Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sản xuất sụt giảm, xuất khẩu khó khăn

T.Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các doanh nghiệp dự hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” đều có chung vấn đề, đó là đơn hàng sụt giảm, chi phí cao, tiếp cận vốn khó. Trong bối cảnh đó, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng kéo dài khiến nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn, khó khăn chồng chất.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu – Ảnh: TTXVN

Theo Cổng thông tin Bộ Công thương, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong các tháng đầu năm 2023 ghi nhận nhiều khó khăn. Xuất khẩu của nhiều ngành hàng chủ lực như điện tử, máy tính, điện thoại, linh kiện, dệt may đều đi xuống, trong đó giảm mạnh nhất ở thị trường châu Mỹ, Á, Âu lần lượt là 19,4%, 7,3% và 9,7%. Kim ngạch xuất khẩu quí I giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 156 tỉ đô la.

Tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” do Bộ Công thương tổ chức ngày 25-4, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, quí I năm 2023, xuất khẩu thủy sản đã giảm 27,5% so cùng kỳ, là mức giảm tương đương trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.

Nguyên nhân là do tiêu dùng tại các nước tiếp nhận hàng xuất khẩu từ Việt Nam giảm đáng kể, nhiều khách hàng đã ký hợp đồng nhưng không nhận hàng, khiến hàng tồn kho nhiều. Đáng lo thêm là dòng tiền chậm về, trong khi rất nhiều nguồn vay ngân hàng đến hạn phải trả, doanh nghiệp không đủ tiền thu mua nguyên liệu.

Lãi suất vay ngân hàng cũng là vấn đề đối với các doanh nghiệp khi các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu vay đô la Mỹ, lãi suất vay trước đây khoảng 2,1-2,5% hiện nay đã lên đến trên 4%.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam nêu ý kiến, thị trường xuất khẩu giảm mạnh trong lúc nhiều loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, nhãn, bưởi… mỗi năm riêng tiền đầu tư phân bón, chăm sóc cũng hơn 50 triệu đồng/héc-ta, song không được coi là tài sản để thế chấp. Nếu có chính sách coi sản phẩm trồng trên đất là tài sản để được thế chấp, vay vốn, sẽ là kênh hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp.

Đáng chú ý, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng thừa nhận, ngay cả xuất khẩu gạo được coi là điểm sáng nhất cũng gặp khó do các doanh nghiệp chủ yếu nhỏ và vừa, nguồn tài chính hạn chế nên khi mùa vụ tới thường thiếu vốn để thu mua lúa gạo, trong khi doanh nghiệp, người nông dân khó tiếp cận vốn vay, đặc biệt là vốn vay ưu đãi.

Bên cạnh đó, các yếu tố lạm phát cao, sức mua kém, đặc biệt với hàng tiêu dùng không thiết yếu; chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao khi mức giá xuất khẩu không tăng cũng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng để tránh rủi ro.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, các nước phát triển đang đặt ra các tiêu chuẩn cao trong nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ: đảm bảo chuyển đổi năng lượng xanh – sạch; sản xuất carbon thấp… như một luật chơi mới để tạo cuộc đua không cân sức trong xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ Công thương đánh giá, nếu không có đột phá ở những tháng tiếp theo thì cả năm 2023, xuất khẩu chỉ đạt khoảng 600 tỉ đô la, bằng năm 2021 khi dịch Covid-19 hoành hành nặng nhất.

Cần có những giải pháp hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, nhất là gói tín dụng theo chuỗi giá trị sản phẩm để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với thời hạn vay, mức vay, lãi suất hợp lý – Ảnh minh họa: TL

TTXVN đưa tin, để hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu và mở rộng thị trường, Bộ Công thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán với các nước để mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông, lâm thủy sản mà Việt Nam có lợi thế mà các nước có nhu cầu, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc để xuất khẩu thêm các mặt hàng như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, ớt, chanh, dưa lưới.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, đề nghị có những giải pháp hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, nhất là gói tín dụng theo chuỗi giá trị sản phẩm để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với thời hạn vay, mức vay, lãi suất hợp lý.

Nghiên cứu chính sách về khoanh, giãn nợ cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu để không chỉ cứu đơn hàng mà còn giữ vững thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp duy trì được hoạt động, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới