Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sản xuất sụt giảm, ngành mía đường ngày càng lao đao

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sản xuất sụt giảm, ngành mía đường ngày càng lao đao

Trung Chánh

(KTSG Online) – Trước tình hình đường nhập khẩu đang chiếm ưu thế, ngành mía đường Việt Nam ngày càng lao đao khi sản lượng mía được ép và đường sản xuất ở trong nước ngày càng sụt giảm mạnh.

Đường Thái Lan vẫn đi đường vòng để vào Việt Nam?

Sản xuất sụt giảm, ngành mía đường ngày càng lao đao
Nông dân Hậu Giang thu hoạch mía. Ảnh: Trung Chánh

Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cho biết niên vụ mía 2020-2021 vừa kết thúc với luỹ kế tổng sản lượng mía nguyên liệu được các nhà máy đường ép đạt hơn 6,7 triệu tấn, sản lượng đường đạt 689.830 tấn.

Trong khi đó, ở niên vụ 2018-2019, các nhà máy đường đã ép được khoảng 12,2 triệu tấn mía nguyên liệu, sản xuất được 1,17 triệu tấn đường. Bước sang niên vụ 2019-2020, sản lượng mía nguyên liệu ép chỉ còn 7,39 triệu tấn, sản lượng đường đạt 769.169 tấn. Như vậy, sản lượng mía nguyên liệu ép và lượng đường được sản xuất ra trong niên vụ 2019-2020 giảm lần lượt 4,84 triệu tấn và 400.831 tấn so với niên vụ trước đó.

Còn với kết quả của niên vụ 2020-2021 như nêu ở trên, sản lượng mía nguyên liệu ép đã giảm 5,5 triệu tấn so với niên vụ 2018-2019 và giảm 690.000 tấn so với niên vụ 2019-2020. Trong khi đó, sản lượng đường cũng lần lượt giảm 471.170 tấn so với niên vụ 2018-2019 và 79.339 tấn so với niên vụ 2019-2020.

Báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang – địa phương sản xuất mía trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long – cũng cho thấy niên vụ mía 2020-2021, địa phương xuống giống được 5.040 héc ta, đạt 101% kế hoạch (kế hoạch là 5.000 héc ta), nhưng giảm 14,7% so với niên vụ 2019-2020.

Còn theo tìm hiểu của KTSG Online, nếu so với thời điểm đỉnh cao cách đây khoảng 4-5 năm, diện tích sản xuất mía của địa phương chủ lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long này hiện chỉ còn chiếm khoảng 30% diện tích.

Lý do của tình trạng nêu trên, đó là trong một thời gian dài giá mía nguyên liệu xuống thấp, hoạt động sản xuất loại cây trồng này của người nông dân không có lãi. Vì vậy, tình trạng nông dân phá bỏ mía để chuyển sang các loại cây trồng khác đã diễn ra ồ ạt.

Trong khi ngành mía đường nội địa ngày càng lao dốc thì đường nhập khẩu lại chiếm ưu thế khi sản lượng nhập khẩu chính thức (không tính đường nhập lậu) đã có sự tăng trưởng rất mạnh trong thời gian qua.

Ông Lộc cho biết, nhập khẩu đường chính ngạch từ Thái Lan và các nước ASEAN, cộng với đường lậu, đã tiếp tục đưa một lượng đường rất lớn vào thị trường Việt Nam.

Theo đó, chỉ riêng 4 tháng đầu năm nay, tổng lượng đường nhập chính ngạch vào Việt Nam đã đến 539.577 tấn, tăng gần 200.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tháng đầu năm 2021 nhập 113.469 tấn, tăng hơn 101.000 tấn so với cùng kỳ; tháng 2-2021 đạt 165.200 tấn, tăng gần 105.000 tấn so với cùng kỳ.

Trước những khó khăn của ngành mía đường, Bộ Công Thương đã bắt đầu điều tra áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường mía của Thái Lan từ ngày 21-9 năm ngoái, sau khi thẩm định hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp của đại diện ngành sản xuất trong nước.

Sau đó, vào ngày 15-6 vừa qua, Bộ Công Thương có quyết định áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan ở mức 47,64%, có thời hạn 5 năm và có thể được rà soát. Đây là động thái được đưa ra nhằm hạn chế đường nhập khẩu, vực dậy ngành mía đường trong nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới