa trung gian từ Trung Quốc đã tạo áp lực tăng giá cả đầu vào, và các công ty phải tự gánh chịu chi phí bổ sung vì không thể tăng giá bán hàng.

Sản xuất công nghiệp giảm mạnh trong tháng 2 do Covid-19
PMI của Việt Nam và các nước trong khu vực. Nguồn: KBSec

Dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 như vậy đã ảnh hưởng nghiêm trọng lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 2, cả ở phía cung và phía cầu.

Tình trạng cầu yếu đi đã làm các công ty sản xuất phải giảm hoạt động mua hàng vào thời điểm giữa quí 1. Kết quả này chịu tác động của sự suy giảm ở cả hai tiểu lĩnh vực là hàng hóa tiêu dùng và hàng hoá trung gian.

Trong tình trạng lo sợ sự lây lan của virus corona, việc làm trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã giảm trong tháng 2. Đây là lần giảm đầu tiên trong bốn tháng và là mức giảm nhanh nhất trong hơn sáu năm rưỡi.

Theo Công ty Chứng khoán KB Securities Việt Nam, so với các nước trong khu vực, chỉ số PMI của Việt Nam có mức giảm mạnh so với tháng trước, chỉ sau Đài Loan.

KB Securities đánh giá dù khảo sát của IHS cho thấy các công ty sản xuất ở Việt Nam vẫn tương đối lạc quan về triển vọng kinh doanh trong 12 tháng tới dựa trên những kỳ vọng trong cải thiện nhu cầu, nhưng với tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp và lan rộng hơn so với nhận định ban đầu, khả năng PMI tháng 3 sẽ hồi phục trở lại trên 50 điểm là thấp.

Do ảnh hưởng yếu tố mùa vụ (Tết Nguyên đán), KB Securities so sánh chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trung bình của 2 tháng 1 và 2 trong năm 2020 với năm 2019 để đưa ra kết luận tác động của dịch nCoV. Chỉ số IIP toàn ngành giảm nhẹ so với năm 2019, và mức giảm trong nhóm ngành chế biến chế tạo mạnh hơn (từ 11,45% xuống 9,3%).

Ngoại trừ mặt hàng điện tử và dược tăng mạnh so với 2019, các nhóm ngành chính khác đều có xu hướng giảm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp các nhóm ngành chính. Nguồn: KBSec

“Chúng tôi cho rằng ngành điện tử tăng mạnh trong giai đoạn này có 2 nguyên nhân chính. Một là hoạt động Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới S20 (xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong 2 tháng đầu năm tăng 2,3% so với cùng kỳ). Và hai là xuất khẩu máy móc và thiết bị phụ tùng duy trì đà tăng cao (+19,6% so với cùng kỳ), phù hợp với nhóm sản xuất hàng hóa cơ bản vẫn duy trì cải thiện ở khảo sát chỉ số PMI. Trong khi đó, nhóm ngành dược được hưởng lợi từ dịch nCoV nhờ tăng cường sản xuất khẩu trang và dung dịch sát khuẩn”.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cho rằng chỉ số IIP nhóm ngành điện tử sẽ giảm mạnh trong tháng 3, khi đối tác thương mại chính trong giai đoạn này – Hàn Quốc, Mỹ và EU chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch nCoV khiến nhu cầu sản xuất và xuất khẩu sẽ giảm mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới