Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sản xuất công nghiệp ‘ngấm đòn’ Covid trong tháng 7

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sản xuất công nghiệp ‘ngấm đòn’ Covid trong tháng 7

Lan Nhi

(KTSG Online) – Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư cuối tháng 4 đến nay đã làm cho hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Chỉ cố sản xuất toàn ngành công nghiệp (IPP) tháng 7 tăng thấp nhất từ đầu năm đến nay.

Sản xuất công nghiệp 'ngấm đòn' Covid trong tháng 7
Khu vực nhà ăn tập thể được sắp xếp theo quy định giãn cách cho người lao động trong thời gian "cắm chốt" tại Công ty cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn. Ảnh: TTXVN

Bộ Công Thương cho biết hôm 2-8, đợt bùng phát dịch từ cuối tháng 4 đến nay đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế.

Sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm kiểm soát tốc độ lây lan của dịch bệnh tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và 16 tỉnh, thành phía Nam đã ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, kéo theo sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng và tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7-2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua. Trong đó ngành khai khoáng tháng 7 giảm 8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4% so với cùng kỳ.

Tính chung 7 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,2%), đóng góp 8,1% vào mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất tháng 7-2021 so với cùng kỳ năm trước của 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg để phòng chống dịch Covid-19 như sau 7 địa phương có chỉ số IIP tháng 7 giảm và 12 địa phương tăng. Cụ thể, TPHCM (giảm 19,4%); Long An (giảm 14,6%); Cà Mau ( giảm 13,7%); Đồng Tháp giảm 5,7%.

Tuy nhiên, một số địa phương có chỉ số IIP tăng do một số khu công nghiệp quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh với phương án 3 tại chỗ nên được phép hoạt động để tiếp tục thực hiện các đơn hàng sản xuất đã ký kết hợp đồng trước đó.

Tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, cơ bản đã khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp dần hồi phục. Tốc độ tăng chỉ số IIP các tháng 5, tháng 6 và tháng 7 so với cùng kỳ năm trước của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh lần lượt là: Bắc Giang tháng 5 giảm 26,7%; tháng 6 giảm 49,8% và tháng 7 giảm 15,3%; Bắc Ninh tăng 23,9%; giảm 8,6% và tăng 1,1%.

Thành phố Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24 tháng 7 năm 2021, chỉ số IIP tháng 7-2021 tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước (kỳ tính chỉ số kết thúc vào ngày 14-7- PV)

Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh dự kiến còn kéo dài và phương thức sản xuất “Ba tại chỗ” tại một số địa phương, doanh nghiệp cũng bộc lộ những bất cập cần điều chỉnh để đảm bảo an toàn cho người lao động, doanh nghiệp và hiệu quả của sản xuất tại chỗ.

Bộ Công Thương nhấn mạnh, các doanh nghiệp đã và đang phải cố gắng duy trì sản xuất cùng với nguy cơ rủi ro rất lớn là khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, đến khi dịch được kiểm soát, việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh sẽ rất khó khăn và cần phải có quá trình. Do đó, Bộ và rất nhiều Hiệp hội ngành hàng đề nghị Chính phủ và các địa phương thống nhất quy trình sản xuất, phòng dịch để hạn chế tối đa việc gãy chuỗi cung ứng, tiếp ứng để giữ lại các chuỗi sản xuất trong và sau mùa dịch

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới