Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sản xuất thuốc thú y theo chuẩn GMP: Không thể trì hoãn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sản xuất thuốc thú y theo chuẩn GMP: Không thể trì hoãn

Sơn Nghĩa

Sản xuất thuốc thú y theo chuẩn GMP: Không thể trì hoãn
Ảnh: Sơn Nghĩa.

(TBKTSG) – Doanh nghiệp trong ngành sản xuất thuốc thú y sẽ bị đóng cửa và rút giấy phép nếu đến ngày 31-12-2011, sản phẩm không đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP). Dù quyết định này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) ban hành từ năm 2004 và qua nhiều lần gia hạn, nhưng đến nay, cả nước mới chỉ có khoảng 15 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP, trong khoảng 150 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này.

Doanh nghiệp than khó

Dù sắp đến thời hạn chuyển đổi sản xuất, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không thể xây nhà máy đạt chuẩn GMP vì nhiều lý do. Ông Phan Minh Nghị, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh thuốc thú y Minh Ngân, cho biết công ty không thể hoàn thành việc chuyển đổi sản xuất sản phẩm theo chuẩn GMP như quy định. “Dù có kế hoạch xây nhà máy theo chuẩn GMP, nhưng ba năm qua, do ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế, chúng tôi vẫn không đủ tiền để hoàn thành nhà máy kịp tiến độ”, ông Nghị nói.

Theo quy định của Bộ NNPTNT, đến ngày 31-12-2011, doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y buộc phải ngưng sản xuất thuốc nước, nếu không đạt chuẩn GMP. Đối với mặt hàng thuốc bột, doanh nghiệp được phép gia hạn đến cuối năm 2012. Nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng quy định này cũng không thể giúp họ cầm cự qua cơn khó khăn, bởi hiện nay mặt hàng thuốc nước chiếm hơn 50% doanh số của doanh nghiệp. Nếu cấm kinh doanh thuốc nước, doanh nghiệp sẽ mất 50% doanh số, khó khăn càng chồng chất hơn.

Ông Nghị cho biết các doanh nghiệp khi cung cấp thuốc cho khách hàng, đại lý hay các hộ chăn nuôi thường phải cung cấp đầy đủ thuốc bột và thuốc nước. “Trong phác đồ trị bệnh cho vật nuôi, người chăn nuôi buộc phải dùng đồng thời thuốc bột và thuốc nước. Nếu cấm thuốc nước, thuốc bột bán ra thị trường cũng chẳng ai mua”, ông Nghị nói. Ông đề xuất: nếu gia hạn được, bộ nên cho phép doanh nghiệp tiếp tục sản xuất thuốc nước để cùng chuyển đổi qua chuẩn GMP như thuốc bột trong hai năm nữa. Bởi khi doanh nghiệp duy trì được nguồn thu từ thuốc nước, việc xây nhà máy theo chuẩn GMP sẽ khả thi hơn.

Chi phí để xây một nhà máy GMP quá cao, lên đến hơn 50 tỉ đồng/chuyền sản xuất. Với mức lãi suất cao hơn 20% hiện nay, doanh nghiệp khó có thể chịu đựng được”, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y ở TPHCM nói. Đây cũng là lý do khiến công ty của ông trì hoãn việc xây nhà máy theo chuẩn GMP. Ngoài ra, hiện nay lượng heo thịt nhập khẩu tăng mạnh, giá heo trong nước giảm, nhiều hộ chăn nuôi đã bỏ chuồng trại, giảm quy mô chăn nuôi cũng khiến ngành sản xuất thuốc thú y lao đao.

Ông Huỳnh Văn Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Thuốc thú y Gấu Vàng, cho rằng việc ngưng sản xuất thuốc thú y trong thời gian tới sẽ khiến doanh nghiệp thiệt hại về nhà xưởng, nguồn nhân lực. Những sản phẩm trong quá trình chuyển đổi như bao bì, thuốc chưa đạt chuẩn cũng phải bỏ đi.

Chất lượng thuốc thú y trên thị trường vốn đã lộn xộn trong thời gian qua, nếu không kiểm soát tốt, số thuốc kém chất lượng tuôn ra thị trường sẽ ảnh hưởng đến người chăn nuôi

Theo định hướng của bộ, các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y không đạt chuẩn GMP sẽ chuyển qua làm gia công cho các nhà máy đạt chuẩn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng trước sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường hiện nay, doanh nghiệp sẽ không có cơ hội làm gia công cho những nhà máy đạt chuẩn GMP. Bởi khi đã đầu tư xây nhà máy GMP với chi phí cao, doanh nghiệp đạt chuẩn GMP đã ở một phân khúc thị trường khác và sẵn sàng loại bỏ những đối thủ cạnh tranh không đạt chuẩn. Đó là chưa kể những doanh nghiệp làm gia công cũng không thể cạnh tranh với những mặt hàng do các nhà máy đạt chuẩn GMP sản xuất.

Cần kiểm soát chặt hơn

Trả lời phỏng vấn TBKTSG vào đầu tuần này, ông Huỳnh Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NNPTNT, khẳng định việc thực hiện và chuyển đổi doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y vẫn theo lộ trình và không thể trì hoãn thêm. Ông cho rằng lộ trình thực hiện GMP đối với ngành thuốc thú y đã được bộ gia hạn nhiều, thời gian kéo dài đến sáu năm là đủ để doanh nghiệp chuyển đổi.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam, cũng cho rằng việc sắp xếp lại thị trường kinh doanh thuốc thú y, với tiêu chuẩn GMP, là điều cần thiết. Doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi xong trước ngày 31-12-2011. Chất lượng thuốc thú y trên thị trường vốn đã lộn xộn trong thời gian qua, nếu không kiểm soát tốt, số thuốc kém chất lượng tuồn ra thị trường sẽ ảnh hưởng đến người chăn nuôi. Ngoài ra, đây là lộ trình mà Việt Nam buộc phải thực hiện khi đã là thành viên WTO.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin riêng của TBKTSG, để gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y trong quá trình chuyển đổi sang chuẩn GMP, trong tháng này, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức hai cuộc họp ở Hà Nội và TPHCM để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp về việc này. Đây là cơ hội để doanh nghiệp trình bày những khó khăn vướng mắc trong việc chuyển đổi sản xuất. Một số doanh nghiệp đã tuân thủ lộ trình chuyển đổi cho rằng nếu doanh nghiệp đã đạt được chuẩn GMP, Nhà nước cần tăng cường kiểm soát mặt hàng này trên thị trường.

Theo ông Huỳnh Công Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Mebiphar, doanh nghiệp trong ngành dù muốn hay không cũng phải thực hiện việc sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn GMP. “Tuy nhiên, khi đã đầu tư nhà máy với chi phí lớn, chúng tôi kỳ vọng thị trường thuốc thú y sẽ được kiểm soát tốt hơn. Bởi nếu kiểm soát không khéo, các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y bị rút giấy phép do không đạt chuẩn GMP sẽ làm chui và bán rẻ”.

Ông Hồ Tiên Sinh, Tổng giám đốc Công ty TCP, cho biết hiện nay thuốc thú y kém chất lượng trôi nổi trên thị trường chiếm đến 65%. Nếu không thực hiện một quy trình chuẩn, đã quy định sẵn trong thuốc và thành phần tá dược, khi pha chế thuốc, doanh nghiệp thường không thực hiện đúng như họ công bố. Hiện tổng doanh thu thị trường thuốc thú y mỗi năm ước đạt 1.000 tỉ đồng, mỗi doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y đạt mức doanh thu trung bình 100 tỉ đồng/năm, trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 20% thị phần, 80% còn lại nằm trong tay các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. “Sau khi sắp xếp lại thị trường thuốc thú y theo chuẩn GMP, với miếng bánh lớn nhưng doanh nghiệp tham gia thị trường đã thu hẹp lại sẽ là cơ hội cho thuốc giả, thuốc kém chất lượng bán ra thị trường”, ông Sinh nói. Vì vậy, việc tăng cường kiểm soát của các cơ quan chức năng là điều cần thiết trong thời gian tới.

Theo lộ trình chuyển đổi và thực hiện tiêu chuẩn GMP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với dây chuyền sản xuất các loại thuốc tiêm, thuốc uống dạng dung dịch, thuốc bột cho uống, thuốc bột trộn thức ăn có hạn cuối thực hiện áp dụng GMP là cuối năm 2010. Quá thời gian này, nếu doanh nghiệp không có chứng chỉ GMP thì các sản phẩm đã sản xuất chỉ được phép lưu hành đến ngày 31-12-2011 (với thuốc tiêm và uống dạng dung dịch) và đến ngày 31-12-2012 (với dạng thuốc bột cho uống hoặc trộn thức ăn). Ðối với dây chuyền sản xuất thuốc bột pha tiêm và các dạng thuốc khác, thời hạn cuối thực hiện áp dụng GMP sẽ được gia hạn đến cuối năm 2012. Ðến thời hạn này, các sản phẩm đã sản xuất chỉ được phép lưu hành đến ngày 31-12-2014.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới