Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sàng lọc tín dụng ngoại tệ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sàng lọc tín dụng ngoại tệ

Lưu Hảo

(TBKTSG) – Việc lách trần huy động lãi suất tiền đồng vẫn chưa chấm dứt, những tuần qua hiện tượng lách trần huy động ngoại tệ vốn chỉ lác đác xuất hiện trước đó, trở nên phổ biến tại một số ngân hàng cổ phần. Tùy theo số lượng tiền gửi, khách hàng có thể thương lượng lãi suất tiết kiệm đô la Mỹ ở mức 2,5-3,5%/năm. Với lãi suất đầu ra 6-8%/năm hiện nay, ngân hàng vẫn có lời, mặc dù mức dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đã tăng lên.

Nhu cầu vay vốn ngoại tệ cao là lý do chủ yếu dẫn đến việc lách trần lãi suất ngoại tệ. Tỷ giá ổn định cộng với chênh lệch lãi suất cho vay giữa hai đồng tiền hiện lên đến 10-12%/năm kích thích doanh nghiệp vay ngoại tệ. Giả sử đến cuối năm tỷ giá có biến động khoảng 5-7%, thì mức chênh lệch trên đảm bảo cho việc vay ngoại tệ vẫn có lợi hơn.

Trong khi đó, diễn biến huy động vốn ngoại tệ của ngân hàng lại không thuận lợi. Theo Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đến cuối tháng 6, vốn huy động ngoại tệ tăng 8,94% so với cuối năm 2010, nhưng dư nợ ngoại tệ tăng tới 23,47%, gấp gần ba lần. Từ tháng 5-2011 xu hướng dịch chuyển tiền gửi đô la Mỹ sang đồng Việt Nam ngày càng rõ nét. Tốc độ dịch chuyển được dự báo sẽ còn gia tăng, nên huy động ngoại tệ khó được cải thiện.

Tuy vậy sự thiếu hụt đầu vào của tín dụng ngoại tệ không đáng lo bằng sự mất cân đối nguồn vốn. Tiết kiệm đô la Mỹ hầu hết có kỳ hạn ngắn, hiện chủ yếu dưới ba tháng, nhưng kỳ hạn cho vay tương đối dài, khoảng 6-12 tháng đối với nhà xuất khẩu. Chưa kể một số khách hàng nhập khẩu thiết bị máy móc, thời hạn vay thường kéo dài hai, ba năm. Những ngân hàng “bóc ngắn cắn dài” có thể lâm vào tình trạng không có đủ nguồn vốn đô la để giải ngân cho các hợp đồng đã ký.

“Sự bùng phát của tín dụng ngoại tệ không phải bây giờ mới lộ rõ” – tổng giám đốc một ngân hàng phát biểu – “Nó kéo dài đã hơn hai năm. Nó chỉ có thể giảm dưới áp lực của tỷ giá và lãi suất tiền đồng. Khi áp lực tỷ giá đã yếu đi trông thấy, phải tháo gỡ lãi suất tiền đồng thì mới giải được bài toán dư nợ ngoại tệ”.

Liệu bối cảnh hiện nay đã hội đủ những yếu tố cần thiết cho việc hạ lãi suất tiền đồng? Lộ trình giảm có lẽ đã được cơ quan quản lý tính đến, nhưng việc nhấn nút giảm còn phải chờ số liệu CPI tháng 7. Các ngân hàng vẫn đang khá thận trọng và không ngân hàng nào muốn đảm nhận vai trò tiên phong trong giảm lãi suất đầu ra. Một phần vì ngân hàng chưa tiêu thụ hết lượng vốn huy động lãi suất cao, phần khác họ vẫn thương lượng lãi suất tiền gửi để giữ chân khách hàng ruột.

Những động thái này có khả năng sớm kết thúc vì cơ hội kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng đang eo hẹp. Một khi lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn một tháng ở mức 14%/năm, không ai huy động lãi suất cao hơn từ dân cư và doanh nghiệp. Việc giữ thị phần cũng quan trọng, song giữ được thị phần mà lỗ thì không ai làm. Ngoài ra, hạn mức tăng trưởng tín dụng cũng không còn nhiều.

Sự bùng phát của tín dụng ngoại tệ không phải bây giờ mới lộ rõ. Nó kéo dài đã hơn hai năm. Nó chỉ có thể giảm dưới áp lực của tỷ giá và lãi suất tiền đồng.

Để đánh giá chính xác thực trạng tín dụng ngoại tệ, cần một sự thống kê rạch ròi. Gần đây không ít nhà xuất khẩu và những tổ chức kinh tế có điều kiện tiếp cận tín dụng ngoại tệ đã tận dụng sự ổn định của tỷ giá, vay ngoại tệ, chuyển qua tiền đồng, gửi tiết kiệm, hưởng chênh lệch lãi suất.

Việc vay đô la Mỹ để chuyển sang tiền đồng của họ không khác gì hoạt động mua bán tiền tệ để hưởng chênh lệch lãi suất (carry trade) đang được một số tổ chức nước ngoài tiến hành.

Tuy nhiên nước ngoài sử dụng tiền của họ hoặc tiền vay bên ngoài, nên áp lực trả nợ đối với thị trường trong nước tương đối thấp. Các doanh nghiệp nội địa thì không thể tìm nguồn trả nợ ở đâu khác ngoài thị trường nội. Do đó nếu thời điểm đáo hạn của phần lớn các khoản vay ngoại tệ nhằm hưởng chênh lệch lãi suất cùng xảy ra một lúc, nó sẽ gây nên sự đột biến cầu ngoại tệ và có thể tác động tiêu cực đến tỷ giá.

Kiểm soát và thanh lọc tín dụng ngoại tệ, vì thế, là điều cần tiến hành trong lúc này. Song song với nó là việc sử dụng một cách linh hoạt các giải pháp mang tính thị trường như tăng thêm dự trữ bắt buộc ngoại tệ, từng bước giảm lãi suất tiền đồng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết so với các năm trước, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ hiện nay đang có xu hướng giảm dần, nhưng mức giảm còn thấp. Nhìn từ cơ cấu tín dụng chung, tín dụng ngoại tệ hiện chiếm 23%, giảm chút ít so với thời kỳ đỉnh cao là 25%, song cũng không thấp so với mức 19% của những năm trước khủng hoảng 2008. Những con số này là thước đo quy mô tín dụng ngoại tệ, nhưng việc đánh giá đúng và quản lý tín dụng ngoại tệ có thể cần nhiều thông số khác. Chẳng hạn sự chênh lệch giữa tăng trưởng huy động và cho vay ngoại tệ trong thời gian vừa qua ra sao. Mức chênh lệch này càng lớn, nguy cơ mất cân đối nguồn vốn càng nhiều. Đây mới chính là điều cần phải lưu ý.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới