Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng tốt trong ‘năm Covid-19’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng tốt trong ‘năm Covid-19’

Lan Nhi

(TBKTSG Online) – Quy mô sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng, hạ tầng các khu công nghiệp phát triển giá trị chế biến trong sản xuất công nghiệp ngày càng cao…đã giúp ngành công nghiệp Việt Nam yên ổn vượt qua năm “Covid 19- 2020”.

Sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng tốt trong 'năm Covid-19'
Sản xuất thép là ngành có mức tăng trưởng tốt trong năm 2020. Ảnh minh họa: TTXVN

Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt

Báo cáo do Bộ Công thương công bố hôm 6-1 về tình hình sản xuất- công nghiệp năm 2020 cho thấy, dù dịch bệnh Covid-1 hoành hành, chuỗi cung – cầu đứt gãy thì sản xuất công nghiệp Việt Nam vẫn đạt mức tăng tưởng dương. Năm 2020, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp cao hơn 3,36% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Tính chung 5 năm, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) tăng từ hơn 810.000 tỉ đồng năm 2015 lên hơn 1,145 triệu tỉ đồng.

Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị gia tăng trong công nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 ước tăng 7,16%, cao hơn so với mục tiêu đặt ra.

Quy mô sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng. Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển, góp phần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, có giá trị gia tăng cao.

Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP của toàn ngành công nghiệp tăng từ 7,4% năm 2016 lên 9,1% năm 2019. Bước sang năm 2020, ngành công nghiệp Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19, IIP cả năm 2020 tăng 3,4% so với năm 2019. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 7,8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 4,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,1%.

Quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu hơn với xu hướng chuyển dịch khá rõ sang công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp khai khoáng giảm dần.

Năm 2020, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82%. Xét cả giai đoạn 2016 – 2020, nhóm ngành này liên tục được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm với mức tăng từ 14,27% năm 2016 lên ước đạt 16,7% vào năm 2020.

Tỷ trọng nhóm ngành ngành khai khoáng trong GDP liên tục giảm, từ 9,1% năm 2010 xuống còn 5,55% năm 2020.
Nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo phát triển tích cực phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành, các ngành công nghiệp chủ lực như điện tử, dệt may, da giày… tăng trưởng ở mức cao, là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam.

Công nghiệp hỗ trợ: Ngày càng gia tăng số lượng nhà cung cấp

Đặc biệt trong những năm gần đây, công nghiệp Việt Nam đã bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa; cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam đã tăng lên đáng kể.

Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% trong năm 2020. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt 49,8% năm 2020. Bộ Công Thương phối hợp với một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia như Samsung, Toyota… để kết nối các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu.

Số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tăng từ 35 doanh nghiệp năm 2018 lên 42 doanh nghiệp, số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp năm 2018 lên 170 doanh nghiệp. Đến nay cũng có thêm ba doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng của Toyota.

Bộ Công Thương đã xây dựng và chính thức khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, là dấu mốc quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu hình thành mạng lưới kết nối B2B trong và ngoài nước.

Vấn đề của công nghiệp Việt Nam là chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn dẫn dắt và có sức cạnh tranh quốc tế cao. Sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp và phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI.

Vốn đầu tư vào khu vực công nghiệp đa số tập trung vào các ngành có thời gian hoàn vốn ngắn như công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và chế biến thực phẩm, số dự án đầu tư vào công nghệ cao chưa nhiều.

Sản xuất trong nước chưa đáp ứng nhu cầu dẫn đến nhập khẩu tiếp tục gia tăng, đặc biệt là nhập khẩu phục vụ sản xuất cho xuất khẩu. Việt Nam vẫn phải tiếp tục nhập khẩu lớn máy móc thiết bị, phụ tùng và nguyên phụ liệu cho sản xuất các ngành công nghiệp trong nước, chiếm tỷ trọng từ 40 – 50% trong tổng kim ngạch nhập khẩu qua các thời kỳ.

Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp xuất khẩu trong nước dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp đạt thấp, giá trị gia tăng tạo ra trong nước không cao. Ví dụ như ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí, chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành cao, tính cạnh tranh của sản phẩm còn kém, gần như chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực trong ngành cơ khí.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới