Sáng tạo không đồng nghĩa với phạm luật
Ngọc Lan
![]() |
Tranh minh họa: Khều |
(TBKTSG) – Gần đây “làn sóng” rút giấy phép đầu tư có xu hướng lan nhanh ở nhiều địa phương, thay cho thời kỳ trải thảm đỏ, thu hút đầu tư bằng mọi giá ở những năm trước. Vì sao?
Tại cả hai bên
Do đã phân cấp cho các địa phương trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận đầu tư nên đến thời điểm này Vụ quản lý các Khu công nghiệp – Khu chế xuất (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chưa có thống kê chính thức số dự án bị rút giấy phép, số dự án chậm triển khai ở các địa phương.
Một vài số liệu chưa đầy đủ cho thấy ở Bắc Ninh có 46 dự án bị rút giấy phép (cộng dồn từ năm 2007 đến nay), 22 dự án ở Tây Ninh, 29 dự án ở Lâm Đồng, 12 dự án ở Ninh Thuận, 12 dự án ở Phú Quốc (Kiên Giang), 23 dự án ở Dung Quất (Quảng Ngãi)…
Khi rút giấy phép các dự án đầu tư, như lý do mà Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất đưa ra là do chủ đầu tư các dự án không đủ năng lực tài chính, tiến độ bị ngưng trệ kéo dài hoặc doanh nghiệp lập dự án với mục đích chiếm dụng đất, chuyển nhượng để hưởng lời.
Ở tỉnh Bắc Ninh, các dự án bị thu hồi cũng vì các lý do tương tự: chậm triển khai, các mục tiêu trong giấy phép đầu tư đã cấp không được thực hiện, năng lực tài chính của chủ đầu tư yếu.
Ở các tỉnh khác, lý do rút giấy phép cũng không khác. Việc rà soát các dự án sau khi được cấp phép gần đây được các địa phương thực hiện khá kỹ. Như trường hợp ở tỉnh Hải Dương, từ trung tuần tháng 7 đến hết tháng 8 vừa qua, tỉnh đã có một cuộc kiểm tra tại tám khu công nghiệp trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Huy Đồng, Phó trưởng ban thường trực Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hải Dương, mục đích kiểm tra là xem việc xây dựng của dự án có đúng quy hoạch đã được phê duyệt và có tuân thủ trình tự thủ tục đầu tư xây dựng hay không.
“Các dự án chậm trễ có lý do chính đáng mới được gia hạn”, ông Mai Đức Chọn, Trưởng ban Quản lý KCN tỉnh Hải Dương, nói với TBKTSG. Ông Chọn dẫn chứng: năm 2008, đồng won (Hàn Quốc) mất giá nặng nề, một vài nhà đầu tư Hàn Quốc trên địa bàn tỉnh có đơn đề nghị ban quản lý cho họ lùi tiến độ nhập khẩu thiết bị, máy móc phục vụ dự án do việc quy đổi từ đồng won sang đồng đô la Mỹ ở thời điểm đó có thể khiến dự án bị đội vốn đầu tư lên rất nhiều. Nhưng ông cho rằng những lý do có thể chấp nhận được như vậy từ phía các nhà đầu tư không nhiều.
Trong khi đó, tại Bắc Ninh trong số các dự án bị thu hồi (được phân loại đến giữa năm 2008), có đến 30 dự án trong nước được cấp phép từ năm 2001-2005, 9 dự án cấp sau năm 2005 và 7 dự án được cấp trong ba năm gần đây. Theo Phòng Quản lý doanh nghiệp thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, các dự án được cấp phép từ năm 2000-2005 bị thu hồi nhiều do lúc đó tỉnh chưa có điều kiện lựa chọn nên chất lượng thấp.
Song, cũng không thể đổ hết lỗi cho nhà đầu tư trong chuyện dự án bị rút giấy phép. Tại cuộc hội thảo về việc thu hút đầu tư vào các tỉnh phía Bắc cách đây vài tháng, GS.TS. Đàm Văn Nhuệ (trường Đại học kinh tế quốc dân) phân tích rằng, 18 năm qua chưa có một văn bản nào hướng dẫn về việc phát triển bền vững các KCN. Các địa phương, mạnh nơi nào nơi đó làm.
Việc tranh thủ thu hút đầu tư nước ngoài kéo theo “làn sóng” chào đón nhà đầu tư bằng mọi giá ở các địa phương, khiến cho giấy phép đầu tư được cấp quá dễ dãi, với mục tiêu hàng đầu là “lấp đầy” các KCN. Hoặc nhiều địa phương, cứ thấy nhà đầu tư nước ngoài là trải thảm đỏ, xem vốn đăng ký cao là được chấp thuận. Vì vậy nên mới có tình trạng lấy đất nông nghiệp làm sân golf khá dễ dãi, nay lại phải thu hồi.
Hoặc như chuyện ở Khu kinh tế Dung Quất, để chuẩn bị triển khai dự án thép Tycoon (Đài Loan) mà hơn ba năm qua chưa có động tĩnh gì, tỉnh Quảng Ngãi phải di dời 12 nhà máy đã được xây dựng trước đó tại đây. Những chuyện như vậy không phải chỉ có trách nhiệm của nhà đầu tư.
Một lãnh đạo của Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng bên cạnh mặt tích cực trong việc phân cấp cấp phép đầu tư cho các địa phương là nhằm tăng tính tự chủ, năng động của từng địa phương, mặt trái của nó cũng đã bộc lộ – đó là các địa phương “đua nhau” cấp phép rồi rút giấy phép đầu tư.
Phân cấp nhưng cần có quy hoạch chung
Ông Mai Đức Chọn nói với TBKTSG rằng, thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư nay đã thông thoáng hơn, mục đích là để các nhà đầu tư nâng cao năng lực tự chịu trách nhiệm về dự án của mình. Ví dụ như hiện tại, địa phương không phải thẩm định nguồn vốn thực hiện dự án như trước nữa.
“Kể cả nhà đầu tư sử dụng 100% vốn vay mà đáp ứng được các điều kiện cấp phép cơ bản khác, phù hợp với kinh tế – xã hội địa phương thì chúng tôi vẫn chấp thuận”, ông Chọn cho hay.
Việc không phải thẩm định nguồn vốn thực hiện dự án là một sự cải cách đáng kể nhưng lãnh đạo sở kế hoạch và đầu tư một số tỉnh phía Bắc nói rằng lúc trước yêu cầu phải thẩm định họ còn không thể thẩm định đầy đủ và chính xác được. Nay không cần thẩm định thì các địa phương có thể lúng túng trước các dự án đăng ký hàng trăm triệu đến hàng tỉ đô la vốn và đi kèm theo đó là áp lực hậu kiểm.
Dù thủ tục đầu tư đã thông thoáng hơn, nhưng nhiều địa phương cho biết họ đang phải chịu áp lực khác trong việc tiền kiểm các dự án khi mà mức độ phức tạp về công nghệ, tính chất của dự án ngày càng tăng, trong khi nhân lực của các ban quản lý lại thiếu, yếu. Do vậy, phải chăng việc phân cấp cũng có mâu thuẫn cần được giải quyết?
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc tăng sự thông thoáng về thủ tục đầu tư đồng thời cũng tăng những dự án đạt hiệu quả, trong thực tế không hề mâu thuẫn nhau nếu làm đúng từ đầu và nếu các địa phương nâng cao năng lực thẩm định dự án.
Việc các tỉnh cấp giấy phép tràn lan thời gian trước do thiếu quy hoạch hoặc việc thực thi quy hoạch (nếu đã có) chưa nghiêm. Ví như quy hoạch ngành thép phải đi đôi với quy hoạch cảng, phải tuân thủ quy hoạch ngành từ trung ương chứ không phải tỉnh nào cũng cấp phép đầu tư các dự án thép, dù không đủ điều kiện tiếp nhận dự án.
Việc Bộ Công Thương mới đây phải đặt ra bốn tiêu chí cho việc cấp phép dự án thép và yêu cầu các địa phương tuân thủ là một ví dụ. Làm được như vậy, vừa thuận tiện cho địa phương, vừa thuận tiện cho nhà đầu tư không phải vừa làm vừa ngóng.
“Muốn cấp phép tốt cần quy hoạch từ trung ương, yêu cầu các địa phương phải tôn trọng, không xé rào. Chính phủ phải căn cứ vào quy hoạch vùng, ngành, sơ đồ tổng thể phát triển kinh tế – xã hội các khu vực đã có để đặt ra những quy định khung về cấp phép cho địa phương”, theo bà Lan.
Còn ông Nhuệ cũng cho rằng, khi quy hoạch chung đã có, các ngành, địa phương phải tuân thủ, kiên quyết chống lại tư tưởng thành tích, nóng vội. “Các hành vi vượt rào trong cấp phép phải bị xử lý nghiêm nhưng mặt khác cần kịp thời điều chỉnh nếu thấy quy hoạch không phù hợp, gây bị động cho địa phương”, ông đề nghị.
Bà Phạm Chi Lan phân tích, việc cấp phép các dự án lớn về quy mô đất đai hay lĩnh vực khoáng sản, Chính phủ phải giữ quyền của cơ quan đầu não, không phải các địa phương muốn phân cấp là được tự ý thực hiện. Bà cũng cho rằng, việc đặt ra các quy hoạch tổng thể, các giới hạn cần tuân thủ trong việc phân cấp đầu tư, tránh để rút giấy phép tràn lan, không hề triệt tiêu tính sáng tạo trong thu hút đầu tư của các địa phương. “Tính sáng tạo không đồng nghĩa với phạm luật”, bà nói.
Việc tinh giản các thủ tục không cần thiết, tăng tính năng động trong việc kết nối các địa phương, tăng cường năng lực thẩm định dự án, khai thác tốt các lợi thế của địa phương được xem là tính sáng tạo mà không cần vi phạm quy hoạch, vượt quyền và vượt luật.
“Nếu địa phương linh hoạt hơn, địa phương và nhà đầu tư cùng bắt tay thẩm định, triển khai dự án, bên chuẩn bị vốn, bên chuẩn bị các dịch vụ địa phương, nhân lực thì sẽ hạn chế được nhiều dự án đầu tư thiếu hiệu quả, sử dụng nhân lực lao động nước ngoài”, bà gợi ý và cho rằng qua quá trình cùng làm việc với nhà đầu tư, địa phương sẽ tự nâng cao được năng lực trên mọi mặt và việc hậu kiểm dự án cũng sẽ bớt dần khó khăn.
Bắc Ninh dọn chỗ cho nhà đầu tư Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên công khai tên các dự án đầu tư bị rút giấy chứng nhận đầu tư trên website của Ban quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh (Bắc Ninh IZA). Số liệu thống kê cho thấy tính lũy kế từ năm 2005 đến ngày 15-7-2009, Bắc Ninh IZA đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và chấm dứt hoạt động của 46 dự án, trong đó có 8 dự án đầu tư nước ngoài, 38 dự án trong nước. Từ đầu năm đến nay, Bắc Ninh IZA đã rút giấy chứng nhận đầu tư của ba dự án và buộc 8 dự án phải chấm dứt hoạt động do vi phạm các quy định. Theo ông Vũ Đức Quyết, Trưởng ban quản lý, trong số 46 dự án nói trên, khu công nghiệp Tiên Sơn có 14 dự án, khu công nghiệp Quế Võ, khu liền kề và phát triển khu công nghiệp Quế Võ có 21 dự án, số còn lại thuộc về khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn Sơn. Cũng theo ông Quyết, các dự án này chiếm gần 70 héc ta đất (tính bình quân mỗi dự án có diện tích 1,5 héc ta) và tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 300 triệu đô la Mỹ. Về lộ trình thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, ông Quyết giải thích: lộ trình này gồm các bước rà soát, phát hiện, gặp gỡ, thương thảo với nhà đầu tư, rồi thống nhất các giải pháp và tiến hành rút giấy phép. “Có nhiều cách thực hiện, ví dụ nhà đầu tư được quyền chuyển nhượng tài sản cho nhà đầu tư khác dưới hình thức chuyển dự án. Họ cũng có thể chuyển nhượng một phần tài sản sang dự án khác còn phần đất được cấp chúng tôi sẽ thu lại để giao cho công ty đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư mới vào sẽ được thuê đất theo chính sách hiện hành”, ông nói. Hầu như 46 dự án đã bị rút giấy phép thì sau khi rút xong đều có các nhà đầu tư khác tiếp nhận ngay phần đất của chủ đầu tư cũ. Trong quá trình thu hồi giấy phép của nhà đầu tư cũ, ban quản lý cũng có những bước chuẩn bị để đón nhà đầu tư mới. Cụ thể là trước khi thu hồi, ban quản lý sẽ làm hợp đồng chấm dứt hoạt động để thanh lý tài sản của nhà đầu tư cũ, sau đó định giá tài sản để nhà đầu tư mới tiếp nhận. Ông Quyết chia sẻ kinh nghiệm: ”Làm như vậy có mấy cái lợi. Thứ nhất là tìm ra lối thoát cho nhà đầu tư cũ. Thứ hai là làm cho môi trường đầu tư “sạch” hơn vì nếu để cho các dự án này tồn tại thì chúng tôi sẽ bị áp lực của xã hội đánh giá rằng một khu công nghiệp mà mật độ các dự án kém hiệu quả nhiều sẽ tạo ra hình ảnh tiêu cực”. Thành Trung |